Nhà đầu tư KCN sạch Sóc Sơn không thực hiện đúng cam kết
Trường hợp nhà đầu tư tiếp chây ì, thiếu tích cực trong việc ứng kinh phí GPMB của Dự án, có thể đề xuất UBND Thành phố xem xét chấm dứt toàn bộ hoạt động; đồng thời tìm kiếm, kêu gọi nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thực hiện dự án theo quy định...
Đây là nội dung trả lời chất vấn của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền liên quan tới việc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK không thực hiện cam kết tài chính để thực hiện chi trả tiền công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) tại Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 25, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI nhiệm kỳ 2021-2026 diễn ra sáng 9/7, đại biểu Vũ Ngọc Anh đặt câu hỏi: Việc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK không thực hiện cam kết tài chính để thực hiện chi trả tiền công tác GPMB tại Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn đã gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án. Vậy trách nhiệm của Ban Quản lý các Khu công nghệ cao và khu công nghiệp thành phố Hà Nội trong việc thẩm định năng lực tài chính và giám sát việc thực hiện cam kết của nhà đầu tư này ở đâu?Đối với UBND Thành phố, đề nghị Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho biết, có xem xét phương án thay thế nhà đầu tư để cứu dự án không? Đồng thời đề nghị UBND Thành phố cho biết các giải pháp tổng thể đảm bảo thu hút các nhà đầu tư tại các khu công nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố?

Ông Vũ Ngọc Anh - Đại biểu HĐND TP. Hà Nội.
Nhà đầu tư đã bị xử phạt vì không thực hiện đúng cam kết
Trả lời câu hỏi này, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố Hà Nội Vũ Xuân Hùng cho biết, năm 2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu công nghiệp sạch Sóc Sơn theo quy định của Luật Đầu tư. Tiến độ thực hiện dự án không quá 36 tháng kể từ ngày được Nhà nước bàn giao đất.
Về đánh giá, thẩm định năng lực tài chính của nhà đầu tư là một trong số những nội dung đã được các cơ quan chuyên môn (Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT) thẩm định và cho ý kiến tại thời điểm thẩm định hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án và báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND TP. Hà Nội chỉ đạo Ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất TP. Hà Nội (nay là Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp Thành phố) hướng dẫn nhà đầu tư và quy định cụ thể tiến độ thực hiện dự án, tiến độ góp vốn và huy động các nguồn vốn, tiến độ xây dựng hạ tầng, tiến độ thực hiện từng giai đoạn theo cam kết của nhà đầu tư.
Thời gian qua, theo chức năng nhiệm vụ được giao và chỉ đạo của UBND Thành phố, Ban Quản lý đã chủ trì phối hợp các sở, ngành, huyện Sóc Sơn thường xuyên hướng dẫn, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; đồng thời đã có giám sát tổng thể quá trình triển khai thực hiện dự án của nhà đầu tư.
Thời điểm tháng 3/2024, Ban Quản lý đã có báo cáo giám sát đánh giá tổng thể về Dự án đầu tư báo cáo UBND Thành phố, trong đó đã có kiến nghị Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư xử lý vi phạm trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đối với Công ty DĐK (ngày 01/10/2024, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có quyết định số 639/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với nhà đầu tư với số tiền xử phạt: 60 triệu đồng).
Ban Quản lý cũng thường xuyên phối hợp với UBND huyện Sóc Sơn, các sở, ngành và đơn vị liên quan thường xuyên làm việc, đôn đốc chủ đầu tư phối hợp với chính quyền địa phương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trọng tâm là công tác GPMB thực hiện Dự án; Nhà đầu tư đã nhiều lần cam kết (với lãnh đạo UBND Thành phố, với Ban Quản lý, với huyện Sóc Sơn) nhưng không thực hiện đúng theo cam kết về việc bố trí kinh phí để huyện Sóc Sơn chi trả tiền GPMB cho người dân; điển hình, thời điểm tháng 04/2025, UBND huyện Sóc Sơn đã ban hành 04 quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB đối với phần diện tích 59.910 m², tương ứng với số tiền chi trả 42,3 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã thiếu tích cực trong phối hợp, bố trí kinh phí GPMB, dẫn đến UBND huyện Sóc Sơn phải hủy quyết định phê duyệt phương án bồi thường GPMB đã làm ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.
Đề xuất về giải pháp, Trưởng Ban Quản lý Khu công nghệ cao và Khu công nghiệp thành phố Hà Nội Vũ Xuân Hùng cho biết, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, trong đó trọng tâm là công tác GPMB; thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao, Ban Quản lý tiếp tục làm việc, yêu cầu nhà đầu tư nghiêm túc thực hiện trách nhiệm về triển khai thực hiện Dự án; trong đó yêu cầu nhà đầu tư tập trung nguồn lực, trọng tâm là nguồn lực tài chính để triển khai dự án.
Trường hợp nhà đầu tư tiếp tục chậm trễ, cố tình chây ì, thiếu hợp tác với chính quyền địa phương trong công tác GPMB, theo chỉ đạo của UBND Thành phố, Ban Quản lý sẽ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, các sở, ngành liên quan, UBND xã Kim Anh rà soát các nội dung quy định tại Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, các cam kết của nhà đầu tư; đối chiếu quy định tại điểm đ, Điều 47 Luật Đầu tư, tham mưu báo cáo UBND Thành phố quyết định ngừng một phần hoạt động của Dự án.
Trường hợp nhà đầu tư tiếp chây ì, thiếu tích cực trong việc ứng kinh phí GPMB của Dự án, Ban Quản lý có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND xã Kim Anh báo cáo, tham mưu, đề xuất UBND Thành phố xem xét, có thể chấm dứt toàn bộ hoạt động của Dự án theo quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư đồng thời tìm kiểm, kêu gọi Nhà đầu tư khác có đủ năng lực để thực hiện dự án theo quy định...
Sẽ thành lập khoảng 20 cụm công nghiệp trong năm 2025
Liên quan tới trách nhiệm của UBND Thành phố đối với tiến độ chậm trễ của Dự án Khu Công nghiệp sạch Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, trong quá trình triển khai, thành phố Hà Nội đã thường xuyên đôn đốc, giám sát tiến độ dự án, tổ chức 5 cuộc họp làm việc để tháo gỡ khó khăn, trong đó tập trung nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Tuy nhiên, phía nhà đầu tư vẫn còn biểu hiện chây ì, thiếu quyết liệt và gặp vấn đề về năng lực tài chính, đặc biệt trong việc bố trí nguồn vốn cho dự án. Thành phố đã tạo điều kiện để nhà đầu tư khắc phục các tồn tại, thúc đẩy tiến độ. Nếu tình trạng này không được cải thiện, Thành phố sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xử lý dứt điểm, đảm bảo nguyên tắc vừa tạo điều kiện hỗ trợ cho doanh nghiệp, vừa thể hiện rõ sự nghiêm minh trong công tác quản lý, điều hành.
Về các giải pháp thu hút các nhà đầu tư tại các khu công nghiệp, Phó Chủ tịch UBND Thành phố đưa ra các con số cụ thể:
Giai đoạn 2018-2020, trên địa bàn Thành phố thành lập 43 cụm công nghiệp, tổng diện tích 742ha. Đến nay, đã khởi công, động thổ được 34/43 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập và cung cấp mặt bằng sạch thu hút doanh nghiệp vào sản xuất trong 6 tháng cuối năm 2025 và năm 2026.
6 tháng đầu năm 2025 đã thành lập, mở rộng 9 cụm công nghiệp với diện tích 155,7ha; hiện Sở Công Thương đang tiếp tục phối hợp các đơn vị thẩm định các cụm công nghiệp đủ điều kiện, phù hợp quy hoạch để báo cáo UBND Thành phố chấp thuận (dự kiến năm 2025 sẽ thành lập khoảng 20 cụm công nghiệp).
Với định hướng phát triển khu công nghiệp (khu công nghệ cao, khu công nghệ cao sinh học), cụm công nghiệp, Thành phố sẽ tạo quỹ đất để các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đầu tư, mở rộng sản xuất nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh của Thành phố về chất lượng nguồn nhân lực, các làng nghề truyền thống, góp phần tăng giá trị sản xuất ngành công nghiệp trong thời gian tới, tạo nguồn thu ngân sách bền vững cho Thành phố, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2026 trở đi đạt hai con số.
Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghiệp sạch Sóc Sơn, TP. Hà Nội (Dự án) do Công ty Cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng DĐK (Công ty DĐK) làm Chủ đầu tư, được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 03/4/2021; quy mô diện tích: 302,8ha; tổng vốn đầu tư: 3.226,92 tỷ đồng; địa điểm: xã Minh Trí và xã Tân Dân, huyện Sóc Sơn (nay là xã Kim Anh), TP. Hà Nội.