Nhà đầu tư đánh giá Việt Nam là thị trường giàu tiềm năng
Mặc dù tăng trưởng kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn, song các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đánh giá Việt Nam là thị trường đầu tư đầy tiềm năng ở cả trước mắt cũng như lâu dài.
Tiếp tục mở rộng dự án hiện hữu
Theo thông tin mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến 20/5/2023, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đã được cải thiện đáng kể, đạt khoảng 10,86 tỷ USD. Cụ thể, 5 tháng qua, vốn đăng ký mới đạt hơn 5,26 tỷ USD, tăng 27,8% so với cùng kỳ; vốn điều chỉnh đạt 2,28 tỷ USD; vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 3,32 tỷ USD, tăng 67,2% so với cùng kỳ.
Cục Đầu tư nước ngoài nhận định, kết quả này khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư vào môi trường đầu tư của Việt Nam, vì vậy, họ tiếp tục đưa ra các quyết định mở rộng dự án hiện hữu. Cùng với đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần tiếp tục tăng so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là nhờ dự án mua cổ phần của nhà đầu tư Nhật Bản tại VPBank, với tổng giá trị thương vụ lên tới 1,5 tỷ USD. Đồng thời, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ước đạt 7,56 tỷ USD, tuy vẫn giảm 0,8% so với cùng kỳ, nhưng mức giảm đã cải thiện so với các thời điểm đầu năm. Khảo sát khác gần đây của EuroCham cho thấy các nhà đầu tư châu Âu xếp Việt Nam trong top 5 điểm đến đầu tư toàn cầu với 41% số DN được hỏi cho biết đang chuyển hoạt động từ nước ngoài tới Việt Nam.
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, các dự án đầu tư mới vẫn tập trung vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư nước ngoài, như hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư như Hà Nội, Bắc Giang, TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng… Trong số các địa phương này, Bắc Ninh nhiều năm nay đang nổi lên là một “thỏi nam châm” thu hút đầu tư nước ngoài. Rất nhiều tên tuổi lớn, như Samsung, Foxconn… và mới đây là Amkor đã chọn Bắc Ninh là điểm đến.
Chia sẻ về việc chọn Bắc Ninh là điểm đến, ông Kim Sung-hun, Tổng giám đốc Công ty Amkor Technology Việt Nam cho biết, Công ty Amkor Technology Việt Nam với tư cách là một công ty bán dẫn toàn cầu đã thành lập nhà máy bán dẫn công nghệ cao tại Bắc Ninh, hiện nay tất cả công việc liên quan đến việc tiến hành thi công xây dựng đang được thực hiện rất thuận lợi.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang, một trong những lý do để Bắc Ninh được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn và đánh giá cao là vì tỉnh luôn nỗ lực đồng hành, sát cánh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) và nhà đầu tư. Bắc Ninh cũng luôn xác định cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách hành chính là “không có điểm dừng”, theo hướng “hỗ trợ và phục vụ”, tạo thuận lợi nhất cho người dân và DN.
Cần có chính sách đầu tư thích hợp, hấp dẫn
Ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện Tổ chức xúc tiến và thương mại Nhật Bản (JETRO) Hà Nội cho biết, các DN Nhật Bản rất sẵn sàng đầu tư tại Việt Nam, với khảo sát của JETRO, 47% số người được hỏi cho biết họ sẽ mở rộng kinh doanh trong 1-2 năm tới. 55% vào năm 2021 và 60% vào năm 2022.
Ông Furusawa Yasuyuki, Tổng giám đốc AEON Việt Nam chia sẻ, không chỉ riêng AEON mà các DN Nhật Bản nói chung cũng mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam là thị trường trọng điểm thứ 2 bên cạnh Nhật Bản để tăng tốc đẩy mạnh hoạt động đầu tư, Tập đoàn AEON đang nỗ lực thực hiện là trở thành thương hiệu quen thuộc với người Việt - “một DN Việt Nam phục vụ Người Việt Nam” và đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Hiện nay, 90% sản phẩm trong hệ thống bán lẻ trong hệ thống AEON Việt Nam là sản phẩm nội địa. Ngoài ra, tổng giá trị xuất khẩu sản phẩm của Việt Nam thông qua hệ thống bán lẻ của AEON đến Nhật Bản và các quốc gia khác (từ năm 2017 đến năm 2022) đạt hơn 2 tỷ USD. Để có thể tăng tốc mở rộng đầu tư tại Việt Nam, ông Furusawa mong muốn các thủ tục liên quan đến đầu tư có thể được đơn giản hóa. Trong đó, việc phối hợp và đưa ra các quyết định nhanh chóng từ chính quyền địa phương đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện, triển khai đầu tư.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Công ty Đầu tư CME Solar cho rằng, để thu hút dòng vốn đầu tư mới và đặc biệt là các dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao, Việt Nam cần có chính sách đầu tư thích hợp, hấp dẫn và môi trường kinh doanh thân thiện với các nhà đầu tư. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài có thể hợp tác với các đối tác hàng đầu trong nước để có thể dễ tiếp cận thị trường.
Theo ông Victor Ngo, Tổng Giám đốc Ngân hàng UOB Việt Nam, trong tương lai, Việt Nam có khả năng thu hút nhiều sự quan tâm hơn từ các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, sản xuất, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Kể từ khi Chính phủ đưa ra cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, các dự án FDI xanh vào Việt Nam đã tăng lên, tiềm năng sẽ tạo nên một làn sóng đầu tư giúp chuyển đổi nền kinh tế trong nước.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam vẫn là một điểm đến an toàn và hấp dẫn. Nhưng trong bối cảnh dòng đầu tư toàn cầu đang có xu hướng giảm, trong khi nhu cầu thu hút vốn đầu tư cho giai đoạn phục hồi và phát triển sau COVID-19 tăng cao, thì cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước đang phát triển sẽ diễn ra rất quyết liệt. Do vậy, để có thể đón làn sóng đầu tư mới, Việt Nam phải chuẩn bị sẵn các điều kiện, như mặt bằng sạch, hoàn thiện hạ tầng, năng lượng, nguồn cung lao động có tay nghề, nâng cao năng lực cho các DN trong nước để tham gia chuỗi giá trị… Phải chuẩn bị sẵn các gói chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư mới, trong bối cảnh thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng trong năm 2024, nhằm tăng tính cạnh tranh của môi trường đầu tư và hài hòa lợi ích của nhà đầu tư.