Nhà đầu tư mua trái phiếu 3 công ty thuộc Tân Hoàng Minh cần yêu cầu trả tiền trong vòng 60 ngày

Nghị định 128/2021/NĐ-CP cho phép các nhà đầu tư cá nhân quyền nhận lại tiền mua trái phiếu doanh nghiệp và quyền yêu cầu các công ty thuộc Tân Hoàng Minh bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, yêu cầu bồi thường thiệt hại phải gửi đến công ty này trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định xử lý từ cơ quan có thẩm quyền.

Đây là thông tin liên quan về vụ hủy 9 đợt trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh của Luật sư Trần Minh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Luật Basico.

*PV: Thưa ông, là một chuyên gia hoạt động trong ngành Luật nhiều năm, ông có bình luận gì về quyết định hủy 9 đợt phát hành của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đang nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận vừa qua?

Ông Trần Minh Hải: Theo quy định hiện hành, việc chào bán trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ phải tuân thủ đầy đủ các quy định tại Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Trong trường hợp 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh đều là 3 công ty chưa đại chúng, nên căn cứ theo quy định, khi phát hành trái phiếu riêng lẻ không thuộc diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý và chấp thuận hồ sơ phát hành trái phiếu.

Tuy nhiên, căn cứ đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 9 Luật Chứng khoán quy định thẩm quyền của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) “đình chỉ, hủy bỏ liên quan đến hoạt động về chứng khoán và thị trường chứng khoán”, nên cơ quan này đã ban hành quyết định hủy bỏ 9 đợt chào bán trái phiếu riêng lẻ của 3 công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh.

Bên cạnh đó, theo Nghị định 128/2021/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung Nghị định 156/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, UBCKNN vẫn có quyền xử lý trong trường hợp này. Theo đó, UBCKNN có quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc thu hồi chứng khoán đã phát hành, hoàn trả tiền cho nhà đầu tư.

Biện pháp này được quy định áp dụng trong một số trường hợp như: Công ty phát hành sử dụng tiền thu được từ chào bán không đúng với phương án, nội dung đã công bố thông tin cho nhà đầu tư, thay đổi điều kiện trái phiếu đã phát hành,…

Do vậy, tôi cho rằng, quyết định hủy 9 lô phát hành có thể vì công ty phát hành rơi vào những trường hợp quy định xử lý bằng biện pháp này.

Luật sư Trần Minh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Luật Basico.

*PV: Thưa ông, thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ thị trường và dư luận, điển hình như nhiều doanh nghiệp bị phạt nặng, trước đây là Apec Group và mới đây các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh... Ông có đánh giá thế nào về động thái mạnh mẽ này của cơ quan quản lý nhà nước đối với thị trường này, cũng như bảo vệ nhà đầu tư?

Ông Trần Minh Hải: Có một thực tế liên thông trên hai thị trường gồm thị trường vốn, thị trường tài chính thời gian qua, đó là hiện tượng huy động vốn dân cư qua kênh phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Trái phiếu được bán lần đầu cho các định chế tài chính như ngân hàng, các công ty chứng khoán rồi sau đó “xé lẻ” và chuyển nhượng tới đa số các nhà đầu tư cá nhân dưới nhiều kênh huy động.

Nhìn vào bản chất, người trả tiền cuối cùng cho các đợt phát hành chính là các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu. Dưới hình thức này, công ty phát hành huy động vốn dễ dàng hơn nhiều so với vay vốn từ các ngân hàng. Đối với giới ngân hàng, các công ty chứng khoán thì đạt được lợi nhuận, doanh thu khi tham gia chặng đầu giao dịch nhưng lại không gánh chịu rủi ro. Cuối cùng nguy cơ hậu quả thuộc về cộng đồng cá nhân mua trái phiếu doanh nghiệp. Thay vì gửi tiền vào các ngân hàng, họ mua trái phiếu nhằm hưởng lãi suất cao mà đa phần không lường trước được sự quản lý rủi ro tín dụng lỏng lẻo đối với trái phiếu. Thực tế này sẽ gây nên những bất thường nghiêm trọng trong tương lai trên cả thị trường tài chính lẫn thị trường vốn.

Nếu như 9 lô trái phiếu của các công ty thuộc Tân Hoàng Minh bị hủy vừa qua có những đặc điểm như hiện tượng thực tế nêu trên, thì tôi cho rằng, động thái của cơ quan quản lý là cần thiết. Đã đến lúc, chúng ta cần có những biện pháp mạnh để chấn chỉnh thị trường và bảo vệ quyền lợi cho các bên tham gia, đặc biệt là các nhà đầu tư cá nhân.

*PV: Thưa ông, trong bối cảnh này, phía bên các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh cần làm gì để đảm bảo đúng luật và đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đã mua trái phiếu của mình?

Ông Trần Minh Hải: Theo lý thuyết, các công ty thuộc Tập đoàn Tân Hoàng Minh có quyền khiếu nại nếu cho rằng mình không thuộc trường hợp phải áp dụng biện pháp hủy các đợt trái phiếu đã phát hành. Trường hợp không phản đối với quyết định từ phía Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tập đoàn này sẽ phải thực hiện theo quy định là hoàn trả tiền cho nhà đầu tư và bồi hoàn thiệt hại khi nhận được yêu cầu của nhà đầu tư.

*PV:Còn về phía nhà đầu tư đã “nhỡ” mua một trong các lô trái phiếu đó, thì nên làm thế nào để đòi lại quyền lợi của mình, thưa ông?

Ông Trần Minh Hải: Nghị định 128/2021/NĐ-CP cho phép các nhà đầu tư cá nhân quyền nhận lại tiền mua trái phiếu và quyền yêu cầu công ty phát hành bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, yêu cầu bồi thường thiệt hại phải gửi đến công ty phát hành trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày có quyết định xử lý như trên của UBCKNN.

*PV:Theo quy định pháp lý, doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn và đảm bảo khả năng trả nợ. Vậy, theo ông, trong trường hợp các doanh nghiệp phát hành không tự trả được, thì trách nhiệm, nguy cơ của các “con nợ”, “chủ nợ” và “người trung gian” (tư vấn phát hành, phân phối) sẽ như thế nào?

Ông Trần Minh Hải: Tôi cho rằng, nguy cơ lớn nhất thuộc về những cá nhân mua trái phiếu - chủ nợ. Phải nói rằng, những người mua trái phiếu này không phải là chủ nợ chuyên nghiệp như giới ngân hàng. Giới ngân hàng khi cấp tín dụng, thì trải qua trình tự đánh giá thẩm định doanh nghiệp vô cùng chặt chẽ, cộng thêm chỉ giải ngân nếu nắm chắc được tài sản bảo đảm đủ xử lý trong trường hợp nợ xấu. Tuy nhiên, nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu hiếm khi nhận thức rõ ràng các vấn đề rủi ro về năng lực tài chính, phương án kinh doanh, thậm chí tài sản bảo đảm có hay không giá trị đủ để xử lý nợ.

Do vậy, khi tình trạng doanh nghiệp không trả được nợ hậu quả sẽ phát sinh hết cho người mua trái phiếu.

Đối với giới trung gian tư vấn, trách nhiệm của họ giới hạn trong phạm vi những vấn đề cam kết cùng doanh nghiệp phát hành. Khó mà đòi hỏi về trách nhiệm của họ. Điều cần thiết đó là sự kiểm soát lại trật tự tham gia vào phân phối trái phiếu trên thị trường thứ cấp của những tổ chức trung gian như ngân hàng, công ty chứng khoán.

*PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nha-dau-tu-mua-trai-phieu-3-cong-ty-thuoc-tan-hoang-minh-can-yeu-cau-tra-tien-trong-vong-60-ngay-103111.html