Nhà chống lụt: Thiết kế tiêu biểu trên thế giới
Lũ lụt là một trong những vấn đề bức xúc của mọi quốc gia. Con số người tử vong và bi kịch hậu quả của lũ lụt là điều u ám đối với tất cả mọi người.
Đặc biệt trong những năm gần đây, biến đổi khí hậu và những hậu quả của nó luôn là vấn đề nóng đặt ra biết bao câu hỏi và giải pháp cần phải giải quyết. Với những trăn trở trên, các kiến trúc sư đã cho ra đời những thiết kế nhà cửa thích ứng với hiện tượng lũ lụt và biến đổi khí hậu. Dưới đây là một số mô hình thiết kế chống lũ sáng tạo nhất theo đánh giá của các chuyên gia trên thế giới.
Mô hình thiết kế FLOAT House
Mô hình thiết kế FLOAT House đạt chứng chỉ LEED Platinum nhờ vào việc giảm thiểu tối đa những tác động đến môi trường. Đây là công trình “nhà ở lưỡng cư”, có nghĩa có thể ở trên cạn và trên mặt nước do Morphosis Architects thiết kế.
Công trình rộng gần 90m2 là giải pháp cho những vùng thường xuyên xảy ra lũ lụt trên thế giới. Công trình được xây từ một hệ khung đúc sẵn bằng bọt polystyrene cùng với lớp bao che là kính cường lực và bê tông sợi được gia cố khiến cho nó đủ nhẹ và trở thành một chiếc bè nổi khi nước lũ dâng lên.
Khi nước dâng, ngôi nhà sẽ tách khỏi dây neo và có thể nâng lên đến độ cao 3,66m nhưng sẽ không trôi ra xa mà hoạt động như một chiếc bè cung cấp năng lượng từ pin đủ cho việc sử dụng tạm thời đến khi có trợ giúp. Mô hình được đánh giá là hoàn hảo cho những gia chủ ở vùng bão lũ.
Mô hình “The Cove”
Khu vực Embarcadero là một trong những khu vực báo động nguy cấp nhất của Mỹ do dễ gặp phải tình trạng nước biển dâng. Vào tháng 9/2020, Công ty Heatherwick Studio có trụ sở tại London (Anh) đã công bố thiết kế mô hình “The Cove” (Vùng Vịnh) có thể bảo vệ khu vực trong tương lai khỏi lũ lụt. Được biết, nơi đây cũng sẽ được thành lập một trung tâm xã hội và công viên sinh thái mới cho cộng đồng tại đây.
Theo các nhà thiết kế, họ tận dụng các bến tàu bỏ hoang sau các trận động đất để xây dựng hệ thống nhà nổi. Với mô hình này, người ta sẽ tốn ít chi phí mà vẫn có thể sở hữu được ngôi nhà an toàn trong mùa bão lũ.
Mô hình Oceanix City
Oceanix City được xây dưới dạng một loạt sàn hình lục giác, có thể cung cấp nơi ở cho khoảng 10.000 người. Người dân sống ở Oceanix City sẽ tự cung tự cấp. Mỗi hình lục giác có thể chứa 300 cư dân, đóng vai trò như một ngôi làng.
Thành phố sẽ tự sản xuất điện, nước sạch và nhiệt sưởi ấm, đồng thời phát triển trang trại biển, sử dụng các lồng bên dưới sàn giúp thu hoạch sò, tảo biển và nhiều loại hải sản khác. Mọi tòa nhà sẽ cao 4 – 7 tầng để duy trì trọng tâm thấp cho hòn đảo.
Ngoài duy trì trọng tâm thấp, một vật liệu tự vá lành siêu bền có tên Biorock sẽ bao phủ các sàn, giúp hòn đảo trở nên kiên cố trước bão cấp 5. Trong trường hợp thời tiết quá xấu, toàn bộ thành phố có thể được kéo an toàn ra khỏi đường đi của cơn bão. Nhờ khả năng nổi trên mặt nước, Oceanix City cũng có lợi thế trong việc đối phó với mực nước biển gia tăng.
Mô hình nhà nổi Maasbommel
Văn phòng kiến trúc đến từ Hà Lan: Waterstudio và Dura Vermeer đã hoàn thiện một bản mẫu thiết kế nổi tiếng cho loại hình nhà nổi ở Massbommel, Hà Lan. Ngôi nhà được thiết kế để có thể nổi lên trên cao vào mỗi dịp lũ lụt. Hệ thống điện và cung cấp nước vẫn luôn được đảm bảo trong suốt quá trình nổi.
Tại Hà Lan, mô hình nhà chống lũ này không còn xa lạ bởi nơi đây là khu vực có địa hình trũng so với mực nước biển. Cùng với biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, đây là khu vực có nhiều bão lũ hơn cả, vì thế, sự ra đời của mô hình này được cho là khá thiết thực.
Mô hình nhà ở IJburg
Từ cuối năm 2009, người ta bắt đầu kéo những ngôi nhà xây sẵn qua các kênh và đưa chúng vào một góc hồ IJ ở IJburg, ngoại ô Amsterdam. Đây là dự án mà con người đối phó với tình trạng nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Dự án có 18.000 căn nhà cho 45.000 người dân, cũng như các trường học, cửa hàng, trung tâm giải trí, nhà hàng, bãi biển.
Mỗi ngôi nhà có dạng hình lập phương với tường làm bằng nhựa và gỗ chưa qua xử lý, màu sắc trung tính và toàn bộ nguyên liệu đều không gây ô nhiễm môi trường. Những ngôi nhà nổi được hỗ trợ bởi bồn bê tông nổi và chìm xuống dưới nước một nửa. Phòng ngủ và phòng tắm được xây dựng ở khu vực thấp nhất, có một phần ngập nước. Tầng trệt, nhà bếp và phòng ăn có không gian lớn. Kết nối với một sân thượng là boong mở, mái hiên, sân thượng nổi. Những ngôi nhà được xây dựng đảm bảo không bị trôi đi hoặc va vào nhau, neo vào hồ bằng các cọc neo thép.
Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/nha-chong-lut-thiet-ke-tieu-bieu-tren-the-gioi-293164.html