Nhà đầu tư nước ngoài nắm hơn 50 tỷ USD cổ phiếu Việt Nam

Khối ngoại vẫn đang tích cực giải ngân vào chứng khoán Việt Nam kể từ giữa tháng 11 đến nay, nhờ dòng tiền mạnh đến từ các quỹ ETF và chứng chỉ P-notes.

Nhà đầu tư nước ngoài đang đổ tiền mạnh mẽ vào chứng khoán Việt Nam kể từ giữa tháng 11 đến nay. Giá trị mua ròng mỗi phiên lên đến hàng nghìn tỷ đồng, thậm chí hơn 2.600 tỷ trong phiên 29/11.

Trước đây khối ngoại cũng có những thời điểm mua ròng 2-3 tháng liên tiếp nhưng với khối lượng vừa phải mỗi phiên. Trong khi hiện tại nhóm này vừa xác lập chuỗi 15 phiên mua ròng liên tiếp với con số gần 15.000 tỷ đồng.

Xuất hiện dòng vốn P-notes

Ông Trần Thăng Long, Giám đốc Phân tích Chứng khoán BSC, cho biết nhà đầu tư nước ngoài sau thời gian ảnh hưởng bởi đại dịch đang sang tìm hiểu chứng khoán Việt Nam và nhìn chung có đánh giá khả quan.

"Nhiều nhà đầu tư nước ngoài nói rằng đây là cơ hội để tăng tỷ trọng đầu tư vào Việt Nam, với giá không chỉ rẻ trong 2-3 năm mà là 5-6 năm trở lại đây", ông nói trong talkshow Lực đỡ từ vốn ngoại.

Số liệu thống kê của BSC cho thấy trong hơn 50 tỷ USD mà khối ngoại sở hữu trên thị trường chứng khoán Việt Nam thì hơn phân nửa thuộc về các nhà đầu tư dài hạn.

Đây là nhóm cổ đông chiến lược rót vốn vào các doanh nghiệp, ngân hàng và thông thường nắm giữ rất dài; thậm chí mua thêm cổ phần từ các đợt phát hành tăng vốn hay các đợt bán từ các đối tác khác.

Nhóm nhà đầu tư lớn tiếp theo là các quỹ đầu tư đến từ châu Âu với tỷ trọng rót vốn vào Việt Nam lên đến 70-90% danh mục. Ông Long nhận thấy nhóm này có sự gắn bó và thường giải ngân ngay khi huy động được vốn.

Một nhóm khác là là quỹ đầu tư chỉ số, chiếm hơn 10% số lượng cổ phiếu Việt Nam mà khối ngoại đang nắm giữ. Nhóm này hoạt động linh hoạt hơn, tức là mua khi huy động được vốn và bán ngay khi bị rút vốn.

Nhà đầu tư gần đây còn nhắc nhiều đến dòng vốn mới đến từ chứng chỉ P-notes (có đặc tính là ẩn danh nhà đầu tư) với lực mua rất lớn. Đây là nhóm có thiên hướng trading nhiều hơn, tức mua nhanh rồi bán nhanh.

Lý do mua ròng

Lý giải động thái mua ròng vừa qua, chuyên gia BSC cho rằng việc định giá thị trường rơi về mức thấp là một trong các điểm thu hút bởi nhà đầu tư đều mong muốn mua được một mức giá tốt, hợp lý nhất.

"Tuy nhiên khối ngoại quan tâm nhiều hơn tiềm năng tăng trưởng kinh tế, chúng ta có nhiều yếu tố thuận lợi hơn so với các thị trường khác nên được đánh giá rất cao", ông thuật lại từ các cuộc trao đổi với nhà đầu tư ngoại.

Thực tế, việc VN-Index bị bán tháo về dưới 900 điểm đã giúp định giá thị trường trở nên hấp dẫn. Định giá này thấp hơn 2 lần độ lệch chuẩn so với trung bình 5 năm, rất ít xảy ra trong quá khứ và là cơ hội lớn cho đầu tư dài hạn.

 Giám đốc phân tích BSC Trần Thăng Long cho rằng khối ngoại rót tiền vì định giá rẻ và tiềm năng của nền kinh tế. Ảnh: ĐTCK.

Giám đốc phân tích BSC Trần Thăng Long cho rằng khối ngoại rót tiền vì định giá rẻ và tiềm năng của nền kinh tế. Ảnh: ĐTCK.

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ A+, cũng đồng quan điểm rằng định giá P/E xuống mức đáy vừa qua là đợt điều chỉnh rất sâu, đây là cơ hội đầu tư của cả thập kỷ chứ không chỉ vài năm trở lại đây.

Khối ngoại thường nhìn nhận thị trường theo hai khía cạnh. Thứ nhất là giá trị thật của thị trường chứng khoán. Thứ hai sự tăng trưởng kinh tế Việt Nam với mức dự báo thậm chí đạt 7-8% trong các năm tiếp theo.

Chuyên gia quản lý quỹ còn nhận thấy Việt Nam là điểm sáng nhất trong các thị trường mới nổi, vượt trội so với các thị trường ở châu Phi, Nam Mỹ, châu Á nên đang đón nhận dòng tiền kỷ lục.

Trong khi khối ngoại rót tiền mạnh mẽ thì nhà đầu tư trong nước cũng đối ứng bán ròng kỷ lục khoảng 19.000 tỷ đồng tính riêng tháng 11, bao gồm cả áp lực bán giải chấp tại nhiều doanh nghiệp lớn.

Chuyên gia từ BSC nhìn nhận con số trên có một phần đến áp lực call margin (lệnh gọi ký quỹ) quá lớn, cũng như nhiều lãnh đạo và doanh nghiệp có thế chấp cổ phiếu dẫn đến áp lực bán giải chấp khi các mã chứng khoán giảm quá sâu. Câu chuyện này đã xảy ra một số lần trong quá khứ nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn hay quên.

Điểm quan trọng khác là các chủ doanh nghiệp hay những cổ đông lớn cũng bắt đầu tái cơ cấu danh mục và chuẩn bị lại nguồn lực. Đây là một trong các sức ép lớn trong giai đoạn vừa qua đẩy chỉ số giảm mạnh.

"Nhưng đến một mức quá rẻ, người ta nhận ra mua cổ phiếu rẻ hơn tự mình xây dựng doanh nghiệp đó. Không lý do gì để đứng ngoài mà phải bắt tay vào mua doanh nghiệp", ông Long nói.

Hiện nay tâm lý nhà đầu tư bình tĩnh trở lại, cộng với lực đỡ mạnh mẽ từ khối ngoại thì sức ép margin đã giảm đi phần lớn. Vị chuyên gia tin rằng giai đoạn call margin tài khoản các chủ doanh nghiệp đã tạm lắng.

Huy Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/nha-dau-tu-nuoc-ngoai-nam-hon-50-ty-usd-co-phieu-viet-nam-post1383537.html