Nhà đầu tư nước ngoài 'kêu' vì không được công nhận doanh nghiệp chế xuất
Để đón dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, cần tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp chế xuất.
Sau một thời gian hoạt động với tỷ lệ xuất khẩu 90% trở lên, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex đã đề nghị chuyển sang loại hình doanh nghiệp chế xuất.
Doanh nghiệp than trời, hải quan kêu khó
Nihon Plast Việt Nam là một doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản. Được cấp chứng nhận đầu tư lần đầu vào tháng 3/2019, với mục tiêu xây dựng một nhà máy chuyên sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô, 100% sản phẩm sẽ được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, nên ngay từ đầu, Nihon Plast đã mong muốn đăng ký đầu tư với hình thức công ty chế xuất.
Dù đã đi vào hoạt động, song Công ty vẫn chưa được Chi cục Hải quan Vĩnh Phúc kiểm tra để công nhận là doanh nghiệp chế xuất. Điều này khiến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Nihon Plast gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Mọi chuyện xuất phát từ các quy định của Nghị định 82/2018/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế. Theo quy định của Nghị định, thì khu chế xuất, doanh nghiệp chế xuất hoặc phân khu công nghiệp dành cho doanh nghiệp chế xuất được ngăn cách với lãnh thổ bên ngoài bằng hệ thống tường rào, có cảng và cửa ra, vào, bảo đảm điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát hải quan…
Nghị định cũng quy định: “Cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm lấy ý kiến cơ quan hải quan có thẩm quyền về khả năng đáp ứng điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc xác nhận bằng văn bản cho nhà đầu tư”.
Quy định như vậy có vẻ là chặt chẽ, nhưng thực tế lại gây khó cho cả cơ quan hải quan lẫn doanh nghiệp và cơ quan đăng ký đầu tư. Sẽ là dễ dàng hơn với các doanh nghiệp đã hoạt động, giờ xin chuyển đổi sang doanh nghiệp chế xuất. Chẳng hạn trường hợp mới đây, Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE Complex (SEHC), sau một thời gian hoạt động, với tỷ lệ xuất khẩu đạt 90% trở lên, đã đề nghị chuyển sang loại hình doanh nghiệp chế xuất.
Nhưng với các nhà đầu tư mới, bất cập ở chỗ, khi chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư, thì họ không thể có tường rào, cổng ngõ… để đáp ứng các điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan. Thậm chí, khi đó, nhà đầu tư còn chưa có bản vẽ, chưa có mặt bằng để triển khai dự án. Nếu vậy, dù được cơ quan quản lý đầu tư yêu cầu, cơ quan hải quan cũng không thể xác nhận doanh nghiệp có đủ điều kiện để trở thành doanh nghiệp chế xuất. Câu chuyện “quả trứng có trước hay con gà có trước” nan giải ngay cả trong trường hợp này.
Thêm nữa, vấn đề nằm ở chỗ, vì chưa được xác nhận đủ điều kiện là doanh nghiệp chế xuất, nên khi nhập khẩu máy móc, thiết bị trong giai đoạn đầu tư, doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế GTGT như bình thường. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp kê khai và xin hoàn thuế GTGT giai đoạn đầu tư, các cơ quan thuế địa phương lại cho rằng, theo giấy chứng nhận đầu tư, doanh nghiệp là doanh nghiệp chế xuất, nên không thuộc đối tượng nộp thuế GTGT và vì thế, không có cơ sở để hoàn thuế.
“Việc xử lý không nhất quán của cơ quan hải quan và cơ quan thuế như trên gây nhiều bức xúc, khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là về gánh nặng tài chính, dòng tiền và cũng làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của Việt Nam”, các nhà đầu tư đã than như vậy.
Không tháo gỡ, khó thu hút đầu tư
Vướng như vậy nên liên tiếp từ đầu năm tới nay, các địa phương như TP.HCM, Vĩnh Phúc… đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đề nghị tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến các quy định về doanh nghiệp chế xuất. Những đề xuất sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP cũng đã được các địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đưa ra.
Trong bối cảnh dòng vốn đầu tư đang dịch chuyển, nhiều doanh nghiệp sẽ lựa chọn Việt Nam là điểm đến để sản xuất và xuất khẩu 100% sản phẩm. Nếu muốn đón được dòng vốn này, thì cần sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan đến doanh nghiệp chế xuất, để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi hơn.
- GS-TSKH. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Chẳng hạn, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị, khi thực hiện việc cấp giấy phép cho doanh nghiệp chế xuất, Chính phủ nên quy định rõ việc sẽ miễn một phần chi phí liên quan đến việc lấy đất, xây dựng nhà xưởng, nhập khẩu thiết bị mà doanh nghiệp đã trả trước khi được cấp giấy phép.
Bởi thực tế hiện nay, đã có trường hợp doanh nghiệp không được cấp giấy phép doanh nghiệp chế xuất cho đến khi nhà máy xây dựng xong và vẫn phải chịu một số loại thuế, phí liên quan đến xây dựng nhà xưởng và nhập khẩu thiết bị, trong khi đáng lẽ sẽ được miễn.
“Đây là gánh nặng đối với các doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam”, các doanh nghiệp Nhật Bản đã “kêu” như vậy và mong muốn rằng, sẽ được cấp giấy phép là doanh nghiệp chế xuất cùng thời điểm cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư như trước đây.
Có cùng quan điểm, Nhóm công tác về Thuế và Hải quan của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) hồi tháng 5 vừa qua đã có những kiến nghị liên quan đến vấn đề này tới Bộ Tài chính và đang tiếp tục đề xuất sửa đổi Nghị định 82/2018/NĐ-CP theo hướng không đưa ra điều kiện xin ý kiến cơ quan hải quan tại khâu cấp phép cho doanh nghiệp chế xuất.
Thay vào đó, cơ quan quản lý đầu tư có thể cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và cho phép doanh nghiệp áp dụng quy chế doanh nghiệp chế xuất dựa trên phương án đầu tư sản xuất, xuất khẩu và cam kết của doanh nghiệp. Doanh nghiệp chế xuất sẽ có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu quy định tại văn bản pháp quy về hải quan và thuế xuất khẩu, nhập khẩu áp dụng cho khu phi thuế quan và doanh nghiệp chế xuất. Cơ quan nhà nước sẽ áp dụng cơ chế “hậu kiểm” để kiểm tra việc thực hiện, đáp ứng các điều kiện của doanh nghiệp chế xuất và sẽ áp dụng cơ chế phạt với các vi phạm của doanh nghiệp.
Tất nhiên, với vấn đề thuế, Nhóm công tác đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn các doanh nghiệp được kê khai thuế GTGT đầu vào phát sinh trong giai đoạn đầu tư và được hoàn thuế GTGT.
“Điều này là hết sức cần thiết để đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và nhà đầu tư”, Nhóm công tác Thuế và Hải quan VBF bày tỏ quan điểm.