Nhà đầu tư Mỹ nhìn nhận tích cực về môi trường đầu tư của Việt Nam
Các nhà phân tích đầu tư của Mỹ cho rằng có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy hợp tác đầu tư và thương mại giữa Việt Nam và Mỹ.
Các nhà phân tích Mỹ thảo luận tại Hội nghị.
Tại Hội nghị thượng đỉnh Kinh doanh 2022 của AmCham châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Hà Nội vào ngày 20/5, các nhà phân tích từ Mỹ cho rằng, ngoài sự phát triển của hạ tầng, việc Mỹ trao tặng 40 triệu liều vắc-xin Covid-19 cho Việt Nam và việc các doanh nhân và chuyên gia Mỹ được tiêm các vắc-xin như Pfizer và Moderna giúp họ yên tâm hơn khi làm việc ở Việt Nam cũng là tín hiệu tốt cho hợp tác đầu tư kinh doanh.
Ông John Lichtefeld, Phó chủ tịch The Asia Group (Mỹ) - công ty tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở châu Á - cho biết, Việt Nam là thị trường mà ông đặc biệt dành nhiều sự quan tâm trong vài tháng trở lại đây khi vấn đề an ninh chuỗi cung ứng nổi lên.
"Các nhà đầu tư Mỹ vẫn đang nhìn nhận tích cực về môi trường đầu tư ở Việt Nam và họ kỳ vọng đầu tư vào Việt Nam có thể mang lại lợi nhuận hơn nữa", ông John Lichtefeld cho biết.
Sự quan tâm của các nhà đầu tư Mỹ vào thị trường vốn tư nhân, mua cổ phần và thiết lập liên doanh tại Việt Nam ngày càng lớn trong khi đó các lĩnh vực như thương mại điện tử, năng lượng, và công nghệ số cũng đang được các nhà đầu tư Mỹ chú ý.
Trao đối với phóng viên Báo Đầu tư, Ông John Lichtefeld cho biết, có hai yếu tố quan trọng sẽ giúp thúc đẩy quá trình đầu tư và thu hút dòng vốn từ Mỹ. Thứ nhất, Chính phủ Việt Nam cần tham gia hơn nữa vào việc bàn thảo các khung hợp tác kinh tế để mở ra những lộ trình mới cho nhà đầu tư cũng như hợp tác kinh tế song phương với Mỹ, từ đó mang lại thêm cơ hội đầu tư và tạo thuận lợi cho phát triển chuỗi cung ứng.
Yếu tố thứ hai mà Phó chủ tịch The Asia Group lưu ý là Việt Nam cần tiếp tục tạo thuận lợi hơn nữa về môi trường đầu tư kinh doanh để các doanh nghiệp Mỹ không chỉ đến đầu tư và còn mở rộng hợp tác ngay tại Việt Nam.
Nhà tư vấn đầu tư Mỹ cũng kỳ vọng hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam và Hoa Kỳ sớm có hiệu lực.
Sau 10 năm đàm phán, Việt Nam và Mỹ đã ký Hiệp định tránh đánh thuế hai lần vào tháng 7/2015. Đến tháng 2/2017, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết 29/NQ-CP về phê duyệt Hiệp định và Nghị định thư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ về tránh đánh thuế hai lần và ngăn ngừa việc trốn lậu thuế đối với các loại thuế đánh vào thu nhập. Nhưng, phía chính phủ Hoa Kỳ vẫn chưa phê chuẩn hiệp định này.
"... Chúng tôi đang trông đợi vào hiệp định chính thức mà hai bên đã ký về tránh đánh thuế hai lần. Mọi quốc gia đều mong muốn áp dụng hiệp định tránh đánh thuế hai lần để thúc đẩy thương mại, nhưng hiện chúng ta vẫn chưa đạt được (hiệp định có hiệu lực - PV)…", ông Frederick Burke, cố vấn cấp cao tại Công ty luật đa quốc gia Baker McKenzie (Mỹ) bày tỏ.
Đầu tháng này, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 662/QĐ-BTC về Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 2072/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Rà soát đánh giá hiệu quả của Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tác động đối với không gian chính sách thuế của Việt Nam và định hướng điều chỉnh".
Theo kế hoạch từ nay đến tháng 3/2023, phía Việt Nam sẽ rà soát toàn bộ các hiệp định thuế đã ký; phân tích và đánh giá các điều khoản không còn phù hợp với tình hình mới của từng hiệp định thuế; và đề xuất bổ sung những điều khoản chưa có trong hiệp định, sửa đổi hoặc hủy bỏ các điều khoản không còn phù hợp tại từng hiệp định đã ký dưới hình thức đàm phán, ký Nghị định thư sửa đổi, bổ sung Hiệp định đã ký.