Nhà đầu tư rời Trung Quốc, hướng tới các nước láng giềng
Nhật Bản, Hàn Quốc, và Ấn Độ là những lựa chọn mà các nhà đầu tư hướng tới khi họ nghĩ tới ý tưởng rời khỏi Trung Quốc.
Sự phục hồi kinh tế mờ nhạt của Trung Quốc kể từ sau các đợt phong tỏa nghiêm ngặt “Zero COVID” đã khiến mức độ hào hứng của các nhà đầu tư giảm và họ tìm các lựa chọn thay thế, chẳng hạn như các nước láng giềng xung quanh, theo CNBC.
Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ đều là những nước hưởng lợi lớn từ sự thất vọng của nhà đầu tư sau khi Trung Quốc mở cửa trở lại. Yếu tố gây thất vọng nhất là tình hình kinh tế yếu hơn dự đoán của Trung Quốc.
“Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc suy yếu, các nhà đầu tư đã tìm cơ hội ở những nơi khác trong khu vực”, Andrew Tilton, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Goldman Sachs, kết luận trong một báo cáo nghiên cứu.
Andrew Tilton nói thêm rằng giới đầu tư đang để ý thị trường Nhật Bản và Ấn Độ trong thời gian gần đây.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản đã tăng 23% kể từ đầu năm, nhờ thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm cả Warren Buffett - Chủ tịch của Berkshire Hathaway. Điều này tương phản với tình trạng bán tháo “chưa từng thấy” trên thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Chỉ số CSI 300, đo lường các công ty lớn nhất niêm yết tại Thượng Hải và Thâm Quyến, đã giảm 5,29% từ đầu quý đến nay và đã xóa sạch tất cả mức tăng của nó hồi đầu năm, khi chứng khoán phục hồi trên đà mở cửa trở lại.
Theo dữ liệu của Refinitiv, chỉ số Hang Seng cũng giảm gần 2% từ đầu năm đến nay.
“Tâm lý của nhà đầu tư đối với Trung Quốc đã suy yếu hơn nữa, và theo quan điểm của chúng tôi, nó đang ở mức thấp nhất mà chúng ta chỉ thấy một vài lần trong thập kỷ qua”, Nhà kinh tế trưởng của Goldman Sachs cho biết trong báo cáo.
Các nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn là nhân tố chủ chốt trong việc thúc đẩy thị trường Nhật Bản duy trì mức cao nhất mà chỉ số Nikkei từng ghi nhận kể từ năm 1990 .
Theo tính toán của Reuters, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 342,18 tỷ yên (2,45 tỷ USD) cổ phiếu trong tuần kết thúc vào ngày 2/6. Lũy kế từ đầu năm, các nhà đầu tư nước ngoài. đã mua ròng khoảng 6,65 nghìn tỷ yên cổ phiếu Nhật Bản. Trong cùng kỳ năm ngoái, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 1,73 nghìn tỷ yên.
Các ngân hàng ở Phố Wall bao gồm Morgan Stanley và Societe Generale nằm trong số những ngân hàng lạc quan về chứng khoán Nhật Bản. Trong triển vọng toàn cầu, Morgan Stanley dự đoán các công ty trên sàn chứng khoán Nhật Bản sẽ vượt trội so với các công ty cùng ngành trên toàn cầu.
“Nhật Bản là khu vực ưa thích nhất của chúng tôi, với ROE được cải thiện và triển vọng EPS (thu nhập trên mỗi cổ phiếu) vượt trội,” Giám đốc Giám đốc đầu tư Mike Wilson của Morgan Stanley nói.
Ngoài Nhật Bản, Hàn Quốc là một thị trường khác được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ khi những lo ngại về sự phục hồi của Trung Quốc có thể đến muộn. Cổ phiếu công nghệ Hàn Quốc, chiếm khoảng một nửa chỉ số Kospi 200, là động lực chính đằng sau xếp loại “được ưa thích nhất” của UBS Global Wealth Management trong lĩnh vực này.
UBS đã viết trong báo cáo triển vọng hàng tháng của mình: “Chúng tôi vẫn ưu tiên nhất đối với cổ phiếu của các công ty chất bán dẫn châu Á trong 3-6 tháng tới và Hàn Quốc là người chiến thắng trong lĩnh vực này”.
Goldman Sachs cũng tin tưởng vào thị trường Hàn Quốc, kỳ vọng sẽ có nhiều khoản đầu tư ra nước ngoài hơn trong thời gian tới. Nhà kinh tế trưởng Tilton của Goldman cho biết: “Chúng tôi tương đối lạc quan về Hàn Quốc bởi chúng tôi ít lo ngại về tác động của sự sụt giảm bất động sản và lạc quan hơn về dòng vốn đầu tư nước ngoài”.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc dự kiến sẽ là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên thực hiện chính sách tiền tệ xoay trục, mặc dù thống đốc Rhee Chang-yong nói với CNBC rằng vẫn còn “quá sớm” để thảo luận về việc cắt giảm lãi suất. Các ngân hàng bao gồm Citi và Nomura dự kiến sẽ cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản sớm nhất là vào quý III năm nay.
Theo Goldman Sachs, số người quan tâm đến việc đầu tư vào Ấn Độ đang tăng dần.
“Ngày càng có nhiều khách hàng hỏi về tiềm năng của Ấn Độ để hưởng lợi từ đầu tư lớn hơn trong bối cảnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng”, ông Tilton nói. Goldman Sachs nhận định thị trường Ấn Độ “nhìn chung là tích cực trong trung hạn”.
Đối với Trung Quốc, các câu hỏi vẫn tiếp tục xoay quanh triển vọng phục hồi kinh tế. Các chiến lược gia của UBS khẳng định trong báo cáo rằng thực tế ấy và những lo ngại về địa chính trị đang diễn ra đã đè nặng lên thị trường tỷ dân.