Nhà đầu tư chốt lời cổ phiếu penny, VIC bay cao sau tin VinFast sáp nhập với SPAC
Chỉ sau vài phiên tập trung vào dòng cổ phiếu vừa và nhỏ (penny) giúp nhóm này tăng mạnh, nhà đầu tư đã ồ ạt đặt lệnh chốt lời trong phiên hôm nay. May mắn là VIC và nhiều bluechip vẫn được kéo lên để thị trường không bị giảm quá sâu.
Phiên giao dịch đầu tuần (15/5) mở cửa trong sự hưng phấn khi dòng tiền mua mạnh nhóm bluechip, đặc biệt là các cổ phiếu thuộc họ Vingroup. Có thời điểm, VN30 tăng hơn 10 điểm, VN-Index cùng tăng 8-9 điểm. Tuy nhiên sang phiên chiều, lực mua yếu dần. Các cổ phiếu vừa và nhỏ bị bán mạnh khiến chỉ số nhanh chóng tụt dốc.
VN-Index kết phiên dưới tham chiếu, giảm hơn 1 điểm so với kết phiên cuối tuần trước, về mốc 1.065,71. VN30 cũng giảm nhiệt, chỉ còn tăng 4,4 điểm, chủ yếu nhờ lực kéo từ VIC với mức tăng 5,2%. VHM và VRE cũng kết phiên trong sắc xanh. Đây là phiên tăng thứ 2 liên tiếp của VIC và là mức giá cao nhất của mã kể từ phiên 3/4 (54.400 đồng).
Thông tin hỗ trợ cho đà tăng của VIC tới từ việc ngày 12/5, VinFast chính thức công bố sẽ niêm yết tại Mỹ thông qua giao dịch sáp nhập với 1 công ty SPAC, định giá 23 tỷ USD.
Theo đó, VinFast Auto Pte. Ltd. và Black Spade Acquisition Co (“Black Spade”) (NYSE: BSAQ) đã thỏa thuận sáp nhập doanh nghiệp. Công ty hợp nhất sẽ có giá trị doanh nghiệp khoảng 27 tỷ USD. Giá trị vốn chủ sở hữu là 23 tỷ USD sau khi sáp nhập, chưa bao gồm số tiền sẽ quy đổi từ 169 triệu USD tiền mặt tín thác.
Giao dịch dự kiến sẽ kết thúc trong năm 2023 sau khi nhận được sự chấp thuận của cơ quan quản lý và cổ đông, cũng như các điều kiện hoàn tất khác theo thông lệ. Sau giao dịch, các cổ đông hiện hữu của VinFast sẽ sở hữu 99% trong công ty sau sáp nhập.
Ngoài bộ ba nhà Vingroup, các mã bluechip có công giữ thị trường hôm nay là FPT, MBB, PLX, SAB, STB, TCB, TPB, VJC, VPB. Ngược lại, giảm mạnh nhất trong nhóm VN30 là GVR với mức -3,9%. NVL và SSI cùng giảm 1,5%.
Việc nhà đầu tư chốt lời thể hiện ở việc giá trị giao dịch tăng đột biến và nhiều mã penny giảm sâu sau giai đoạn tăng nóng. Tổng giá trị giao dịch khớp lệnh trên 3 sàn đạt hơn 14.600 tỷ đồng. Trong đó khối ngoại chiếm gần 1.700 tỷ đồng và bán ròng 376 tỷ đồng trên sàn HoSE.
CTG bị bán ròng mạnh nhất với giá trị hơn 100 tỷ đồng. VNM, VPB, STB, SSI cũng bị nằm trong danh sách bán ròng mạnh của khối ngoại, với giá trị từ 36-53 tỷ đồng. Ngược lại, dòng tiền nước ngoài tập trung gom vào 3 cổ phiếu nhà Vingroup (VIC và VHM được mua ròng hơn 50 tỷ đồng, VRE được mua ròng 39 tỷ đồng). Danh sách mua ròng còn có PVD, KBC, KDH, VND, MSN, HDC…
Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ thuộc nhóm bất động sản tăng mạnh trong tuần trước, phiên hôm nay đều giảm sâu: DIG giảm hơn 2%, DXG giảm 3,4%, CEO giảm 3,7%, HQC giảm hơn 5%, DPG giảm hơn 4%, HDG giảm 3,6%, BCG giảm hơn 3%, IJC giảm 3,8%...
Nhiều cổ phiếu thuộc nhóm khác cũng bị chốt lời như GEX -4,1%, NKG -2,6%, HSG -2,5%, VIX -3,5%, SHS -3,5%, CTS -4,2%...
Tuy nhiên, vẫn có những cổ phiếu ngược chiều tăng trần, như TVS của nhóm chứng khoán, DRH của nhóm bất động sản, LIG của nhóm xây dựng, DLG của Tập đoàn Đức Long Gia Lai, TEG của nhóm năng lượng…
Đáng chú ý là DDG của CTCP Đầu tư Công nghiệp Xuất nhập khẩu Đông Dương (Indochine Imex), tăng trần lên mức giá 8.600 đồng, đánh dấu phiên tăng trần phiên thứ 4 liên tiếp. Trước đó, DDG có tới 19 phiên “lau sàn” liên tiếp, giảm giá thê thảm từ mức 42.200 đồng/cổ phiếu (phiên 7/4) xuống 7.400 đồng (phiên 9/5), tương ứng bốc hơi hơn 80% giá trị.