Nhà đầu tư nước ngoài: nhìn mặt có bắt được hình dong?
Ngày 5-7-2019, Bộ Chính trị đã quyết định ra Nghị quyết chuyên đề về đầu tư nước ngoài, để trên cơ sở đó, Chính phủ cụ thể hóa việc hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút và sử dụng đầu tư nước ngoài đến năm 2030.
Theo người đứng đầu Chính phủ, cùng với đẩy mạnh thu hút đầu tư là phải có chọn lọc. Như vậy, các tiêu chí nào cần chọn lọc và thiết kế bộ lọc như thế nào?
Những hộp đen đầu tư nước ngoài
Đầu tư nước ngoài, bao gồm đầu tư trực tiếp (FDI) và đầu tư gián tiếp (Foreign Portfolio Invesment - FPI), có tác động tích cực lẫn tiêu cực đến nước nhận đầu tư trên nhiều lĩnh vực như kinh tế, môi trường, và xã hội. Đối với các dự án FDI, việc đánh giá lợi ích - chi phí của dự án có nhiều tiêu chí rõ ràng hơn, như quy mô vốn đầu tư, lĩnh vực đầu tư, khả năng tạo việc làm, khả năng chuyển giao công nghệ và trình độ quản lý, tác động đến môi trường, và nguồn gốc của nguồn vốn đầu tư.
Các thống kê hiện nay của Việt Nam về FDI thường nhắc nhiều đến số lượng dự án, số vốn đăng ký, số vốn thực hiện, và quốc gia hay vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Điều này cho thấy điểm xuất phát của nguồn vốn FDI trước khi đến Việt Nam khá được coi trọng, cũng như tâm lý chuộng nguồn vốn đến từ các nước phát triển và e dè nguồn vốn từ Trung Quốc.
Nhưng thực tế, việc xác định gốc gác của nguồn vốn đầu tư là không hề dễ dàng chút nào. Một nghiên cứu của Wojcik (Đại học Oxford) và Haberly (Đại học Sussex) năm 2014 cho thấy có khoảng 30-50% vốn FDI toàn cầu xuất phát từ mạng lưới các công ty bình phong (offshore shell companies). Những tên tuổi gắn liền với các mạng lưới này, thường là các thiên đường thuế, có thể kể đến như Hà Lan, Luxembourg, tam giác Bermuda, Cayman, British Virgin Islands, Samoa, Cyprus, Hồng Kông, Singapore.
Một nghiên cứu của Wojcik (Đại học Oxford) và Haberly (Đại học Sussex) năm 2014 cho thấy có khoảng 30-50% vốn FDI toàn cầu xuất phát từ mạng lưới các công ty bình phong (offshore shell companies).
Mối quan hệ chằng chịt, không rõ ràng của các dòng vốn là một thách thức không hề nhỏ đối với các quốc gia đang phát triển đón nhận dòng vốn, vì không thể biết chính xác điều gì đang xảy ra đằng sau các dòng vốn vào - ra, nhất là ảnh hưởng về cán cân thanh toán của quốc gia. Đơn cử như trường hợp GDP của Ireland đã tăng ảo 26% vào năm 2015 vì năm đó Apple chuyển 238 tỉ đô la Mỹ tài sản vào nước này để tối ưu thuế.
Nhìn lại số liệu thống kê 10 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam (theo Cục Đầu tư nước ngoài, tháng 6-2019), 4/10 nằm trong mạng lưới đã đề cập ở trên: Singapore, Hồng Kông, British Virgin Islands và Hà Lan. Do đó, xác định điểm khởi đầu của nguồn vốn đầu tư là một công việc không hề đơn giản, thậm chí là không thể, vì một số thiên đường thuế có luật bất thành văn là không cung cấp thông tin hồ sơ đăng ký của công ty.
Một công ty đầu tư vào Việt Nam có đăng ký từ Hà Lan, Pháp, Mỹ hoàn toàn có thể có công ty mẹ từ Hồng Kông hay một thiên đường thuế nào đó. Như Trung Quốc là một trường hợp đặc biệt, gần một nửa các đầu tư ra nước ngoài của nước này xuất phát từ Hồng Kông, được coi như là một trung tâm, cũng như “hộp đen” về tài chính. Một công ty của Trung Quốc như China Mobile có đăng ký ở Hồng Kông và sở hữu hay được sở hữu bởi một công ty bình phong khác có đăng ký ở British Virgin Islands.
Đối với FPI, mặc dù các ảnh hưởng không thể thấy được trực tiếp như đối với FDI, nhưng thông qua quyền tham gia kiểm soát doanh nghiệp, ảnh hưởng đến một số ngành sản xuất kinh doanh là rất đáng quan tâm. Việc xác định nguồn gốc của vốn đầu tư FPI cũng nhiều thách thức như FDI. Có nhiều cách để nhà đầu tư nước ngoài, núp bóng dưới nhiều hình thức khác nhau, đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác nhau để chi phối một ngành kinh tế nào đó.
Cách đơn giản nhất là mua cổ phần chi phối một doanh nghiệp dẫn đầu thị trường hay thực hiện sáp nhập. Nếu cách thức này bị kiểm soát hay hạn chế, thì nhà đầu tư nước ngoài có thể thông qua việc tham gia cổ phần thiểu số, nhưng ở nhiều công ty khác nhau trong cùng lĩnh vực. Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài còn có thể dùng thủ thuật chuyển nợ thành cổ phần. Ban đầu, các tổ chức nước ngoài sẽ cho doanh nghiệp trong nước vay, sau đó sẽ tìm cách chuyển khoản nợ này thành cổ phần, từ đó nắm quyền kiểm soát công ty.
Bộ lọc là tính thực thi nghiêm minh của pháp luật
Một số nghiên cứu thực chứng chỉ ra rằng, việc không có luật đôi khi còn tốt hơn là có luật tốt mà không có tính thực thi (enforcement).
Thực vậy, ngay cả khi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hoàn thiện mà không có tính thực thi thì luôn có những trường hợp xé rào và tận dụng kẽ hở, xem thường tính nghiêm minh của pháp luật. Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đây là một tiêu chí rất quan trọng vì luật pháp luôn là nơi họ đặt niềm tin cuối cùng, chứ không phải chính quyền hiện tại.
Một ví dụ điển hình là các nhà đầu tư Trung Quốc, mặc dù có những ấn tượng xấu khi đầu tư ở một số nước, nhưng ở những nước có hệ thống pháp luật nghiêm minh, có tính thực thi cao như Canada, Mỹ, Đức, Pháp thì các nhà đầu tư Trung Quốc buộc phải tuân theo các quy định pháp lý của các nước này, các chuẩn mực hàng đầu về lao động, môi trường, báo cáo tài chính.
Như vậy, bên cạnh việc cải thiện các điều kiện, môi trường đầu tư để thu hút nhiều nhất có thể các nhà đầu tư quốc tế có chất lượng, việc tạo bộ lọc là cần thiết, và cần chú trọng vào tính thực thi của hệ thống pháp luật, không nên đặt nặng doanh nghiệp nước ngoài đến từ đâu, mà chú trọng vào việc họ sẽ làm gì và có tuân thủ luật chơi của chúng ta đặt ra hay không.
Võ Đình Trí