Nhà đầu tư 'chill in May' trên thị trường chứng khoán

Tháng 5 thường gắn liền với chiến lược đầu tư nổi tiếng 'Sell in May and go away' – bán ra và rút lui khỏi thị trường, do thị trường giai đoạn từ tháng 5 đến tháng 10 thường hoạt động kém hiệu quả.

Tuy nhiên, với chứng khoán Việt Nam, quy luật này dường như không còn phù hợp trong những năm gần đây. Đặc biệt với năm nay, các nhà đầu tư cho rằng họ đang “chill in May”, chứ không phải “Sell in May” khi thị trường đang đón nhận những thông tin tích cực với nhiều kỳ vọng.

Sau cú sốc thị trường hồi đầu tháng 4 với những tác động tiêu cực từ thông tin về thuế quan của Mỹ, nhiều nhà đầu tư như anh Phan Huy Nam đã có thể thoải mái với thị trường. Các mã cổ phiếu mà anh đang nắm giữ đều có mức tăng hai con số, chỉ đang cân nhắc chốt lời. Thậm chí, chờ thời điểm tốt, anh sẽ tiếp tục giải ngân để mua thêm một số cổ phiếu.

Anh Phan Huy Nam - Nhà đầu tư chia sẻ: “Thoải mái với thị trường, nó tăng thì mình chốt lời thôi không có gì phải lo lắng cả. Đầu tiên là do vụ thuế quan của Mỹ và Trung đã xảy ra rồi, theo tôi, đó là tin xấu nhất nó đã xảy ra ra rồi. Bây giờ hai bên đã ngồi vào bàn đàm phán hướng đến tìm cách giải quyết chung. Hiện tại thị trường đang hơi cao vì đã tăng một nhịp từ 1.150 đến gần 1.300 điểm. Tôi sẽ chờ nó điều chỉnh khoảng 20 điểm thì tôi sẽ mua thêm để gia tăng lượng cổ phiếu”.

“Sell in May and go away” được xem là một chiến lược đầu tư đối với cổ phiếu, tức là trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 4, thị trường tăng mạnh so với tháng 5 - tháng 10. Khi đó, nhà đầu tư sẽ bán vào đầu tháng 5 và thu tiền về, chờ đợi và mua lại vào dịp tháng 11. Dữ liệu từ Công ty chứng khoán Yuanta Việt Nam, chỉ số VN-Index có xác suất tăng 46% với mức tăng trung bình 1,32% trong tháng 5, từ năm 2000 - 2024. Như vậy, có thể thấy, thị trường cũng chịu tác động từ hiệu ứng “Sell in May”, nhưng còn tùy thuộc thị trường đang ở giai đoạn nào. Theo các chuyên gia, năm nay, hiệu ứng này đã giảm sự tác động.

Ông Trương Hiền Phương - Giám đốc cấp cao Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho hay: “Trong tháng 4 vừa rồi, thị trường Việt Nam cũng đón nhận những thông tin tiêu cực. Thị trường phản ứng quá đà. Về cơ quan, các cổ phiếu đã chiết khấu từ 10 - 30%, mở ra một cơ hội rất là lớn cho các nhà đầu tư được lựa chọn cổ phiếu tốt nhưng lại được mua với giá hợp lý. Bên cạnh đó, những thông tin tích cực lại đến như hệ thống KRX vận hành, vấn đề thương mại thuế quan sẽ được giải quyết một cách nhẹ nhàng hơn. Vì vậy, hiệu ứng 'Sell in May and go away' trong tháng 5 này không có tác dụng mà còn có chiều hướng ngược lại”.

Ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho biết: “Có thể thấy rằng chỉ số VN-Index hiện nay đã tiệm cận 1.300 điểm. Trước đó, nhà đầu tư cũng đã bắt đáy khi định giá thị trường khoảng 10 lần, tâm lý lạc quan đã quay trở lại thị trường. Theo tôi thấy, dùng từ 'Chill in May' sẽ khá là hợp lý .Có nghĩa rằng, các nhà đầu tư không cần thiết bi quan thái quá nhưng cũng không nên lạc quan thái quá khi những biến động vẫn còn phức tạp đã dự đoán trước đó”.

Sự tích cực trong các phiên giao dịch gần đây cho thấy, dòng tiền vẫn đang tìm kiếm cơ hội thay vì rút lui. Đáng chú ý, thị trường có sự phân hóa. Thời điểm trước, dòng tiền tập trung trú ấn vào các nhóm cổ phiếu ít chịu sự tác động bởi chính sách thuế quan, nay đã có sự dịch chuyển sang nhóm chịu sự tác động trực tiếp như bất động sản công nghiệp, xuất khẩu. Giới chuyên gia cũng khuyến nghị, các nhà đầu tư nên thận trọng với vùng cản 1.300 điểm, hạn chế mua đuổi để tránh rủi ro ở những nhịp điều chỉnh.

Hồng Liên

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nha-dau-tu-chill-in-may-tren-thi-truong-chung-khoan-329833.htm