Nhà chức trách chưa biết hãng hàng không nào xin bảo hộ phá sản
Trước nhiều thông tin liên quan đến một hãng hàng không khá lớn trong nước xin bảo hộ phá sản do khó khăn kinh doanh, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết không bình luận gì do không nắm được thông tin liên quan.
Trao đổi với báo chí vào chiều 14/7, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, cho biết 6 tháng đầu năm, hàng không Việt Nam đang phục hồi và tiếp tục phát triển. Tuy nhiên, nếu thị trường nội địa phục hồi ngoài kỳ vọng thì thị trường quốc tế lại chưa đạt được như mong muốn.
"Chúng ta chưa đánh giá hết được khó khăn, vướng mắc. Mục tiêu quý 3 sẽ khôi phục hoàn toàn thị trường hàng không về trước dịch Covid-19, nhưng thực tế sẽ kéo dài hơn", ông Thắng nói, và cho biết, khó khăn tập trung vào các thị trường trọng yếu. Cụ thể như thị trường Nga dừng bay do xung đột Nga - Ukraine; Trung Quốc kích thích du lịch nội địa nên thị trường chưa đạt kỳ vọng, chỉ đạt 30% trước dịch.
Một thị trường lớn khác là Nhật Bản, đồng yen mất giá nhiều nên xu thế du lịch của người dân ra nước ngoài giảm.
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo nhiều giải pháp tổng thể, trong đó có việc mở ra các thị trường mới tiềm năng. Trong đó, Ấn Độ là thị trường mới nhưng khai thác rất tốt, các hãng hàng không Việt Nam đã khai thác hết 28 đường bay trong khuôn khổ hiệp định hợp tác giữa hai nước.
Phía Ấn Độ, các hãng cũng đã khai thác được một nửa số đường bay. Sắp tới, Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục làm việc với phía Ấn Độ để mở rộng hợp tác. Ngoài ra, nhiều thị trường khác cũng rất có tiềm năng như Úc hay Đông Bắc Á.
Đáng chú ý, trước nhiều thông tin liên quan đến một hãng hàng không khá lớn trong nước xin bảo hộ phá sản do khó khăn kinh doanh, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết không bình luận gì do không nắm được thông tin liên quan.
Theo ông Thắng, về quy tắc, không chỉ hãng hàng không mà các doanh nghiệp khi phá sản phải tuân thủ theo trình tự của Luật Phá sản. Tuy nhiên, trên thực tế, Chính phủ, Bộ GTVT và Cục Hàng không Việt Nam luôn cố gắng hỗ trợ tối đa cho các hãng hàng không trong nước.
"Chúng tôi xác định đây không chỉ là khó khăn riêng của hàng không Việt Nam mà khó khăn chung trên thế giới. Phía Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ có các giải pháp hỗ trợ ngành hàng không", ông Thắng nói.
Cũng theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, khó khăn trong kinh doanh của các hãng hàng không sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác cũng như an toàn bay. Cục Hàng không Việt Nam kiểm soát chặt chẽ an ninh, an toàn bay, không có chuyến bay nào không đảm bảo an toàn được phép cất cánh.
Trước đó, thông tin tại cuộc họp của Bộ GTVT chiều 10/7, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch HĐQT Vietnam Airlines, cho biết tình hình chung của ngành hàng không đang rất khó khăn. Đặc biệt, một hãng hàng không khá lớn đã báo cáo Chính phủ xin bảo hộ phá sản.
Chiều 14/7, Bamboo Airways đã phát đi thông cáo khẳng định, hãng vẫn duy trì hoạt động bình thường.
“Trong thời gian vừa qua, Bamboo Airways đã quyết liệt tái cấu trúc và tiến hành nhiều cải tổ mạnh mẽ. Trong đó, hãng đã nghiên cứu kỹ lưỡng và xây dựng nhiều phương án hoạt động để lựa chọn định hướng phát triển phù hợp và khả thi nhất”- thông cáo của Bamboo Airways cho hay.
Cũng theo thông cáo này, đến nay, Bamboo Airways vẫn đang hoạt động ổn định, đảm bảo khai thác các chuyến bay đúng giờ, an toàn tuyệt đối.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển mạng bay, tối ưu hóa mọi nguồn lực để tiếp tục phụng sự khách hàng, đem tới dịch vụ hàng không chất lượng cao, hiếu khách, tận tâm”, Bamboo Airways khẳng định.