Nhà báo trong thời đại truyền thông mạng xã hội
Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam chính là lúc mà những tay bút, lớn hay nhỏ; trẻ hay già; nhiều uy tín hay còn thầm lặng… đều dành cho chính mình một khoảng suy ngẫm nhất định. Đặc biệt là ở những năm gần đây, khi mà truyền thông mạng xã hội đang chiếm ưu thế vượt trội…
Tạo ra quan điểm có sức nặng tới công chúng
Công việc đầu tiên của tôi với nghề báo là một phóng viên thể thao chuyên bình luận về bóng đá quốc tế, một dạng ngách của nghề dễ bị coi là “vô thưởng vô phạt”, không ảnh hưởng đến ai.
Chúng tôi sản xuất một lượng tin bài có thể khiến các đồng nghiệp mảng khác cảm thấy kinh hãi: một phóng viên thể thao quốc tế có thể viết/dịch 2.000- 3.000 chữ/ ngày, và duy trì đều đặn trong nhiều năm. Tôi viết về mọi chủ đề trên trời dưới biển, bình luận các trận đấu, phê phán phong độ, chính sách chuyên nhượng, thậm chí lãnh đạo của bất kỳ đội bóng nào.
Khi đã thành thạo, bạn thậm chí tự xuất bản tin bài lên trang, và chỉ có hai điều làm biên tập viên quan tâm nhất: bài có lỗi chính tả nào không, và tít đã đủ hấp dẫn chưa. Tuyệt nhiên không ai có ý định can thiệp vào quan điểm riêng của bài viết.
Đấy là điều mà sau này, khi làm việc trong khá nhiều các môi trường báo chí khác nhau, tôi không cảm nhận lại được nữa. Không phải tổ chức, hay con người nào cũng là… Manchester United.
Bạn hẳn là biết đội bóng này. Nó đã hấp thụ một luồng dư luận khen chê đủ loại khủng khiếp trong nhiều năm, nhưng tuyệt nhiên không ai phải rơi vào trạng thái “tự kiểm duyệt” mỗi khi viết về nó. Không có cú điện thoại nào đòi gỡ bài, hay cắt đi một phần vì “nhạy cảm”.
Sau khoảng mười năm, khi nghề báo có phần sa sút, rất nhiều đồng nghiệp viết bóng đá quốc tế của tôi ngày ấy đã gần như rời khỏi môi trường báo chí truyền thống, và hầu hết đều thành công rực rỡ, ở bất kỳ lĩnh vực nào họ đặt chân đến.
Người thành nhân vật sáng tạo nội dung có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội, người thành biên kịch xuất sắc, người làm Youtuber có hàng chục ngàn khán giả theo dõi... các kênh cá nhân của họ đều tạo tiếng vang. Các quan điểm của họ được lắng nghe chăm chú, và có thể tạo ra dư luận.
Trong cuốn sách nổi tiếng “Outliers” (tạm dịch: Những kẻ xuất chúng), tác giả Malcolm Gladwell đã khảo sát và tìm ra một con số kỳ diệu: 10 ngàn giờ. Ông cho rằng bất kỳ ai đã trải qua 10 ngàn giờ thực hành liên tục một công việc trong 10 năm, tương đương khoảng 3 giờ luyện tập/ngày, sẽ trở nên lão luyện trong công việc ấy. Ông dựa vào việc thu thập thống kê của những tài năng lớn nhất trong nhiều lĩnh vực để rút gọn thành kết luận trên.
Tất cả những đồng nghiệp từng làm việc chung với tôi ở mảng "vô thưởng vô phạt” khi ấy chắc chắn đã "luyện tập" nhiều hơn bất cứ ai trong việc diễn đạt các quan điểm của họ. Và quan trọng hơn, họ không bị bất kỳ ai xét lại các quan điểm: tính chất chẳng gây ảnh hưởng đến ai của mảng thể thao quốc tế đã tình cờ nuôi dưỡng những cây bút có góc nhìn rất đa dạng. Sự luyện tập với vài chục ngàn giờ đã tạo ra những quan điểm có sức nặng tới công chung riêng của họ hiện tại.
Năm 1620, triết gia người Anh Francis Bacon cho rằng in ấn, thuốc súng và la bàn địa lý là ba phát minh hiện đại đã "thay đổi diện mạo và trạng thái của toàn thế giới". Trong cuốn “Sự chuyển đổi cấu trúc của không gian công cộng” (1962), Juergen Habermas chỉ ra lý do tại sao in ấn lại nằm trong số đó: các tờ báo tạo ra một không gian công cộng mà ở đó, mỗi người vượt thoát khỏi danh tính cá nhân của họ. Dù là giàu hay nghèo, nam hay là nữ, ở bất kỳ địa vị nào, họ đều có thể bày tỏ quan điểm của mình.
Buổi bình minh của báo chí hoạt động đúng như thế: số đầu tiên của The Spectator, một trong những tạp chí tin tức cổ xưa nhất thế giới, kêt thúc với một lời nhắn rằng “dành cho những ai có ý định trao đổi thư từ với chúng tôi” và dòng địa chỉ tại nhà in “Mr Buckleys, Little Britain”.
Báo chí thời ấy về cơ bản là tập hợp những bức thư tay được gửi về cho biên tập viên. Các tờ báo không thuê phóng viên toàn thời gian cho đến tận thế kỷ 19. Vào thời điểm ấy, khái niệm nhà báo không tồn tại. Một tờ báo là tập hợp những quan điểm đa dạng, từ đủ mọi thành phần xã hội.
Sau ba thế kỷ, mô hình này có lẽ đang trở lại. Tôi nhìn thấy ngày càng nhiều nhà báo rời khỏi định danh truyền thống và các cơ quan báo chí của họ, để hoạt động với tư cách cá nhân nhiều hơn, trên nhiều nền tảng hơn. Chính các trang ca nhân của họ giờ đây là một kênh xuất bản có tính báo chí, và một số được lắng nghe nhiều hơn cả một tổ chức.
Và những ai thích ứng tốt với vai trò mới này có thể chỉ vì họ đã từng đánh giá, đưa ra quan điểm về những đối tượng “vô thưởng vô phạt” kiểu như Manchester United một cách quyết liệt mà không nhận một cuộc gọi yêu cầu gỡ bài nào cả.
Phạm An
Thứ không thể tăng năng suất
Có những thứ không thể tăng năng suất chỉ bằng công nghệ, hay bằng nỗ lực cá nhân. Ví dụ như những phát hiện về vấn đề xã hội. Hay nói cách khác, là các bài báo tốt.
Tôi vừa nhận nhiệm vụ đưa một đoàn nhà báo trẻ lên thực địa tại một huyện miền núi, với nhiều xã đặc biệt khó khăn. Chương trình do một quỹ phi chính phủ tài trợ, tôi được gọi là “cố vấn kỹ thuật”, nhưng vai trò nôm na giống như một hướng dẫn viên du lịch: Tôi hiểu vùng đất; tôi biết các địa điểm; tôi đã có thời gian nghiên cứu về đề tài,… nên tôi “dẫn đoàn” để tiết kiệm thời gian tác nghiệp của phóng viên.
Đoàn có nhiều phóng viên trẻ - những người mới vào nghề được vài ba năm – và vẫn nuôi đầy nhiệt huyết với việc làm xã hội tốt đẹp hơn.
Nhưng suốt chuyến đi, tôi nhận ra họ gặp những vấn đề mà chúng tôi không gặp phải 10 năm về trước. Họ gặp áp lực về số lượng tin bài: có những phóng viên của một tạp chí ngành tâm sự với tôi rằng cô phải trả cho tòa soạn 100 tin bài/ tháng – trung bình mỗi ngày khoảng 4 tin hoặc bài. Họ gặp áp lực về việc đa nhiệm: một số người khác liên tục phải cắm mặt vào điện thoại để theo dõi fanpage của báo, hoặc cùng lúc đang phải tác nghiệp nhiều đề tài.
Tất cả những áp lực đó đều có thể được phiên dịch ra thành một thứ: áp lực kinh tế.
Chỉ 10 năm trước, một phóng viên chỉ chuyên tâm với một đề tài trong một vài ngày có thể sống được. Một tờ báo có thể trả đến 1 triệu đồng cho một phóng sự, và vài trăm nghìn đồng cho một tin. Nhưng đó là thời mà người ta có thể sống tươm tất với mức thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Ngày nay, mức chi trả cho bài đinh của nhiều tờ báo vẫn chỉ dừng lại ở khoảng 1 triệu đồng, và mức chi cho tin tức vẫn chỉ vài trăm nghìn – và một người dân đô thị sẽ phải vô cùng chật vật nếu chỉ có thu nhập hơn 10 triệu đồng/tháng. Họ phải có nhiều hơn thế, tức là số lượng sản phẩm phải tăng lên. Tóm lại: khi mức nhuận bút không tăng, số lượng sản phẩm, bài viết và tin tức của một nhà báo sẽ tăng lên theo tỷ lệ lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng.
Không có thống kê chính thức nào về doanh thu của các tờ báo cũng như thu nhập của nghề phóng viên. Nhưng không có rủi ro nào khi kết luận rằng với tốc độ phát triển của mạng xã hội, “nồi cơm” chung đang chật lại.
Và điều đó sẽ ảnh hưởng đến khả năng tập trung của bất kỳ phóng viên nào cho đề tài trước mắt. Ở đó, tại huyện miền núi nơi nhiều hủ tục vẫn đang được duy trì, nơi chính quyền đối mặt với những bài toán khó giải suốt cả thập niên, người phóng viên phải dành nhiều tâm sức cho đề tài hơn là chỉ “phản ánh”. Một bạn trẻ cố gắng căn vặn anh phó chủ tịch xã về việc “Sao việc tuyên truyền về nạn tảo hôn lại không phát huy hiệu quả?”.
Anh phó chủ tịch xã, một người đàn ông đã dành cả đời để chiến đấu với các hủ tục, cũng chỉ biết trả lời rằng chúng tôi đã cố hết sức, thực hiện tuyên truyền liên tục, nhưng tỷ lệ tảo hôn vẫn tiếp diễn.
“Đôi khi thực tế nó không có sẵn câu trả lời, em nên là người tìm ra câu trả lời. Nếu cố đưa câu trả lời thành chính quyền chưa làm hết trách nhiệm thì nó dễ dàng và thuận tiện quá”, tôi cắt ngang cuộc hội thoại đang có vẻ bế tắc.
“Sao em lại là người phải đưa ra câu trả lời” – bạn phóng viên trẻ tỏ ý ngạc nhiên.
Tôi suy ngẫm về cuộc đối thoại đó trong suốt hành trình trở về. Nếu nghĩ kỹ lại về công việc, thời nay, tôi không thể bắt một người chỉ nhận vài trăm nghìn đồng cho một đầu công việc, lại phải thực hiện một nghiên cứu và đưa ra giải pháp mà cả hệ thống cũng không làm nổi trong hàng chục năm. Họ chỉ có thể tìm ra những câu trả lời ngay trong tầm mắt. Và đôi khi, đó là một câu trả lời dễ dãi.
Tôi không trách được một nhà báo trẻ nếu họ chỉ cố đi tìm một câu trả lời nhanh nhất trong tầm mắt. Tôi chỉ tiếc, vì đã có lúc, tôi tin rằng nhiệm vụ của một nhà báo là tìm kiếm những câu trả lời mà xã hội chưa nhìn thấy. Nhưng điều đó chỉ khả thi nếu họ được phép đầu tư cho một chủ đề trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần.
Làm thế nào để chúng ta sở hữu những nhà báo có thể đi, viết và phát hiện ra những vấn đề mà xã hội chưa nhìn thấy? Đâu đó, tôi nhìn thấy những sáng kiến của chính phủ, hoặc của các quỹ phi chính phủ về việc tài trợ cho báo chí; nhưng đều đang dở dang. Thị trường quảng cáo với báo chí đang thu hẹp lại, một người làm báo nếu muốn sống trong nền kinh tế ngày nay sẽ phải viết nhiều lên. Và có những thứ không thể gia tăng năng suất chỉ bằng công nghệ, như những phát hiện xã hội.
Đức Hoàng
Những kẻ viết thuê
Cách đây rất nhiều năm, một nhà báo trẻ nhưng danh tiếng lẫy lừng đã lẳng lặng đóng Facebook (nhưng vẫn giữ liên lạc qua ứng dụng nhắn tin của nền tảng này) trong một thời gian ngắn. Anh đóng Facebook không phải do không chịu được áp lực từ những trái chiều mà thực tế, anh thực hiện một phép thử với đề bài đặt ra là “chúng ta có thể tiếp tục hoạt động báo chí mà không cần mạng xã hội hay không”. Chưa bao giờ anh công bố kết quả phép thử của mình. Song, việc anh tiếp tục trở lại với các bài đăng hấp dẫn trên Facebook cho thấy đúng là “nhà báo không thể thiếu Facebook”. Lập luận một cách chung nhất, nhà báo không thể sống ngoài sinh quyển của nghề báo và Facebook chính là một dạng môi trường thông tin, truyền thông… nên do đó, nhà báo càng nên bám sát nó hơn.
Đã từ rất lâu, chúng ta cùng phải thừa nhận với nhau rằng mạng xã hội đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của nghề báo. Sự lệ thuộc vào “kênh công bố” mà nhà báo vốn dĩ phải cậy nhờ các tòa soạn như cách làm nghề cổ điển đã không còn. Các nền tảng mạng xã hội đã cung cấp cho mỗi tay bút một “ấn phẩm” riêng. Có thể nói, với mạng xã hội, nhân loại hiện đang có hang chục triệu tờ báo, hàng chục triệu đài phát thanh và hàng chục triệu kênh truyền hình nếu không nói là còn nhiều hơn thế.
Một ví dụ đơn giản nhưng có lẽ là nổi bật nhất về cách các nhà báo hoạt động độc lập trên nền tảng mạng xã hội chính là cái tên Fabrizio Romano, một nhà báo về bóng đá đơn thuần. Là một phóng viên của Sky Italia, Romano chuyển hướng tiếp cận độc giả rất nhanh khi xây dựng hình mẫu một người đưa tin trên mạng xã hôi. Mỗi tin đăng lên của Romano luôn có lượt nhấn “phản ứng” (reactions - như likes, loves, angry…) lên tới hàng chục ngàn và kéo theo cả ngàn bình luận. Lượt đọc cụ thể là bao nhiêu, chưa ai có con số thống kê cụ thể. Nhưng có một điều ai cũng chắc chắn. Đó là lượt đọc tin của Romano viết trên trang cá nhân luôn vượt trội các tin anh (hoặc đồng nghiệp của anh) đăng tải chính thức trên trang chủ của Sky Italia. Dễ hiểu, một khi đã tạo dựng mình là môt người đưa tin uy tín, Romano dễ lôi kéo người đọc hơn nhờ tính năng tương tác trực tiếp với độc giả trên Facebook đồng thời việc tìm kiếm những tin “do Romano làm” trên trang cá nhân của anh sẽ luôn dễ dàng hơn trên trang của tòa soạn. Và giới đồng nghiệp ở châu Âu cho biết, Romano “mua” tin từ các nơi dựa trên mối quan hệ mở rộng khi anh làm cho Sky từ thuở còn chưa có mạng xã hội.
Câu hỏi đặt ra cho những nhà báo hút khách trên mạng xã hội kiểu như Romano là “họ lấy tiền ở đâu ra để đầu tư cho nguồn tin cũng như để duy trì hoạt động của mình?”. Trong hoạt động báo chí truyền thống từ xưa tới nay, nhà báo kiếm thù lao từ việc viết thuê cho tòa soạn và tòa soạn đầu tư cho phóng viên của mình (lương tháng có thể xem là một dạng đầu tư). Khi cơ chế này không tồn tại mà thay vào đó là một cơ chế tự chủ hoàn toàn, người làm báo xoay sở bằng cách nào? Chúng ta dễ nhìn thấy câu trả lời thông qua nhiều quảng cáo “thuốc trị hôi nách” hoặc “thuốc bôi trĩ” đầy rẫy trên các trang cá nhân của một vài tay viết nhưng nó không phải là tất cả. Tóm lại, câu hỏi “ai thuê nhà báo viết?” chính là vấn đề cần phải được mở ra ở thời đại truyền thông mạng xã hội này.
Trong xã hội sự đối nghịch giữa cá nhân với cá nhân, tổ chức với tổ chức vẫn luôn là mâu thuẫn khó hóa giải. Và cuộc chiến thông tin luôn đóng một vai trò quan trọng nhất ở các xung đột xã hội kể trên. Trong bối cảnh các tay bút hoạt động độc lập trên mạng xã hội và tạo ra được một lượng người đọc ủng hộ khá khẩm cho mình, anh ta sẽ trở thành điểm thu hút đối với các cá nhân, tổ chức muốn sư dụng thông tin như là vũ khí giải quyết các cạnh tranh. Từ đó, người viết rất dễ bị đặt vào thế của người phải chọn phe, nói trắng ra một cách phũ phàng là “chọn chủ để viết thuê”. Cực hiếm những người viết giữ được sự trung chính của mình để sẵn sàng lên tiếng khen-chê đúng lúc trước bất kỳ đối tượng nào. Để thoát khỏi sự chi phối chọn phe ấy là quá khó. Nhà báo, hoặc phải có thể sống ổn định nhờ vào việc làm thêm khác; hoặc phai chấp nhận một số phận long đong, vất vả.
Chúng ta có thể nhận thấy đã từ quá lâu rồi, số lượng các bài báo điều tra có chất lượng đăng tải trên báo chí chính thống ngày càng ít đi nhưng tỷ lệ nghịch với nó, các bài viêt mang tính điều tra trên các kênh truyền thông cá nhân lại nhiều hơn. Nghịch lý này khó có thể lý giải bằng vấn đề cân bằng giữa chi phí tổ chức điều tra với thu nhập thù lao nhận lại từ tòa soạn. Không ít tòa soạn hiện nay dù đang ở trong tình trạng không được sung túc vẫn sẵn sàng chi trả rất tốt cho các phóng sự sắc bén. Vấn đề nằm ở điểm khác. Đó là các điều tra trên các trang cá nhân không đơn thuần chỉ là điều tra một sự việc, hoặc điều tra các cá nhân, tổ chức có sai phạm mà nhiều khi nó là một đòn tấn công vào những đối tượng có chủ đích và thậm chí được đặt hàng.
Từ đó dẫn tới tình trạng các nhóm “đưa tin đồng dạng” trên mạng xã hội. Tiếng nói đơn lẻ bao giờ cũng yếu ớt hơn tiếng nói cộng hưởng từ nhiều phía. Và chính từ đó, sự nhiễu loạn của thông tin được tạo ra, xã hội cũng bắt đầu mất dần đi niềm tin.
Đây là điểm khác biệt cực lớn của báo chí trong thời đại mạng xã hội với báo chí chính thống. Một quan điểm phát đi từ cá nhân luôn bớt được khâu kiểm duyệt của một tổ chức chính thức. Nếu là một bài để đăng trên một trang báo, chắc chắn nó không còn là quan điểm cá nhân nưa mà trở thành quan điểm của tòa soạn, và do đó được kiểm soát gắt gao về tính chân xác của thông tin cũng như tính khách quan của quan điểm. Khi tước bỏ cái trách nhiệm lớn lao của tổ chức và thay vào đó là trách nhiệm cá nhân (vốn dựa quá nhiều vào quyền tự do biểu đạt), liệu tính tin cậy còn lại được bao nhiêu phần trăm?
Sẽ rất bình thường nếu một nhà báo hoạt động độc lập trên mạng xã hội đưa ra quan điểm cá nhân của mình và nó chưa chuẩn, còn thiếu logic. Nhưng sẽ vô cùng bất bình thường nếu đó không phải là quan điểm cá nhân mà lại là một quan điểm được đo ni đóng giày theo lợi ích của bên đặt hàng. Sự bất bình thường ấy không chỉ nằm ờ tính thiếu công chính của người làm nghề mà tác động tiêu cực của nó lớn hơn nhiều với sự hình thành các hoài nghi của xã hội đối với nghề làm báo nói chung cũng như các phản ứng dị thường không đáng có từ cộng đồng.
Ở trong một môi trường như thế, nếu thực sự yêu nghề báo, có lẽ trước khi lựa chọn đặt bút, chúng ta nên tự hỏi mình “Ta đang viết thuê cho ai?”…