Nhà đấu giá Millon giới thiệu tranh lụa 'Tình mẫu tử' của Lê Phổ trong phiên đặc biệt

Ngày 18/6/2024, Nhà đấu giá Millon (Pháp) sẽ tổ chức đấu giá 1 tác phẩm duy nhất trong phiên 'Vente Duplex So Unique' - tác phẩm 'Tình mẫu tử', chất liệu lụa, sáng tác khoảng 1935-1945, của danh họa Lê Phổ.

Với việc tổ chức một phiên chỉ đấu 1 bức duy nhất, Nhà đấu giá Millon đã có những đánh giá cao về giá trị nghệ thuật và giá trị thương mại của tác phẩm Tình mẫu tử. Để chuẩn bị cho phiên đấu giá, đơn vị này cũng đã phối hợp với Viet Art View về một số nội dung thể hiện bằng bài viết, video nghệ thuật… nhằm nêu bật vẻ đẹp đặc biệt của tác phẩm Tình mẫu tử.

"Với Tình mẫu tử, chúng tôi đặt tác phẩm ở một vị thế đặc biệt, tiêu biểu, xuyên suốt toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Lê Phổ trong chủ đề mẫu tử. Hy vọng, tác phẩm này sẽ được bán đấu giá thành công với kết quả tốt, trở thành tác phẩm tiêu điểm trong một bộ sưu tập nghệ thuật chất lượng", nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh – đại diện Viet Art View cho biết

Tình mẫu tử (kích thước 62.5cm×46cm) là một trong những tác phẩm lụa xuất sắc nhất đề tài mẫu tử của Lê Phổ. Toàn bộ chi tiết hiện diện trong tác phẩm đều gợi nhớ hình ảnh thân thương của gia đình Việt, thời kỳ trước 1945, từ trang phục cho người mẹ như áo dài (thiết kế kiểu dáng Lê Phổ), khăn mấn màu sáng đội đầu (người nữ Huế thường dùng), đến các chi tiết trang trí như chiếc bình sứ cổ cao, dáng đùi dế, màu bạch định đang cắm những bông hoa hồng trà; cái bàn văn kỷ (thấp) thường dùng để uống trà, viết lách…

Danh họa Lê Phổ (1907-2001)

Danh họa Lê Phổ (1907-2001)

Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh, tạo hình hai nhân vật vô cùng hợp lý, hài hòa. Tỉ lệ hình thể giữa người mẹ và đứa con nhỏ cân đối, trong dáng vẻ thanh tú, nhẹ nhàng. Bé trai được tạo hình bụ bẫm, hồng hào, mái tóc đen nhánh, đôi má phúng phính đang vòng tay ôm lấy cổ mẹ, đôi mắt ngước nhìn. Người mẹ trẻ ngồi, đôi tay nhẹ nhàng mở rộng, vỗ về, ôm trọn lấy đứa con trong sự yêu thương khôn tả.

Hình ảnh em bé trai khỏe mạnh, ngoài việc là biểu tượng về sức khỏe cho tương lai với những trọng trách lớn trong gia đình, còn hàm chứa bao la tình mẹ đã dành cho con nguồn mạch dinh dưỡng từ thể chất đến tâm hồn. Tình yêu thương chính là nguồn dưỡng chất tốt nhất cho tâm hồn, giúp cho đứa trẻ hình thành một nhân cách tốt đẹp.

"Nét tinh tế đầy chủ ý của tác giả được hiện lên rõ ràng khi mô tả hình ảnh người mẹ trẻ dịu dàng dùng vạt áo che một phần thân thể của đứa con. Đây là điểm nổi bật, điểm khác biệt giữa văn hóa phương Đông và phương Tây. Chỉ từ một hành động đơn giản "lấy vạt áo che cho con", tưởng chừng như "vô thức" nhưng trên thực tế, được hình thành từ hệ tư tưởng truyền thống Á Đông "bao dung và che chở" mà người mẹ đã được truyền dạy qua nhiều thế hệ.

Những chi tiết không kém phần tinh tế khác được họa sĩ khéo léo thể hiện như hình ảnh chiếc khăn choàng. Chủ ý này của tác giả đã khiến cho bức tranh hoàn thiện thêm vẻ đẹp mềm mại, thấm đẫm chất nữ Việt. Chiếc khăn choàng mỏng manh, dịu dàng khoác trên vai người mẹ, buông hờ quấn quýt quanh mẹ con vừa giải quyết được vấn đề tạo hình, bố cục; vừa giải quyết được trọn vẹn biểu hiện giao thức tình yêu thương, sự chăm sóc hết mực của người mẹ với đứa con", nhà nghiên cứu mỹ thuật Bùi Hoàng Anh cho biết.

Tác phẩm "Tình mẫu tử"

Tác phẩm "Tình mẫu tử"

Cũng theo Bùi Hoàng Anh, điểm đặc biệt của tác phẩm Tình mẫu tử, chính là vẻ đẹp nội tâm tác phẩm và cũng là điều chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường. Nghệ sĩ dùng sắc màu trung tính, ấm mềm, rất vừa độ. Nhưng dường như, sự ấm áp, dịu mềm ấy không phải là cảm giác từ màu sắc; mà sự ấm áp diệu kỳ bao phủ toàn bộ không gian ấy được tỏa ra từ chính tình yêu thương của người mẹ dành cho con…

"Hội họa phải diễn tả những điều không nhìn thấy được mà phải là cái tâm tưởng bên trong Đây là những thứ không thể nhìn bằng mắt thường mà cái tâm tưởng ấy phải được "nhìn thấu" bằng cảm xúc. Lê Phổ đã sử dụng hoàn hảo khả năng nghệ thuật ở mức cao nhất nhằm diễn đạt tâm ý của chính mình. Xét tổng thể tác phẩm, từ tạo hình đến hòa sắc và các chi tiết, chúng tôi nhận định: Đây là tác phẩm tranh lụa đề tài mẫu tử xuất sắc bậc nhất trong sự nghiệp sáng tác của Lê Phổ. Bức tranh này xứng đáng trở thành tiêu điểm quan trọng trong một bộ sưu tập nghệ thuật chất lượng.

Có cảm giác thời gian lắng đọng lại khi ngắm nhìn tác phẩm đẹp tuyệt này. Khoảng trời bao la với thiên nhiên tươi đẹp, nếp nhà ấm áp lan tỏa những dịu dàng âu yếm bởi trong tâm trí của mỗi chúng ta đều có một thiên thần mang tên: Mẹ. Thông điệp của tác phẩm đong đầy những xúc cảm - Tình yêu thương của mẹ là nguồn cội nuôi dưỡng mạch sống cho tâm hồn", Bùi Hoàng Anh cho biết thêm.

Cũng theo Bùi Hoàng Anh, phiên đấu đặc biệt này là tiền đề cho phiên đấu giá "Duplex Nghệ thuật Việt Nam: Trung tuần tháng 9 năm 2024" với nhiều tác phẩm của các danh họa Việt Nam có nhiều thành tựu.

Lê Phổ sinh năm 1907 tại Hà Đông, là họa sĩ bậc thầy của Việt Nam và thế giới theo trường phái lãng mạn, giao hòa giữa văn hóa Việt Nam, ảnh hưởng tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Đông và phương Tây. Từ năm 1937, ông sang Pháp và định cư cho đến khi qua đời năm 2001 tại Paris. Dòng máu Việt Nam chảy trong huyết quản, tình yêu tha thiết con người, cảnh sắc quê hương… tất cả những điều ấy đã hòa quyện trong các tác phẩm của ông. Đặc biệt, những tác phẩm trên chất liệu lụa thời kỳ từ 1935-1945, chủ đề thiếu nữ, mẫu tử, gia đình đã trở thành biểu tượng đắt giá bậc nhất về nghệ thuật cũng như thương mại của Lê Phổ.

Minh Nhi

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/nha-dau-gia-millon-gioi-thieu-tranh-lua-tinh-mau-tu-cua-le-pho-trong-phien-dac-biet-20240615082636329.htm