Nhà đầu tư đại tài Charlie Munger, cánh tay phải của Warren Buffett, qua đời ở tuổi 99
Tỷ phú Charlie Munger, nhà đầu tư nổi danh đã kiếm bộn tiền ngay cả trước khi trở thành cánh tay phải của Warren Buffett tại Berkshire Hathaway, đã qua đời ở tuổi 99.
Tin buồn của giới đầu tư
Theo thông cáo báo chí từ Berkshire Hathaway, tỷ phú Charlie Munger, Phó Chủ tịch tập đoàn, đã qua đời vào ngày 28/11.
Berkshire cho biết các thành viên trong gia đình Munger thông báo rằng ông đã ra đi thanh thản vào buổi sáng tại một bệnh viện ở California. Munger đáng lẽ sẽ bước qua tuổi 100 vào ngày đầu năm mới 2024.
Trong một tuyên bố về người cộng sự lâu năm, nhà đầu tư huyền thoại Warren Buffett bày tỏ: “Berkshire sẽ không thể phát triển như ngày hôm nay nếu không có nguồn cảm hứng, trí tuệ và sự giúp sức của Charlie”.
Ngoài vai trò Phó Chủ tịch Berkshire, Munger còn là một luật sư về lĩnh vực bất động sản, Chủ tịch của hãng tin Daily Journal, thành viên hội đồng quản trị của Costco, một nhà từ thiện và một kiến trúc sư.
Munger được người bạn thân Buffett khen ngợi khi đã mở rộng chiến lược đầu tư của ông từ ưu tiên thâu tóm các công ty gặp khó khăn ở mức giá thấp với hy vọng thu được lợi nhuận lớn sang tập trung vào các doanh nghiệp chất lượng cao nhưng bị định giá thấp.
Đơn cử, hồi năm 1972, Munger đã thành công thuyết phục Buffett mua See’s Candies với giá 25 triệu USD dù hãng sản xuất kẹo có trụ sở tại California này có lợi nhuận trước thuế chỉ khoảng 4 triệu USD. Kể từ đó, See’s Candies đã tạo ra doanh thu hơn 2 tỷ USD cho Berkshire.
Giống như người bạn Warren Buffett, Charlie Munger cũng là một cái tên vĩ đại, là hiện thân của sự khôn ngoan cả trong đầu tư và cuộc sống. Và giống như một trong những người hùng mà ông ngưỡng mộ là Benjamin Franklin, cái nhìn sâu sắc của Munger không bao giờ thiếu đi sự hài hước.
Cuộc đời thăng trầm của một huyền thoại
Charles Thomas Munger sinh ra ở thành phố Omaha (bang Nebraska) vào ngày 1/1/1924. Cha ông Alfred là một luật sư và mẹ Florence “Toody” xuất thân từ một gia đình giàu có.
Giống như Warren Buffett, Charlie Munger từng phụ việc tại cửa hàng tạp hóa của ông nội Buffett khi còn trẻ. Song, mãi đến nhiều năm sau, hai huyền thoại mới bắt đầu mối quan hệ hợp tác bền chặt như ngày nay.
Năm 17 tuổi, Munger rời Omaha để đến Đại học Michigan. Hai năm sau, ông bỏ học để tham gia Thế chiến thứ hai.
Quân đội Mỹ gửi ông đến Viện Công nghệ California ở Pasadena để nghiên cứu khí tượng học. Tại đây, ông yêu Nancy Huggins, bạn cùng phòng của em gái mình tại Đại học Scripps, và cưới cô vào năm 1945.
Mặc dù chưa tốt nghiệp chương trình đại học trước đó, Munger vẫn tốt nghiệp hạng ưu tại Trường Luật Havard vào năm 1948. Sau đó, cặp đôi chuyển về sống ở California, nơi Munger hành nghề luật.
Munger thành lập hãng luật Munger, Tolles & Olson vào năm 1962 và tập trung quản lý các khoản đầu tư tại quỹ phòng hộ Wheeler, Munger & Co. mà ông thành lập vào cùng năm.
Song song với những thành tích đầu tư lỗi lạc, Munger còn có câu chuyện cuộc đời khơi gợi nhiều cảm hứng và niềm tin vươn lên từ khó khăn, thử thách.
Năm 1953, ở tuổi 29, cuộc đời ông có bước ngoặt. Cuộc hôn nhân kéo dài 8 năm kết thúc, đánh dấu biến cố đầu tiên mà Munger phải đối mặt. Cuộc ly hôn khiến ông suy kiệt tài chính vì vợ cũ được chia phần lớn tài sản, bao gồm cả ngôi nhà chung.
Quyết tâm vực dậy tài chính cá nhân, Munger đắm mình vào công việc. Song, cuộc đời lại tiếp tục thử thách ông. Một năm sau khi ly hôn, Munger phải chịu cú sốc nặng nề khi cậu con trai 8 tuổi Teddy được chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu.
Trong thời đại không có bảo hiểm y tế, Munger phải gồng gánh chi phí và cùng lúc phải vật lộn với những cảm xúc đau thương về căn bệnh của con trai. Trong khi chứng kiến sức khỏe Teddy ngày càng suy yếu, ông còn phải gánh vác trách nhiệm làm cha của những đứa con khác và hành nghề luật sư.
Ở tuổi 31, Munger đối mặt với hậu quả của cuộc ly hôn, bất ổn tài chính và nỗi đau sâu sắc khi mất con trai. Tuy nhiên, ông không đầu hàng trước số phận mà chọn tiến lên phía trước.
Sau này, Munger bày tỏ: “Ghen tị, oán giận, trả thù và thương hại bản thân là những lối suy nghĩ tai hại. Sự thương hại bản thân gần giống với chứng hoang tưởng. Mỗi rủi ro trong cuộc sống đều là một cơ hội để chúng ta hành xử tốt hơn và học hỏi từ đó. Không nên đắm chìm trong sự tủi thân mà hãy tận dụng chúng để hướng đến tương lai”.
Thử thách của cuộc đời Charlie Munger vẫn tiếp tục. Ở tuổi 52, ông bị đục thủy tinh thể và cuộc phẫu thuật thất bại khiến ông bị mù một bên mắt. Dù mất đi thị lực, tinh thần không chịu khuất phục của ông vẫn chiến thắng. Munger quyết định học chữ nổi.
Không chỉ nổi tiếng về đầu tư, Charlie Munger còn là một tỷ phú chăm làm từ thiện. Trong khi người bạn Warren Buffett luôn có mặt trong danh sách những người giàu nhất thế giới, Munger lại hiếm khi xuất hiện. Munger đáng lẽ sẽ có khối tài sản ròng hơn 10 tỷ USD nếu ông giữ lại toàn bộ cổ phiếu Berkshire Hathaway của mình.
Hồ sơ gửi cơ quan quản lý cho thấy tính đến ngày 5/10, Munger đang sở hữu 4.033 cổ phiếu loại A của Berkshire. Số cổ phần này trị giá khoảng 2,2 tỷ USD, tính theo giá chốt phiên ngày 24/11 là 549.500 USD/cp.
Ngoài ra, ông còn có một số tài sản đáng chú ý khác như số cổ phiếu trị giá hơn 100 triệu USD tại nhà bán lẻ Costco. Forbes ước tính tổng tài sản ròng của Munger là 2,6 tỷ USD và xếp ông ở vị trí thứ 1.182 trong bảng xếp hạng những người giàu nhất tính theo thời gian thực.
Năm 1996, Munger sở hữu 18.829 cổ phiếu hạng A - tương đương 1,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của Berkshire. Ông đã bán hoặc quyên tặng hơn 75% số cổ phần của mình trong nhiều năm qua.
Tại trường dự bị Harvard-Westlake ở Los Angeles, nơi Munger là thành viên hội đồng quản trị trong nhiều thập kỷ, ông tuyên bố phòng tắm nữ phải rộng hơn phòng nam trong quá trình xây dựng trung tâm khoa học vào những năm 1990.
Ông cũng quyên góp hàng trăm triệu đô la cho các tổ chức giáo dục, bao gồm Đại học Michigan, Đại học Stanford và Trường Luật Harvard. Hồi tháng 10, Munger đã tặng 77 cổ phiếu hạng A, trị giá khoảng 40 triệu USD, cho một thư viện.
Chia sẻ với Omaha World-Herald vào năm 2013, Munger cho hay: “Tôi đang cố tình giảm khối tài sản ròng của mình. Tôi biết rồi một ngày mình sẽ ra đi và ở nơi ở mới, tôi không cần nhiều tiền đến thế”.