Nhà đầu tư không còn hào phóng 'xuống tiền', doanh nghiệp EdTech ngày càng gặp khó
Trong bối cảnh nhà đầu tư giới hạn lại danh mục đầu tư, ngày càng 'soi' kỹ hoạt động của doanh nghiệp, không hào phóng 'xuống tiền' như trước, các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ giáo dục (EdTech) phải biết tận dụng cơ hội trong khó khăn, tạo sự khác biệt trong các sản phẩm, dịch vụ của mình...
Nhà đầu tư không còn hào phóng
Theo ông Nguyễn Trí Hiển - Chủ tịch Công ty EdTech Agency, trong 3 năm gần đây, số lượng đầu tư vào công nghệ giáo dục (EdTech) Việt Nam tăng cả về chất lượng và số lượng, luôn trên 100 triệu USD trở lên. EdTech được coi là điểm sáng trong mùa gọi vốn EdTech Việt Nam và thị trường startup nói chung.
Hiện nhiều đơn vị trên thế giới cũng quan tâm đến thị trường EdTech Việt Nam. Cụ thể, Hàn Quốc cũng đang tổ chức 2 - 3 hội thảo tại Việt Nam. Một số đơn vị khác như Nhật Bản, Australia, Singapore thường xuyên quan tâm đến thị trường Việt Nam. Có thể nói, thế giới đã và đang có sự quan tâm nhất định đến thị trường EdTech Việt Nam.
Ông Vương Nhật Anh - Giám đốc Quỹ Đầu tư Do Venture - đơn vị đã đồng hành cùng nhiều doanh nghiệp (DN) EdTech Việt Nam nhìn nhận, hiện tại EdTech trên thế giới không phải ở giai đoạn tươi sáng, rực rỡ nhất. Các DN nổi tiếng về EdTech của Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, hiện đang gặp phải rất nhiều khó khăn và không quá phát triển như trước.
"Tuy nhiên, nhìn vào Việt Nam, điểm tích cực là sự quan tâm, đầu tư cho giáo dục vẫn luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của mỗi gia đình. Do đó, sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với mảng giáo dục Việt Nam vẫn rất lớn. Dù vậy, các nhà đầu tư không thoải mái và hào phóng như trước dù mức độ quan tâm vẫn rất lớn", Giám đốc Quỹ Đầu tư Do Venture nhìn nhận.
Nắm bắt cơ hội trong khó khăn
Đồng tình với quan điểm này, bà Đào Lan Hương - Giám đốc điều hành Teky chia sẻ, thị trường EdTech Việt Nam có tiềm năng lớn với 22 triệu người trong độ tuổi đi học, 1 năm Chính phủ chi khoảng 15% ngân sách cho giáo dục và mỗi gia đình chi khoảng 38% ngân sách đầu tư vào giáo dục.
Tuy vậy, thực sự tình hình thị trường hiện nay khá ảm đạm, có thể gọi là "mùa đông gọi vốn". Các DN làm trong lĩnh vực giáo dục hiện đang rất vất vả để xoay sở và tiếp tục phát triển hoạt động kinh doanh. Nhiều DN đã đóng cửa và phụ huynh rất nhạy cảm về vấn đề giá. Tỷ lệ tuyển mới hay tái tục học sinh đều có dấu hiệu suy giảm. Đây là diễn biến chung của rất nhiều DN giáo dục ở thị trường Việt Nam hiện nay.
"Song chúng ta vẫn có các thương vụ có nghĩa là nếu DN nào hoạt động tốt, có đường lối, chiến lược phát triển tốt thì vẫn tiếp tục được nhà đầu tư xuống tiền", bà Hương nêu.
Để có được những cơ hội này, Giám đốc điều hành Teky - người được coi là nhà đầu tư "mát tay" cho rất nhiều các startup khác nhau cho rằng, nhà đầu tư luôn nhìn vào miếng bánh lớn, quy mô thị trường lớn để quyết định thực sự, sau đó mới tiếp tục tìm hiểu phân khúc thị trường.
Đánh giá dự án, nhà đầu tư sẽ nhìn đến những yếu tố khác như sản phẩm. Họ tìm hiểu xem sản phẩm có độc đáo, tạo sự khác biệt hay không, liệu có cơ hội thâm nhập thị trường. Do đó, đội ngũ của DN phải rất có kinh nghiệm, có năng lực và đặc biệt trong giai đoạn này DN phải chứng tỏ được khả năng xoay sở tình hình kinh doanh, tài chính, không phụ thuộc vào việc gọi vốn của quỹ.
"Khi gọi vốn, nếu DN cho thấy bức tranh tài chính yếu, cứ phải gọi vốn thành công thì DN mới tồn tại được thì chắc chắn trong thời điểm này các DN khởi nghiệp rất khó được nhà đầu tư xuống tiền. Để xoay sở trong tình huống khó khăn hiện nay, DN có thể tìm cách cắt giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động của nhân viên. DN phải chứng minh được tất cả những điều này trong quá trình làm việc với quỹ, chủ động chứng minh năng lực quản trị, điều hành của mình. Đội ngũ phải chứng minh được trong tương lai DN sẽ ra sao", bà Hương gợi ý.
Cũng theo bà Hương, khi tiến hành lựa chọn startup để xuống tiền, các nhà đầu tư có xu hướng quan tâm đến chỉ tiêu phát triển bền vững và ảnh hưởng xã hội. Nếu DN bảo đảm yếu tố giúp đỡ cho học sinh vùng sâu, vùng xa, phụ nữ, chuyển đổi xanh và phát triển bền vững và xanh thì có thể mở rộng được danh mục các nhà đầu tư.
Thực tế cho thấy, ngày càng ngày nhiều nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố tạo tác động xã hội và lựa chọn các DN bảo đảm yếu tố ảnh hưởng xã hội.
"Với EdTech, ngoài chuyện nghĩ đến công nghệ, phụ huynh và học sinh, nếu nêu bật được giá trị xã hội khác biệt mà chúng ta có thể đem đến, đặc biệt cho những đối tượng yếu thế thì đây là một trong những điểm cộng có thể mở rộng danh mục đầu tư. Quyết định lựa chọn của bản thân Teky cũng nhìn trên các yếu tố chính như vậy để đầu tư. Điều này đã giúp Teky đầu tư thành công thời gian qua", Giám đốc điều hành Teky nhấn mạnh.
Đến từ đơn vị vừa gọi vốn thành công, ông Phạm Quang Tú - Giám đốc Điều hành Prep cho biết, trải qua quá trình thương thảo kéo 3 -4 tháng, Prep đã gọi vốn thành công với khoản vốn đầu tư trị giá 7 triệu USD vào tháng 5/2024.
Theo chia sẻ của ông Tú, trong quá trình Prep gọi vốn vào năm 2022 - 2023, ông nhận thấy các nhà đầu tư chủ yếu nghe câu chuyện từ nhà sáng lập, họ cảm thấy hợp và yên tâm về con người này thì họ xuống tiền và xuống tiền nhanh hơn. Nhưng ở thời điểm sau, họ soi rất kỹ toàn bộ hồ sơ sổ sách, tài chính của công ty. Nhà đầu tư để ý tới những điều rất rất nhỏ và mọi thứ đều được soi kỹ hơn.
"Thật ra các thương vụ vẫn diễn ra nhưng hiện giờ nhà đầu tư giới hạn lại danh mục đầu tư. Theo đó, DN phải đáp ứng một số yêu cầu, tiêu chuẩn ngày càng khắt khe hơn của họ. Cá nhân tôi đánh giá, sự thay đổi này vừa là cơ hội vừa là thử thách cho mỗi người làm khởi nghiệp, Khi tiếp cận dòng tiền khó như vậy, các nhà khởi nghiệp và đội ngũ của họ phải nghĩ được ra những cách để có thể vận hành DN tốt hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và mang lại tác động xã hội, cộng đồng lớn hơn", ông Tú đánh giá.
Cũng theo ông Tú, đây là thời điểm để các DN có thể làm tốt bởi sự xuất hiện của AI. DN có thể áp dụng AI để tiết giảm chi phí và tạo ra ảnh hưởng lớn.