Nhà đầu tư 'loay hoay' huy động vốn cho dự án năng lượng tái tạo
Nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của thị trường tài chính xanh ở Việt Nam đến từ khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, nhiều nút thắt và các thông tin bất đối xứng, thiếu nhất quán.
Sáng 31/10, Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam: Những rào cản, vấn đề cấp bách và giải pháp đột phá" góp phần thực hiện các chủ trương về tăng trưởng xanh toàn diện để đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
TS. Bùi Quỳnh Thơ, Đại biểu Quốc hội khóa XV, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết chuyển đổi sang kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan, không thể đảo ngược, là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và đảm bảo an toàn công bằng về xã hội.
Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng và Nhà nước ta. Để đạt được các mục tiêu về tăng trưởng xanh, Việt Nam cần nguồn lực lớn. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (2022) theo đuổi lộ trình phát triển kết hợp khả năng chống chịu và phát thải ròng bằng 0, Việt Nam cần khoản đầu tư tương đương khoảng 6,8% GDP mỗi năm, khoảng 368 tỷ USD Mỹ cho đến năm 2040.
Điều này đòi hỏi phải có các cơ chế, chính sách và giải pháp huy động nguồn vốn trong và ngoài nước, thúc đẩy phát triển thị trường tài chính xanh, khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.
Việt Nam xếp thứ 54/166 quốc gia về Chỉ số phát triển bền vững
Thông tin cụ thể về thuận lợi và thách thức phát triển thị trường tài chính trong bối cảnh mới, TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, trong xếp hạng toàn cầu về Chỉ số phát triển bền vững công bố năm 2024, Việt Nam đạt điểm số 73,32 và xếp thứ 54/166 quốc gia được xếp hạng. Điểm số và vị trí của Việt Nam có sự cải thiện so với xếp hạng năm 2023.
Thị trường tài chính Việt Nam có sự tăng trưởng khá nhanh về quy mô so với trình độ phát triển và quãng thời gian từ khi thành lập thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, các thị trường đều sơ khai, nhỏ so với thị trường tài chính truyền thống, nhất là tăng trưởng tín dụng xanh, trái phiếu xanh, cổ phiếu ESG. Thị trường tài chính carbon cũng mới bước đầu hình thành ở địa phương.
Mức phát thải đầu người ở Việt Nam tăng trong giai đoạn 1950-1970, giảm trong những năm 1980 và tăng khá mạnh, rõ nét từ đầu 1990, có thể chủ yếu do tác động của chiến tranh và quá trình công nghiệp hóa.
Về thuận lợi phát triển thị trường tài chính xanh ở Việt Nam. TS. Lê Xuân Sang cho biết cam kết của cộng đồng quốc tế, trong đó có nước ta về chống biến đổi khí hậu, giảm phát thải ròng về 0, tăng trưởng xanh, tăng trưởng bền vững rất mạnh mẽ.
Điều này dẫn đến yêu cầu đổi mới công nghệ, đầu tư ngày càng tăng vào sản phẩm, dịch vụ xanh có thể tạo ra các nguồn tăng trưởng, khả năng cạnh tranh và tạo việc làm mới. Số lượng tầng lớp trung lưu tạo ra nhu cầu lớn về môi trường sạch, thân thiện, đầu tư có trách nhiệm giúp thúc đẩy lượng vốn đầu tư nắm bắt nhu cầu này.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn khi hình thành thị trường tài chính xanh, bởi những dấu hiệu làm chậm xu thế chuyển đổi xanh do tác động của biến động địa chính trị, kinh tế, nhất là chiến sự Nga - Ukraine.
Việc thực hiện tăng trưởng kép (kinh tế xanh, kinh tế số) gặp khó khăn do phát thải carbon quá lớn. Kinh tế thế giới sau tác động của đại dịch, xung đột, đình trệ/suy thoái đang phải dồn nguồn lực cho phục hồi làm trì hoãn nguồn vốn cho tăng trưởng/chuyển đổi xanh.
Việc quy hoạch, khung pháp lý, quy định đối với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn nói chung ở Việt Nam mới bắt đầu đi vào hoạt động, gây cản trở đầu tư nói chung. Hệ thống thông tin về kinh tế xanh, tài chính xanh còn thiếu, không nhất quán và ít được kiểm định chặt chẽ, đáng tin cậy.
"Rối" thông tin gây cản trở đầu tư
Nói riêng về thách thức với các nhà đầu tư Việt Nam, TS. Lê Xuân Sang cũng nêu lên cản trở bởi thông tin bất đối xứng, thiếu, không nhất quán khiến việc quyết định đầu tư khó khăn, nhất là trong tín dụng xanh, trái phiểu xanh và cổ phiếu xanh.
Trong đánh giá rủi ro, việc định giá tài chính xanh gặp khó khăn do thiếu tiêu chuẩn hóa và thiếu dữ liệu sẵn có, thiếu quy định rõ ràng, khó nhận biết, rạch ròi công ty xanh “rởm” hoặc tẩy xanh.
Các nhà đầu tư Việt Nam khó huy động vốn, nhất là cho dự án năng lượng tái tạo do quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng khống chế hạn mức tín dụng tối đa (15% vốn điều lệ khi cho vay).
Khó khăn trong việc xác định rủi ro, mức độ hiệu quả chuyển đổi nâu sang xanh, nhất là khi thiếu về năng lực phân tích, số liệu, thông tin... liên quan. Danh mục xanh chậm ra đời, chưa đầy đủ, khó xác định đầu tư. Cơ hội đầu tư lĩnh vực khác có thể lớn hơn trong các ngành quen thuộc, có lợi nhuận kỳ vọng lớn hơn, rủi ro ít hơn.
TS. Nguyễn Bá Hùng, Kinh tế gia trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) Việt Nam khẳng định tài chính xanh ngoài đầu tư sinh lời còn cần quan tâm đến tác động xã hội trong các hoạt động kinh tế, phát triển bao trùm đến các cộng đồng kém thuận lợi hơn.
Từ đó, ông Hùng nêu các hàm ý cho Việt Nam trong xây dựng thị trường tài chính xanh. Thứ nhất, xây dựng khuôn khổ pháp lý về kinh tế xanh, trong đó có các ngành kinh tế không chỉ riêng tài chính xanh.
Thứ hai, tài chính xanh quốc tế đang phát triển tương đối sôi động nhưng ở Việt Nam còn nhiều khó khăn, do đó, cần chủ động tiếp cận các nguồn vốn quốc tế thông qua hợp tác song phương và các tổ chức tài chính quốc tế để thu hút nguồn vốn vào nước ta. Thứ ba, xác định mục tiêu định lượng cụ thể phù hợp với cam kết quốc tế của Việt Nam, tạo động lực phát triển tài chính xanh.
Thứ tư, đẩy nhanh tiến độ thực hiện xác nhận chứng chỉ carbon, hình thành thị trường carbon trong nước và kết nối với thị trường carbon quốc tế. Cuối cùng, Chính phủ có thể có những bước đi tiên phong trong việc phát hành trái phiếu xanh, trên cơ sở hệ thống quản lý chi ngân sách cho các hạng mục xanh.