Nhà báo và mạng xã hội
Không còn nghi ngờ gì nữa, một 'thế giới khác' đang song song tồn tại với thế giới thật ta đang sống. Đấy là thế giới 'ảo' được dựng lên bởi sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của mạng xã hội (MXH). MXH đang chiếm lĩnh và tác động sâu sắc vào đời sống con người ở mọi lúc, mọi nơi, đủ các tầng lớp, trong đó có các nhà báo.
Như chúng ta biết, MXH (social network) là hệ thống thông tin cung cấp cho cộng đồng người sử dụng mạng các dịch vụ lưu trữ, cung cấp, sử dụng, tìm kiếm, chia sẻ và trao đổi thông tin với nhau, bao gồm dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân, diễn đàn (forum), trò chuyện (chát) trực tuyến, chia sẻ âm thanh, hình ảnh và các hình thức dịch vụ tương tự khác. Trái đất vẫn nhấp nhô nhưng thế giới loài người đã trở nên bằng phẳng bởi sự đan dệt mênh mang vô hình của MXH.
Góc nào của cuộc sống, dù khuất lấp đến bao nhiêu cũng có cơ hội được hiện lên trong “thế giới phẳng”; từ những vấn đề lớn lao của nhân loại như chiến tranh và hòa bình; tăng trưởng và suy thoái; dân tộc và tôn giáo đến thời trang, thời tiết… Thông tin trên MXH nhiều, nhanh và đa chiều. Người ta có thể trình bày ý kiến của mình về một hay nhiều vấn đề nào đó. Báo chí không dễ đuổi kịp dòng chảy thông tin ào ạt trên MXH và vấn đề định hướng tích cực cho xã hội lại càng nan giải hơn.
Trong thời đại ngày nay, thách thức trước hết đặt ra cho mọi nền báo chí và đương nhiên với các nhà báo là làm sao đây để không phải chạy đằng sau MXH hay bị nó dẫn dắt, điều khiển, thậm chí thao túng. Báo chí sống được nhờ thông tin; thông tin càng mới, càng nhanh thì càng thu hút nhiều bạn đọc, bạn nghe nhìn. Tuy nhiên mới, nhanh nhưng phải đúng, hay. Báo chí mà không đúng, không hay thì chẳng ai thèm ngó tới. Đấy là sự thật, là yêu cầu, là tiêu chuẩn của báo chí; ai không làm được điều đó coi như thất bại.
MXH là nguồn thông tin khổng lồ để các nhà báo nắm bắt tình hình nhưng nó không thể thay thế được thực tiễn. Cuộc sống thực vẫn là nguồn chất liệu, dữ liệu cho các nhà báo tìm hiểu, khai thác và viết bài hay làm chương trình. Những tác phẩm báo chí đích thực không thể tách rời hiện thực cuộc sống được. Chỉ có các nhà báo bám riết vào hiện thực xã hội mới phát hiện, phản ánh đúng những mặt tích cực hay tiêu cực của đời sống, từ đó có những kiến nghị, đề xuất, giải pháp xử lý hay. Điều này hoàn toàn trái ngược với những nhà báo chuyên đi “luộc” hoặc “tán” lại tin tức xô bồ trên mạng.
Những tác phẩm báo chí đích thực không thể tách rời hiện thực cuộc sống được. Chỉ có các nhà báo bám riết vào hiện thực xã hội mới phát hiện, phản ánh đúng những mặt tích cực hay tiêu cực của đời sống, từ đó có những kiến nghị, đề xuất, giải pháp xử lý hay. Điều này hoàn toàn trái ngược với những nhà báo chuyên đi “luộc” hoặc “tán” lại tin tức xô bồ trên mạng.
Tình trạng báo chí bị sa đà vào những mẩu chuyện giật gân, rẻ tiền như khai thác quá sâu (thực ra là vụn vặt) chuyện riêng tư của một số người nổi tiếng không phải không có. Một số nhà báo tung lên báo mạng và dán lên cả báo giấy nữa những câu chuyện nhắng nhít, vớ vẩn để câu khách.
MXH chứa đựng trong đó sự trà trộn, xen kẽ giữa các mặt trái ngược nhau của nhận thức. Tích cực và tiêu cực. Thân thiện và thù địch. Sự thật và giả dối. Thế thì tại sao có những nhà báo cách mạng coi việc đấu tranh với các luận điệu sai trái trên MXH là việc của ai đó. Họ thường chọn sự im lặng và lảng tránh phê phán như một chiêu thức giữ an toàn cho riêng mình. Thậm chí, có những tờ báo chính thống của chế độ ta cũng không mấy mặn mà việc tranh luận đúng sai với các luận điệu thù địch.
Có lẽ vì thế mà cuộc đấu tranh chống các luận điệu sai trái trên MXH xem ra vẫn còn mờ nhạt và điều đó cũng có nghĩa là vai trò định hướng của báo chí cách mạng chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đương nhiên, đấu tranh và định hướng hoàn toàn không phải là sự áp đặt mà cần phân tích có lý, có tình để người khác tâm phục, khẩu phục. Muốn thế, đòi hỏi nhà báo vừa cần có bản lĩnh vững vàng vừa phải có sự hiểu biết sâu sắc vấn đề.
Thực trạng phổ biến của báo chí hiện nay là đa hình thức, đa phương tiện. Khi báo giấy có chiều hướng thu gọn lại thì thay thế nó chắc chắn phải là những hình thức thông tấn khác phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu. Trên MXH đã có mặt nhiều tờ báo lớn nhỏ trong sự kết nối, đan xen thông tin vô cùng rộng lớn, mau lẹ trong nước và thế giới.
Báo mạng đã, đang và sẽ trở thành xu hướng tất yếu của việc phản ánh thông tin. “Điện tử hóa” báo chí là công việc cần thiết hiện nay. Bởi báo điện tử là loại hình báo chí mới mẻ nhất trong lịch sử loài người, là sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin. Tính đa phương tiện, tính tương tác cao, tính tức thời, phi định kỳ, khả năng truyền tải thông tin vô hạn… là những ưu điểm của nó. Vì thế, mỗi nhà báo muốn hay không cũng phải trang bị cho mình kiến thức làm báo đa phương tiện.
Hiện đại, đấy là cái đích mà mỗi nhà báo hướng tới. Phong cách, phương pháp, kỹ năng, phương tiện làm báo hiện đại là cái không phải bàn cãi nữa về nhà báo, nghề báo hiện nay. Có như vậy, báo chí Việt Nam mới hòa nhập được với báo chí thế giới và sức mạnh của nó không chỉ thể hiện ở trong nước mà phải ở phạm vi toàn cầu. Thông qua báo chí, nhân dân hiểu sâu hơn chủ trương đường lối của Đảng và bè bạn bốn biển năm châu có cơ hội hiểu đúng về đất nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình.
Nguyễn Hữu Quý
Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/406610/nha-bao-va-mang-xa-hoi.html