Nhà đầu tư chứng khoán Mỹ tìm chỗ trú ẩn trước khủng hoảng nợ công
Một số nhà đầu tư lo ngại hàng loạt biến động sẽ xảy ra trên thị trường tài chính do sự bế tắc quanh vấn đề trần nợ công của Mỹ.
Chính phủ Mỹ đang ngày càng tiến gần hơn đến nguy cơ vỡ nợ và tuần trước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Janet Yellen cảnh báo rằng vụ việc sẽ “phá vỡ nền tảng tạo nên nên hệ thống tài chính toàn cầu”.
Trong bối cảnh đó, chỉ số S&P 500 đã tăng 9,2% từ đầu năm nay, lên mức cao nhất kể từ tháng 8 năm ngoái. Mức độ biến động trên thị trường thì giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021.
Khi khủng hoảng trần nợ xảy ra vào năm 2011, S&P 500 đã sụt hơn 15% kể từ đầu tháng 7 đến đầu tháng 8, khi S&P hạ xếp hạng tín dụng của Mỹ.
Các nhà phân tích của BlackRock dự báo lần này bối cảnh kinh tế còn tồi tệ hơn. Thời điểm năm 2011, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đang hỗ trợ thị trường với lãi suất thấp và nhà đầu tư thì đang lo lắng về tình trạng giảm phát.
Ngày nay, lạm phát cao dai dẳng và chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương như Fed lại là mối đe dọa cho thị trường.
Chia sẻ với Wall Street Journal, ông Jordan Brooks, đồng trưởng nhóm phân tích chiến lược vĩ mô tại AQR Capital Management, cho hay: “Kỳ vọng về chính sách tiền tệ đã thực sự thúc đẩy giao dịch trên thị trường.
Song, tại sao thị trường lại tăng điểm khi nhà đầu tư nghĩ rằng một cuộc khủng hoảng tài chính có thể khiến lãi suất đi xuống? Tôi chắc rằng thị trường sẽ không hoạt động tốt nếu một cuộc khủng hoảng [trần nợ] xảy ra”.
Hiện tại, các nhà đầu tư vẫn tin rằng Fed sẽ hạ lãi suất ít nhất một lần trong năm nay, bất chấp tín hiệu trái ngược từ các nhà hoạch định chính sách.
Tuy nhiên, theo ông Brooks, lý do hợp lý duy nhất để kỳ vọng lãi suất sẽ sớm đi xuống là một cuộc suy thoái. “Tôi không nghĩ có cách nào khác để thoát khỏi tình cảnh này mà không có thêm biến động và bất ổn”.
Trong những ngày tới, các nhà đầu tư sẽ tiếp tục theo dõi tiến độ đàm phán trần nợ. Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy sẽ tổ chức họp vào ngày 22/5, theo CNBC.
Nhà đầu tư cũng sẽ phân tích biên bản cuộc họp tháng 5 của Fed để hiểu rõ hơn về hướng đi của lãi suất, cũng như đọc báo cáo tài chính từ các công ty như Lowe và Nvidia.
Trong khi đó, thị trường quyền chọn đang phát đi những tín hiệu cảnh báo về đợt tăng của năm nay, Wall Street Journal cho hay.
Các nhà đầu tư đang sử dụng quyền chọn mua để đặt cược rằng chỉ số đo lường mức độ biến động của thị trường là VIX sẽ tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3/2020.
Xu hướng trên bắt đầu khi các ngân hàng khu vực sụp đổ hồi tháng 3/2023, nhưng vẫn chưa chậm lại, ngay cả khi lo lắng về hệ thống nhà băng đã giảm bớt, theo dữ liệu của sàn giao dịch quyền chọn Chicago (Cboe).
VIX đã ở mức hoặc thấp hơn mức trung bình lịch sử khoảng 20 điểm kể từ cuối tháng 3. Kết phiên 19/5, chỉ số này ở mức 16,8 điểm.
Chỉ số VIX thường tăng khi chứng khoán mất điểm. Các nhà đầu tư sẽ hái được quả ngọt nếu VIX vượt ngưỡng 30, một mức quan trọng liên quan đến tâm lý lo lắng của thị trường.
Nhiều nhà đầu tư đang rút tiền từ các quỹ chứng khoán trong tháng thứ 7 liên tiếp. Dữ liệu của Refinitiv cho thấy họ đã rút gần 24 tỷ USD trong ba tuần đầu tháng 5.
Nguy cơ chính phủ Mỹ cạn sạch tiền càng làm trầm trọng thêm nỗi sợ của nhà đầu tư về một đợt giảm giá khác trên thị trường chứng khoán.
Các cá nhân đã mua trái phiếu Kho bạc và rót tiền vào các quỹ thị trường tiền tệ đang bất an về tác động của một vụ vỡ nợ đến các khoản đầu tư của họ.
Một số khác tìm nơi trú ẩn trong các chứng khoán nợ của chính phủ nhưng tránh xa trái phiếu Kho bạc ngắn hạn để mua vào các trái phiếu dài hạn.
Nhu cầu gia tăng đã giúp giữ lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 5 năm thấp hơn 0,5 điểm % so với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 2 năm.
Các nhà phân tích cho biết, lợi suất trái phiếu dài hạn có thể chịu nhiều áp lực hơn trong những tuần tới và các nhà giao dịch quyền chọn đang kỳ vọng về những biến động lớn. Lợi suất sẽ giảm khi giá trái phiếu tăng.
Ngay cả khi trần nợ công của Mỹ được nâng lên mà không xảy ra vỡ nợ, nhiều nhà đầu tư dự đoán khó khăn vẫn còn.
Nếu ông Biden nhượng bộ và đồng ý cắt giảm chi tiêu liên bang để đạt được thỏa thuận với Đảng Cộng hòa, việc này có thể kìm hãm tăng trưởng, làm tổn hại đến lợi nhuận doanh nghiệp và đè nặng lên thị trường chứng khoán.
Cú sốc cho thị trường thậm chí còn lớn hơn nếu lạm phát không hạ nhiệt nhanh chóng như nhiều người kỳ vọng.
“Thị trường thực sự lạc quan rằng lạm phát sẽ lùi dần về mức mục tiêu của Fed. Vậy, điều gì sẽ xảy ra nếu lạm phát kẹt ở mức 3 hoặc 4%? Đó là rủi ro đuôi (tail risk) mà toàn bộ thị trường đều chưa chuẩn bị đón nhận”, chiến lược gia Michael de pass của Citadel Securities cảnh báo.