Nhà báo Trần Đức Chính - cây bút phiếm luận của làng báo vẫn 'Nói' không thể 'Đừng'

Cuốn sách 'Nói hay đừng' mắt đúng dịp kỉ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024), là dịp để những đồng nghiệp, độc giả tri ân nhà báo Trần Đức Chính, cây bút phiếm luận nổi danh của làng báo còn được biết đến với các bút danh Lý Sinh Sự, Hà Văn, Trần Chinh Đức.

Nhóm biên soạn cuốn sách và gia đình nhà báo Trần Đức Chính trong ngày ra mắt cuốn sách "Nói hay đừng".

Nhóm biên soạn cuốn sách và gia đình nhà báo Trần Đức Chính trong ngày ra mắt cuốn sách "Nói hay đừng".

Ngày 18/6, lễ ra mắt cuốn sách "Nói hay đừng" diễn ra với sự góp mặt của gia đình nhà báo Trần Đức Chính, nhóm biên soạn, nhiều đồng nghiệp thân thiết với ông.

Tên cuốn sách cũng bắt nguồn từ chuyên mục "Nói hay đừng" gắn với bút danh của nhà báo Trần Đức Chính. Ông nguyên là Phó Tổng Biên tập Báo Lao Động, Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận. Ông là cây bút phiếm luận nổi danh nhiều thập kỷ qua của làng báo, và năm nay cũng đã ở tuổi trên tám mươi.

Nhà báo Trần Đức Chính trên bìa cuốn sách "Nói hay đừng" tập hợp các tác phẩm của ông.

Nhà báo Trần Đức Chính trên bìa cuốn sách "Nói hay đừng" tập hợp các tác phẩm của ông.

Từ năm 1994, mục "Nói hay đừng" của Báo Lao Động với tác giả Lý Sinh Sự bắt đầu khuấy động dư luận báo chí. Dùng bút danh có phần đặc biệt này, nhà báo Trần Đức Chính muốn viết những bài bình luận theo phong cách "thích gây sự" - dám tuyên chiến với thói hư tật xấu và cả những nghịch lý ở đời.

Những bài viết của ông xuất hiện đều đặn trên các số báo cuối tuần, cuối tháng, đặc san của Báo Lao Động và một vài tờ báo khác.

Trong 10 năm gác mục "Nói hay đừng", mỗi ngày nhà báo Trần Đức Chính viết một bài cho chuyên mục, một tháng 30 bài, một năm 360 ngày, 10 năm 3.600 bài thể hiện dưới hình thức tiểu phẩm báo chí.

Đó là chưa kể ông còn có khoảng 10% bài đăng trên các báo khác, tức là trên dưới 4.000 bài tiểu phẩm. Như vậy, đã có khoảng trên dưới 6.000 bài "Nói hay đừng" đăng báo. Các bài viết đều có văn phong, bút pháp "gây sự" với thói hư tật xấu, với cái sai, thiếu sót của quan chức, với cái chưa đúng của cơ chế, với những điều sai quấy trong cuộc sống. Độc giả nhanh chóng "ghim" cái tên Lý Sinh Sự và tìm đọc các bài viết của ông.

Và nhà báo Lý Sinh Sự đã giữ chuyên mục "Nói hay đừng" trong 20 năm. Cho đến khi đã về hưu, ở tuổi 70, ông vẫn đều đặn viết bài cho chuyên mục này với văn phong ổn định, sắc lẹm và cao tay.

Từ trái sang, nhà báo Lưu Quang Định, Nguyễn Thiếu Mai, Đỗ Doãn Hoàng trong những ngày cùng biên soạn, xuất bản cuốn sách "Nói hay đừng".

Từ trái sang, nhà báo Lưu Quang Định, Nguyễn Thiếu Mai, Đỗ Doãn Hoàng trong những ngày cùng biên soạn, xuất bản cuốn sách "Nói hay đừng".

Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng - người vẫn luôn yêu quý và kính trọng gọi nhà báo Trần Đức Chính là "thầy" cũng tâm sự rằng: "Với tôi, nhà báo Trần Đức Chính là một người thầy ảnh hưởng đến con đường nghề nghiệp của tôi rất nhiều.

Dường như chuyện gì vào tay cụ Lý cũng sinh ra sự. Tôi nghĩ đơn giản, ngày đau ốm, ngày đi ăn cỗ, ngày say rượu hoặc ngày ngủ quên rồi tụt cảm hứng... thì làm thế nào. Nghe đồn, cụ đi nước ngoài, vẫn tính được mấy ngày tới thì làng dư luận có gì "hot" (nóng), cụ đón đầu viết "Nói hay đừng" trước, vẫn hay, vẫn hóm và vô cùng trúng phóc thời sự".

Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân - một người bạn thân thiết nói về nhà báo Trần Đức Chính với sự khâm phục. "Sức viết của anh làm bọn trẻ chúng tôi cũng phải ngả mũ. Với phong cách hài chính luận, cùng với sức viết khỏe như vậy, nên anh được phong là "tứ trụ phiếm luận" trong làng báo Việt Nam.

Anh là một người thích đùa đúng nghĩa. Chuyện gì anh cũng đùa, cũng tiếu lâm, cũng pha trò được. Anh có biệt tài làm giảm sự căng thẳng của vấn đề, làm mềm hóa sự xơ cứng của những đề tài khô khan bằng những câu nói đùa ý nhị. Đó là nét riêng, phong cách riêng của anh, của chuyên mục Nói hay đừng. Châm biếm mà không chọc giận", ông Huỳnh Dũng Nhân bày tỏ.

Bà Nguyễn Thiếu Mai là vợ của nhà báo Trần Đức Chính cho biết chồng mình không thể có mặt tham dự buổi lễ vì lý do sức khỏe. Bà nói: "Được trời phú, mọi thứ có trong đầu ông Chính cả rồi, nên cứ bảo ông viết gì là ông có thể viết được luôn. Khi ngồi ở quán nước, ngồi với một người bạn nào đó, nói chuyện vài ba câu là ông đã có thể viết được một đề tài báo hay. Ông viết rất nhanh.

Bà Thiếu Mai thổ lộ: "Tôi thích chồng tôi viết tản mạn, viết về những suy nghĩ, một chuyến đi hay cuộc gặp. Là vợ ông, tôi cũng rất xúc động khi đọc".

Cuốn sách "Nói hay đừng" dày 472 trang, gồm 4 phần. Phần I tập hợp 68 bài bình luận, tiểu phẩm báo chí đã đăng trên mục "Nói hay đừng" của báo Lao Động với bút danh Lý Sinh Sự. Phần II gồm 12 phóng sự đã đăng trên báo Lao Động và một số báo khác với bút danh Trần Chinh Đức. Phần III là 57 bài viết tản mạn - chuyện dọc đường với bút danh Hà Văn. Phần IV gồm các bài viết, hình ảnh kỷ niệm của 12 bạn bè, đồng nghiệp với nhà báo Trần Đức Chính.

PV

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/nha-bao-tran-duc-chinh-cay-but-phiem-luan-cua-lang-bao-van-noi-khong-the-dung-17924061815413972.htm