Nhà đầu tư nước ngoài đang đầu tư mạnh vào bất động sản Việt Nam
Giữa lúc doanh nghiệp bất động sản trong nước vật lộn trong khó khăn, một số nhà đầu tư nước ngoài đã chớp thời cơ thâu tóm dự án bất động sản.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho rằng, bất động sản Việt Nam vẫn là một thị trường đầy hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Thời gian vừa qua, các doanh nghiệp bất động sản trong nước gặp khó khăn lớn về nguồn vốn phát triển và đó là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường bằng cách thâu tóm các dự án tốt với mức giá hấp dẫn, chuẩn bị cho một chu kỳ phát triển mới.
Cách nhà đầu tư ngoại đầu tư vào thị trường Việt Nam
Thay vì mua đứt dự án, phần lớn các nhà đầu tư thường lựa chọn mua một lượng lớn cổ phần hoặc nhận chuyển nhượng một phần trong các dự án đại đô thị. Tiêu biểu có thể kể đến Tập đoàn Keppel Land đã chi 50,4 triệu USD mua 65% cổ phần công ty nắm giữ một dự án bất động sản thương mại tại Hà Nội. Công ty này cũng mua 49% cổ phần hai dự án dân cư ở TP HCM từ Công ty CP Đầu tư và kinh doanh nhà Khang Điền với tổng giá trị 136 triệu USD.
Trước đó, Keppel Land thông qua công ty thành viên Monestine Pte. Ltd đã ký kết thỏa thuận với Công ty CP Địa ốc Phú Long để mua 60% cổ phần trong ba lô đất có tổng diện tích 6,2ha ở huyện Nhà Bè, TP HCM.
Đầu năm 2022, Keppel Land cũng ký thỏa thuận hợp tác với Phú Long để mua 49% cổ phần tại ba khu đất thuộc khu đô thị Mailand Hanoi City với tổng giá trị 2.715 tỷ đồng.
Một trong số ít những trường hợp thâu tóm toàn bộ cổ phần dự án là Gamuda Land mua lại 100% cổ phần trị giá 316 triệu USD của Công ty CP Bất động sản Tâm Lực hồi tháng 7/2023.
Bên cạnh đó, với các dự án lớn, chủ đầu tư trong nước thường thành lập một pháp nhân để sở hữu một phần dự án, sau đó chuyển nhượng cổ phần của pháp nhân này cho nhà đầu tư nước ngoài. Cách làm này thường nhanh hơn chuyển nhượng dự án.
Điển hình như CapitaLand mua một công ty sở hữu 56.208m2 đất tại một dự án đại đô thị ở phía Tây Hà Nội để phát triển dự án nhà ở.
Cũng có trường hợp nhận chuyển nhượng dự án trực tiếp như Sycamore Company từ Singapore mua 18,9ha đất từ Becamex IDC tại Bình Dương với giá 240 triệu USD để phát triển dự án nhà ở.
Xu hướng hợp tác cùng phát triển
Mới đây, Tập đoàn Hưng Thịnh và Tập đoàn Marubeni (Nhật Bản) đã ký kết hợp tác đầu tư phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam. Dự án khởi đầu tọa lạc tại trung tâm hành chính mới của TP Thủ Đức có tổng mức đầu tư dự kiến trên 10.000 tỷ đồng.
Giám đốc một quỹ đầu tư bất động sản của Singapore lý giải về xu hướng mua lại cổ phần dự án của các doanh nghiệp ngoại, là do các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào thị trường bất động sản Việt thường có xu hướng hợp tác, cùng phát triển thay vì thâu tóm.
Bất động sản là một lĩnh vực rất đặc thù, nên các nhà đầu tư bất động sản cần hiểu pháp lý, môi trường đầu tư, kinh doanh, các thủ tục hành chính và thị trường trong nước. Chính vì vậy, nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào các dự án bất động sản cần hợp tác với các nhà đầu tư trong nước để triển khai dự án thuận lợi.
Phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài khi vào dự án chỉ nắm giữ cổ phần, hợp tác đầu tư, mà không có xu hướng thâu tóm dự án như ở lĩnh vực bán lẻ.
Xét về thế mạnh, nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về vốn, kinh nghiệm phát triển dự án bất động sản. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước có lợi thế về am hiểu thủ tục pháp lý, thủ tục đầu tư, thị trường. Họ cùng hợp tác, chia sẻ lợi nhuận. Sau thời gian phát triển, thu hồi vốn và lợi nhuận, nhà đầu tư nước ngoài có thể rút vốn, trả lại quyền sở hữu cho doanh nghiệp nội.
Mặt khác, đối với các dự án đại đô thị, để phát triển cả một dự án cần nguồn lực tài chính rất lớn, chính vì vậy, các nhà đầu tư ngoại thường chỉ có xu hướng mua lại hoặc phát triển một phần dự án.
Cũng theo vị giám đốc này, thị trường bất động sản Việt, nhất là phân khúc nhà ở, thương mại có sức hút hơn với các nhà đầu tư khu vực châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore. Trong khi đó, các nhà đầu tư đến từ Mỹ, châu Âu ít quan tâm hơn và không có nhiều kinh nghiệm phát triển.
Do đó, các nhà đầu tư này có thể rót tiền vào các quỹ đầu tư, đứng sau, chứ không trực tiếp tham gia mua bán, chuyển nhượng, phát triển dự án bất động sản.