Nhà cổ Lý Sơn khẳng định chủ quyền trên biển
Hàng chục ngôi nhà cổ có tuổi đời từ 150-200 năm trên đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) được giữ gìn qua nhiều thế hệ, đến nay vẫn vững vàng trước sóng gió biển khơi.
Dấu ấn hùng binh Hoàng Sa một thuở
Tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ, Hiệu trưởng Trường ĐH Phạm Văn Đồng, đã dành hàng chục năm nghiên cứu về Lý Sơn.
Ông nhận định nếu Hội An có phố cổ như một bảo tàng sống về diện mạo thị cảng cổ xưa thì ở Lý Sơn có hệ thống nhà cổ truyền thống là di sản văn hóa có giá trị đặc biệt, mang nét đặc trưng của một làng nông chài, như bảo tàng sống về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa không gì có thể chối cãi...
Đến đất đảo, được thả mình vào không gian nhà cổ, được nhìn ngắm, chứng kiến những hiện vật có niên đại hàng trăm năm do những "Hùng binh Hoàng Sa" đem về, "bảo tàng sống" ấy vô cùng độc đáo, mang nét đặc trưng không thể lẫn lộn các nơi khác.
Là hậu duệ đời thứ 7 tộc họ Dương ở thôn Tây, xã An Hải, huyện Lý Sơn, ông Dương Định hiện là chủ nhân ngôi nhà cổ có niên đại gần 200 năm. Không riêng gì nhà thờ tộc họ Dương, phần lớn nhà cổ ở Lý Sơn là nhà thờ của các tộc họ gắn liền với sự tồn tại của đội Hùng binh Hoàng Sa.
Từ những ngày đầu khai phá hòn đảo hoang sơ này, tiền nhân của ông đã mua gỗ, thuê thợ từ đất liền ra đảo, làm nhà theo kiến trúc kiểu nhà rường đắp đất với hệ thống cột kèo "rau muống" chạm hình rồng hoặc đầu chim phụng và các hoành phi, câu đối chạm khắc công phu. Tiền nhân đã đắp thêm một lớp đất giữa hai mái để giảm bớt bức xạ nhiệt từ ánh nắng mặt trời, giúp ngôi nhà luôn thoáng đãng vào mùa hè và cũng ấm hơn trong mùa đông.
"Để giữ được nguyên trạng cấu trúc ngôi nhà cổ của tiền nhân, mỗi năm tôi phải đầu tư hàng chục triệu đồng để tu sửa, chỉnh trang những chỗ hư hỏng. Mình là lớp con cháu hậu sinh nên phải có trách nhiệm gìn giữ và bảo tồn những gì ông bà tổ tiên để lại" - ông Định tâm sự.
Nếu như ở những nơi khác người xưa dùng đất đào ở những chân ruộng, trộn lẫn với rơm rồi trét lên mái thì ở Lý Sơn, chất liệu này được thay thế bằng cây cỏ đế hoặc là rơm rạ chở từ đất liền ra để đắp lên mái nhà. Kiểu thiết kế này phù hợp với thời tiết khắc nghiệt trên đảo, chống chọi bão tố và cũng phòng tránh được hỏa hoạn. Ngày nay, những vật liệu này ngày càng ít dần nên người dân lợp mái bằng ngói đất, giúp nhiệt độ trong nhà cổ luôn hài hòa, mùa nắng thì mát, mùa đông ấm áp, không gian yên tĩnh.
Cụ Lê Lý (82 tuổi; ngụ thôn Đông, xã An Hải) đã sống trong ngôi nhà cổ gần 200 tuổi từ thuở nhỏ và đã bảo tồn, gìn giữ ngôi nhà trong bao năm qua. Ngôi nhà do tổ tiên trong tộc xây dựng với kết cấu trên 42 cột và phần lớn được làm bằng gỗ hương, gỗ mít. Trong nhà trang trí rất nhiều hoành phi, câu đối nói về công đức của các vị tiền hiền của dòng họ, đã có công tham gia khai phá và thực thi chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Bảo tồn để phát triển du lịch
Còn ngôi nhà cổ của gia tộc họ Nguyễn (ở thôn Tây, xã An Vĩnh) có niên đại hơn 200 năm với thiết kế ba gian, hệ thống kèo, cột gắn kết chặt với nhau theo kiến trúc nhà rường phổ biến trên đảo Lý Sơn lúc bấy giờ, tạo cho ngôi nhà sự uy nghi, vững chắc trước gió bão của vùng biển đảo.
Theo hậu duệ của tộc họ Nguyễn, chỉ riêng hệ thống cửa và hoành phi, liễn đối…, tiền nhân ông bà của dòng họ đã phải vào tận đất liền để mời thợ mộc Kim Bồng (Quảng Nam) và thợ chạm, cẩn xà cừ từ Thừa Thiên - Huế ra Lý Sơn để làm ròng rã hơn một năm.
Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho biết toàn huyện Lý Sơn hiện còn 24 nhà cổ, tuổi đời từ 150-200 năm và được bảo tồn gần như còn nguyên vẹn.
"Ngoài yếu tố kết cấu nhà cổ hết sức đặc biệt, trong mỗi nhà cổ chứa đựng số lượng lớn văn bản Hán - Nôm, hiện vật liên quan đến Hải đội Hoàng Sa; là di sản văn hóa có giá trị đặc biệt, gắn liền với việc bảo vệ chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa..." - bà Hương nhấn mạnh.
Song song với chính sách hỗ trợ người dân bảo tồn nhà cổ, UBND huyện cũng kêu gọi các đơn vị lữ hành hợp tác với các tộc họ sở hữu nhà cổ, đưa du khách tham quan hệ thống nhà cổ theo mô hình du lịch cộng đồng, nhằm nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.
Hiện tại, những ngôi nhà cổ trên đảo Lý Sơn được dùng làm nơi thờ cúng của các tộc họ. Hằng năm, tại đây thường diễn ra lễ tế, tri ân công đức tổ tiên những người đã giong buồm, vượt qua muôn trùng sóng gió để đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cắm cột mốc khẳng định chủ quyền.