Nhà bảo tồn trẻ Trang Nguyễn: Bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên không phải câu chuyện của riêng ai!

Nguyễn Thị Thu Trang-cô gái đã có 16 năm hoạt động và nghiên cứu bảo tồn các loài động vật hoang dã sẽ bước vào một hành trình mới, khi là gương mặt trẻ duy nhất của Việt Nam được lựa chọn tham gia vào Chương trình Nhà Lãnh đạo Khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2023 của tổ chức Obama Foundation.

Nguyễn Thị Thu Trang có 16 năm hoạt động và nghiên cứu bảo tồn các loài động vật hoang dã. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Thị Thu Trang có 16 năm hoạt động và nghiên cứu bảo tồn các loài động vật hoang dã. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Thị Thu Trang (thường gọi là Trang Nguyễn hoặc Chang Hoang Dã) được biết đến như một “cô gái thép” trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên. Cô đã vượt qua căn bệnh ung thư để theo đuổi niềm đam mê cũng như tham gia điều tra, triệt phá nhiều đường dây buôn bán ngà voi, sừng tê giác khắp châu Phi và châu Á.

Đặc biệt, cô gái trẻ đã sáng lập và dẫn dắt Trung tâm hành động vì động vật hoang dã WildAct với nhiều đóng góp tích cực trong lĩnh vực bảo tồn. Đứng trước nhu cầu phát triển nguồn nhân lực và năng lực trong ngành bảo tồn, cô cùng các cộng sự WildAct đã tiên phong thực hiện các khóa học giúp người tham dự hiểu về vấn đề buôn bán động vật hoang dã trái phép, và phúc lợi động vật tại Việt Nam.

Hơn 40% học viên sau khi tham gia khóa học công tác trực tiếp trong ngành bảo tồn tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế. WildAct cũng là đơn vị tiên phong tổ chức Hội nghị Sinh viên về bảo tồn thiên nhiên...

Lý do khiến bạn quyết tâm thành lập WildAct tại Việt Nam?

Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ thành lập một tổ chức bảo tồn, vì trách nhiệm của người đứng đầu là rất lớn. Mọi chuyện thay đổi khi vào năm 22 tuổi, tôi bị phát hiện mắc bệnh ung thư.

Trong những ngày tháng nằm viện, tôi nghĩ rằng mình chỉ có thể sống một lần thôi, vì vậy hãy cứ làm những gì mình muốn, thay vì phải suy nghĩ đắn đo quá nhiều.

Điều tôi mong muốn nhất là làm sao có thể tạo được một môi trường hòa nhập và mang cơ hội được tìm hiểu và công tác trong ngành bảo tồn đến cho nhiều người Việt Nam hơn nữa, và vì thế mà WildAct được ra đời.

Sau 10 năm sáng lập và điều hành tổ chức WildAct, bạn nhận thấy những khó khăn và khả quan gì trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã ở Việt Nam?

Hiện nay so với 10 năm trước đây thì công tác bảo tồn ở Việt Nam đã có nhiều sự thay đổi lớn. Chúng tôi nhận được sự ủng hộ cao hơn rất nhiều từ phía Chính phủ cũng như người dân về các hoạt động và dự án bảo tồn.

Các câu lạc bộ, hội, nhóm từ phía các bạn trẻ, các bạn sinh viên cũng quan tâm đến hoạt động bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên hơn. Chính phủ đã ban hành nhiều điều luật và chính sách thân thiện hơn với môi trường và thiên nhiên, như Luật Lâm nghiệp năm 2017, hay cam kết chấm dứt hoạt động nuôi gấu lấy mật...

Tuy nhiên, ngành bảo tồn vẫn còn rất nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất là nhân lực. Chúng ta còn thiếu nguồn nhân lực có kỹ năng, kinh nghiệm để công tác trong ngành; điều kiện làm việc của nhiều người công tác trong ngành, như lực lượng kiểm lâm, còn nhiều thiếu thốn.

Bận rộn với công tác bảo tồn thiên nhiên ở nhiều nơi, từ châu Phi sang châu Âu, châu Á, động lực nào thôi thúc bạn viết những cuốn sách như ‘Trở về nơi hoang dã”, “Chang Hoang Dã - Gấu”?

Ngày xưa khi còn nhỏ, tôi rất thích đọc Doraemon và những thông tin trong bộ truyện tranh ấy vẫn còn được mình nhớ đến tận bây giờ. Ví dụ như, tập truyện ngắn nói về chiếc đèn thần kỳ Doraemon cho Nobita mượn để làm bài tập, chiếu vào vật gì thì tình trạng nguyên thủy của nó hiện lên, thế là người đọc biết được giấy được làm từ cây gỗ, kính được làm từ cát...

Vì vậy mà tôi nhận ra sự quan trọng mà những bộ truyện tranh có thể mang lại cho trẻ em, vừa là giải trí, cũng là nguồn cung cấp kiến thức và có thể giúp nuôi dưỡng tình yêu thiên nhiên cho các em.

Nguyễn Thị Thu Trang và hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. (Ảnh: NVCC)

Nguyễn Thị Thu Trang và hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn động vật hoang dã. (Ảnh: NVCC)

Những cảm xúc của bạn khi vừa được tổ chức Obama Foundation chọn là gương mặt trẻ duy nhất của Việt Nam được tham gia vào Chương trình Nhà Lãnh đạo Khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2023?

Tôi đã rất bất ngờ khi được chọn tham gia vào chương trình của Obama Foundation. Đây là một chương trình toàn cầu, rất có danh tiếng của cựu Tổng thống Mỹ Obama, vì thế mà “đầu vào” rất khó và Ban tổ chức tuyển chọn rất nghiêm ngặt.

Rất may mắn và có lẽ là có duyên với chương trình nên một tháng sau vòng phỏng vấn thì tôi nhận được kết quả trúng tuyển.

Bạn nhận thức thế nào về vai trò của mình, cũng như có thể chia sẻ những nhiệm vụ sắp tới của bạn khi tham gia vào chương trình này?

Là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia vào chương trình năm nay, tôi thấy mình cần cố gắng nhiều.

Với vai trò là một nhà bảo tồn duy nhất tham gia vào chương trình, tôi mong muốn sẽ đưa những thông tin, thách thức và khó khăn trong ngành để chia sẻ với các lãnh đạo khác trong khu vực, để mọi người hiểu và thông cảm hơn với những khó khăn của ngành bảo tồn, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới. Qua đây, chúng tôi cùng nhau thảo luận về giải pháp bảo vệ thiên nhiên.

Hơn 30 tuổi mà đã có 16 năm hoạt động, nghiên cứu bảo tồn các loài động vật hoang dã, bạn có nhắn nhủ gì để mọi người, đặc biệt là giới trẻ có quan tâm và hành động vì lĩnh vực này hơn?

Ngành bảo tồn là một ngành nghề vất vả, nhưng vô cùng quan trọng. Tất cả những gì con người chúng ta đang có, từ không khí, nước sạch, đất để trồng lương thực, thực phẩm... đều do thiên nhiên trao cho. Vì thế, nếu chúng ta không giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên, thì chúng ta đang tự tàn phá chính cuộc sống của bản thân mình.

Tôi hy vọng mọi người sẽ có cái nhìn đúng đắn và tích cực hơn về môi trường. Chuyện bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên không phải chuyện của người khác, mà là trách nhiệm của mỗi con người trên trái đất này!

Chương trình Lãnh đạo châu Á-Thái Bình Dương của tổ chức Obama Foundation đào tạo và kết nối các nhà lãnh đạo trẻ đến từ các quốc gia và lĩnh vực khác nhau, bao gồm khu vực công, tư nhân và phi lợi nhuận. Năm 2023 có hơn 4.000 người trên thế giới được đề cử và chỉ 105 trong số họ được lựa chọn. Tiêu chí chọn lựa dựa trên tiềm năng tác động và khả năng thúc đẩy lợi ích chung trong phạm vi ảnh hưởng của từng ứng viên. Năm nay có 35 cá nhân đến từ 22 nước của khu vực châu Á-Thái Bình Dương được chọn lựa.

Tham gia chương trình, những thủ lĩnh trẻ sẽ đối thoại và trao đổi với những chuyên gia, diễn giả nổi tiếng để thảo luận về mô hình lãnh đạo dựa trên giá trị cốt lõi, xây dựng kỹ năng và cùng tạo ra sự thay đổi tích cực. Chương trình là nơi kết nối ý tưởng của các nhà lãnh đạo từ các nước, mở rộng mạng lưới và nâng cao cơ hội hợp tác đối với các dự án xã hội. Trong khuôn khổ chương trình, học viên sẽ gặp gỡ, trao đổi với cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama về các vấn đề phát triển trong khu vực.

Nguyễn Thị Thu Trang sinh năm 1990, cô đã hoàn thành xuất sắc luận án Tiến sĩ ngành bảo tồn động vật hoang dã tại Anh. Tháng 11/2017, cô có mặt trong Top 5 mục cống hiến xã hội của giải thưởng The Women of Future khu vực Đông Nam Á. Cô nhận giải Chiến Binh Xanh do Elles Vietnam bình chọn năm 2018 và được BBC bình chọn là một trong 100 phụ nữ có ảnh hưởng nhất toàn cầu năm 2019, hai lần được tạp chí danh tiếng Forbes của Mỹ xếp vào Top 30 gương mặt dưới 30 tuổi có ảnh hưởng nhất châu Á (các năm 2018 và 2020).

Năm 2021, cuốn sách “Chang Hoang Dã-Gấu” (Chang is the Wild about Bears) đã đoạt giải A, Giải thưởng Sách Quốc gia Việt Nam, cuốn sách được mua bản quyền bởi một nhà xuất bản lớn và lâu đời bậc nhất nước Anh, phát hành rộng khắp ở Anh, Mỹ, Australia, Na Uy, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc.

(thực hiện)

TRỌNG VŨ

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-bao-ton-tre-trang-nguyen-bao-ve-moi-truong-va-bao-ton-thien-nhien-khong-phai-cau-chuyen-cua-rieng-ai-218487.html