Nhà đầu tư Nhật mở rộng 'khẩu vị' vào lĩnh vực năng lượng xanh
Cùng với việc mở rộng đầu tư các ngành 'truyền thống' như công nghiệp chế tạo, thương mại dịch vụ, các nhà đầu tư Nhật Bản có xu hướng mở rộng 'khẩu vị' đầu tư vào các dự án năng lượng 'xanh' tại Việt Nam.
Trải qua 50 năm thiết lập, quan hệ ngoại giao giữa Nhật Bản và Việt Nam chứng kiến nhiều câu chuyện thành công về đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp, doanh nhân Nhật Bản tại Việt Nam, như Acecook, Honda, Ajinomoto… Họ đầu tư nhiều và rất thành công trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo, bán lẻ, thương mại dịch vụ và sản xuất hàng tiêu dùng.
Thành công về đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản được thể hiện qua con số hơn 5.000 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam (tính đến giữa năm 2023), với tổng vốn đầu tư hơn 70 tỷ USD, đứng thứ 3/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản đều cam kết đưa phát thải ròng bằng 0 (Net-Zero) vào năm 2050. Với mục tiêu chung như vậy, doanh nghiệp mỗi bên có thể bắt tay nhau để cùng nắm bắt cơ hội kinh doanh liên quan đến Net-Zero. Nhật Bản có thế mạnh về công nghệ, công nghiệp nặng và tổ chức thực hiện dự án quy mô lớn. Việt Nam có thế mạnh về nguồn nhân lực trẻ đã qua đào tạo và chi phí sản xuất thấp.
Theo đó, doanh nghiệp các ngành phát thải lớn có thể nhân cơ hội này bắt tay nhau để sản xuất và cung ứng cho thị trường Việt Nam, ASEAN, Nhật Bản và các thị trường khác dựa trên thế mạnh của mỗi bên và tổ chức sản xuất tại Việt Nam để hưởng chi phí thấp. Các ngành mà doanh nghiệp hai bên có thể hợp tác là năng lượng (hydrogen, ammonia xanh), vận tải, vật liệu xây dựng.
Để có cơ sở thực hiện, Chính phủ và các địa phương mỗi nước có thể làm các dự án hợp tác đầu tư kiểu mẫu ở mỗi lĩnh vực, để doanh nghiệp hai nước tham khảo câu chuyện thành công về phát triển bền vững. Sức trẻ của nền kinh tế Việt Nam chính là động lực phát triển cho nền kinh tế già và tăng trưởng chậm của Nhật Bản và ngược lại, kinh nghiệm tích lũy, sức mạnh công nghệ và tài chính của Nhật Bản sẽ giúp Việt Nam rất nhiều.
Hiện đã có doanh nghiệp Nhật Bản tìm kiếm các đối tác tại Việt Nam để hợp tác phát triển năng lượng hydrogen hoặc phát triển loại hình dịch vụ ô tô bay - các lĩnh vực mới mà doanh nghiệp Nhật Bản hướng tới. Các nhà đầu tư Nhật Bản vẫn mong chờ các quy định chi tiết sau Quy hoạch Điện VIII và Chương trình Mua bán điện trực tiếp (DPPA) được triển khai.
Thời gian qua, Tập đoàn Năng lượng JERA (Nhật Bản) đã đến Việt Nam tìm kiếm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực điện khí, điện gió ngoài khơi. Chính phủ Nhật Bản đã cung cấp vốn cho Tập đoàn Toda để thực hiện các nghiên cứu về tiềm năng điện gió nổi ngoài khơi ở Việt Nam, trên cơ sở đó Toda đề xuất việc xây dựng trạm đo gió tại vùng biển Bình Thuận.
Ngoài ra, Tập đoàn Công nghiệp nặng IHI và Maeda được Bộ Kinh tế Công thương Nhật Bản cấp vốn thực hiện nghiên cứu về hydrogen xanh và ammonia xanh tại Việt Nam. Tập đoàn EREX tham gia đầu tư phát triển dự án điện sinh khối từ trấu tại Hậu Giang và đang mở rộng tìm kiếm dự án tại Thanh Hóa, Yên Bái, Bình Định.
Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cũng có thể đầu tư vào Nhật Bản. Để thành công tại thị trường Nhật Bản, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu thị trường, dựa trên thế mạnh của mình để cung ứng và tổ chức sản xuất hợp lý nhằm hưởng các ưu đãi. Doanh nghiệp Việt cũng có thể tìm kiếm các cơ hội mua bán, sáp nhập (M&A) tại Nhật Bản để mở rộng thị trường và mua lại các thương hiệu lâu năm của ngành tiêu dùng và bán về thị trường Việt Nam.
Để tạo thuận lợi cho việc đầu tư giữa hai nước, Chính phủ Việt Nam cần đàm phán về chính sách visa cho người Việt vào Nhật Bản. Hiện công dân Việt Nam có nhu cầu vào Nhật Bản tham quan du lịch hoặc đi lại ngắn ngày vẫn phải xin visa, trong khi phía Việt Nam đã miễn visa cho công dân Nhật từ khá lâu. Việc “cởi trói” visa cho công dân Việt Nam vào Nhật Bản sẽ làm tăng giao thương giữa hai nước và làm giảm vấn nạn lao động bỏ trốn tại Nhật Bản.