Nhà đầu tư sợ cổ phiếu Tesla rớt giá, Elon Musk có cài người vào lãnh đạo Twitter?
Việc Elon Musk mua lại Twitter với giá 44 tỉ USD làm dấy lên lo ngại về khả năng điều hành nhà sản xuất ô tô điện Tesla, công ty giá trị hơn, trong trường hợp sự chú ý của ông bị phân tán bởi các nền tảng phương tiện truyền thông xã hội.
Khi công bố thỏa thuận hôm 25.4, Elon Musk gọi Twitter là "quảng trường thành phố kỹ thuật số" của thế giới và nói về việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận, nhưng ông cũng khiến các nhà đầu tư vào Tesla lo ngại vì từng kể đã ngủ trên sàn nhà máy trong buổi ra mắt mẫu sedan Model 3 và năm ngoái nói về “giờ làm việc điên cuồng” để có rất nhiều năng lượng bổ sung.
"Tesla trông rất giống một công ty khởi nghiệp dù nó là một công ty nghìn tỉ USD. Nó lớn hơn các công ty lớn nhất trên thế giới, nhưng nó không có đội ngũ quản lý như các công ty khác", theo nhà đầu tư vào Tesla - Ross Gerber, Giám đốc điều hành công ty quản lý tài sản Gerber Kawasaki (Mỹ).
Trên hết, Tesla đang chạy đua để tăng cường sản xuất tại nhà máy mới ở Texas (Mỹ) và Berlin (Đức) trong bối cảnh chuỗi cung ứng gặp khó khăn và chi phí nguyên liệu thô cao hơn, cũng như đưa hoạt động tại nhà máy lớn nhất của họ ở Thượng Hải trở lại đúng tiến độ sau thời gian thành phố bị phong tỏa.
Elon Musk cho biết vào tháng 1.2022 rằng Tesla đã có quá nhiều thứ phải làm và sẽ không giới thiệu các mẫu xe điện mới như Cybertruck trong năm nay.
Tesla đã cố gắng giải quyết các vấn đề của mình, nhưng việc Elon Musk tập trung vào Twitter nhiều hơn khiến các nhà đầu tư lo lắng.
Một nhà quản lý quỹ có vị trí quan trọng tại Tesla, yêu cầu giấu tên, cho biết: “Tôi sợ rằng đây sẽ là một sự phân tâm. Ông ấy đang tung hứng các chuỗi cung ứng và sự chậm trễ của nhà máy cũng như việc mở rộng kinh doanh lưu trữ năng lượng. Điều này không phù hợp chút nào".
Cổ phiếu của Tesla đã giảm 8% kể từ lần đầu tiên Elon Musk tiết lộ sở hữu 9,2% cổ phần Twitter hôm 4.4.
Tesla không đưa ra bình luận, nhưng một người trong cuộc của công ty đề nghị giấu tên nói những lo ngại của nhà đầu tư là "thái quá" và Elon Musk vẫn đang gắn bó rất nhiều với nhà sản xuất ô tô điện này.
Elon Musk cũng lãnh đạo hãng phóng tên lửa SpaceX cũng như công ty khởi nghiệp chip não Neuralink và liên doanh đào hầm Boring Company.
Nhà đầu tư vào Tesla lo sợ Elon Musk phân tâm khi mua lại Twitter - Ảnh: Reuters
Tesla đã chứng kiến sự ra đi của người đồng sáng lập JB Straubel vào năm 2019 và Chủ tịch Jerome Guillen hồi năm ngoái.
Được thành lập vào năm 2003, Tesla đã phát triển thành nhà sản xuất ô tô giá trị nhất nhưng chỉ có hai lãnh đạo được liệt kê cùng Elon Musk trong đội ngũ trên trang web của công ty, so với 17 tại General Motors và 11 tại Volkswagen.
Ngoài Elon Musk, ban lãnh đạo cấp cao hiện tại của Tesla chỉ có Giám đốc tài chính Zachary Kirkhorn và Phó chủ tịch cấp cao Andrew Baglino, người phụ trách việc phát triển hệ thống truyền động. Cả hai đều được các nhà đầu tư biết đến khi xuất hiện trong các cuộc gọi hội nghị báo cáo thu nhập hàng quý của Tesla.
Robert Pavlik, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao của Dakota Wealth Management sở hữu một số lượng hạn chế cổ phiếu Tesla trong các tài khoản mà ông quản lý, tự hỏi liệu Elon Musk có cài người khác vào lãnh đạo Twitter hay không.
“Có vẻ như đó sẽ là điều hợp lý nhất. Có vẻ như ông ấy đã rất bận ở Tesla và SpaceX", Robert Pavlik nói.
Ross Gerbercho cho biết có lẽ Elon Musk cần một lãnh đạo số 2 mạnh mẽ như ông ở SpaceX là Chủ tịch Gwynne Shotwell.
Ian Beavis, Giám đốc chiến lược tại công ty tư vấn ô tô AMCI, lo ngại việc mua Twitter của Elon Musk, với những tranh cãi xung quanh các vấn đề chính trị và xã hội, thậm chí có thể làm hỏng thương hiệu Tesla.
Một số nhà đầu tư vẫn lo ngại về kế hoạch của Elon Musk, người giàu nhất thế giới với tài sản trị giá 268 tỉ USD theo Forbes, để huy động tiền mua Twitter.
Twitter cho biết Elon Musk đã đảm bảo được 25,5 tỉ USD từ khoản vay cùng các tài trợ khoản vay ký quỹ và cam kết cung cấp vốn chủ sở hữu 21 tỉ USD. Không rõ liệu Elon Musk có bán cổ phiếu Tesla để giúp thực hiện thương vụ hay không.
Elon Musk nắm giữ 172,6 triệu cổ phiếu tại Tesla và đã dùng khoảng một nửa số cổ phiếu của mình để vay, theo hồ sơ Tesla. Theo tính toán của Reuters, nếu bán thêm cổ phiếu làm tài sản thế chấp để đảm bảo khoản vay ký quỹ 12,5 tỉ USD, Elon Musk có thể chỉ còn lại khoảng 30 triệu cổ phiếu chưa giao dịch.
EU lên tiếng về việc Elon Musk mua Twitter và đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số
Hôm 26.4, Ủy ban châu Âu cho biết còn quá sớm để bình luận về thỏa thuận mà Elon Musk đã đạt được để mua lại Twitter nhưng nhắc lại rằng các quy tắc về dịch vụ kỹ thuật số của khối áp dụng cho tất cả nền tảng lớn.
"Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số của chúng tôi áp dụng cho tất cả các nền tảng chính, để đảm bảo sức mạnh của họ với cuộc tranh luận công khai phải tuân theo các quy tắc dân chủ nhằm bảo vệ tốt hơn các quyền cơ bản trực tuyến", người phát ngôn của Ủy ban châu Âu - Johannes Bahrke nói trong một cuộc họp báo.
Elon Musk đã đạt được thỏa thuận mua Twitter trong một giao dịch sẽ chuyển quyền kiểm soát nền tảng có hàng triệu người dùng và các nhà lãnh đạo thế giới vào tay người giàu nhất hành tinh.
Thierry Breton, ủy viên phụ trách thị trường nội bộ của cơ quan điều hành EU, cho biết trong một tweet: "Dù là ô tô hay phương tiện truyền thông xã hội, bất kỳ công ty nào hoạt động ở châu Âu đều cần tuân thủ các quy tắc của chúng tôi - bất kể cổ phần của họ là gì. Ông Musk biết rõ điều này. Ông ấy quen thuộc với các quy tắc của châu Âu về ô tô và sẽ nhanh chóng thích ứng với Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số”.
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu cho biết còn quá sớm để bình luận về bất kỳ vấn đề cạnh tranh nào xung quanh việc mua lại Twitter của Elon Musk.
Hôm 23.4, EU (Liên minh châu Âu) đã đồng ý về các quy định kỹ thuật số mới sẽ buộc những gã khổng lồ công nghệ phải giám sát nội dung bất hợp pháp trên nền tảng của họ mạnh mẽ hơn, nếu không có nguy cơ bị phạt nhiều tỉ USD.
Google và YouTube (thuộc Alphabet), Facebook và Instagram (thuộc Meta), TikTok, Twitter cùng các nền tảng trực tuyến lớn khác sẽ phải làm nhiều việc hơn để xử lý nội dung bất hợp pháp hoặc có nguy cơ bị phạt nặng theo các quy tắc internet mới được đồng ý giữa các quốc gia EU và các nhà lập pháp EU vào ngày 23.4.
Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên EU đã đạt được thỏa thuận về Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA) sau hơn 16 giờ đàm phán. Đây là đạo luật mang tính bước ngoặt nhằm giải quyết nội dung bất hợp pháp và có hại bằng cách yêu cầu các nền tảng nhanh chóng gỡ bỏ nội dung đó.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ursula von der Leyen đã ban hành một tuyên bố gọi đạo luật này là “lịch sử”.
“DSA sẽ nâng cấp các quy tắc cơ bản cho tất cả dịch vụ trực tuyến ở EU. Nó sẽ đảm bảo rằng môi trường trực tuyến vẫn là một không gian an toàn, bảo vệ quyền tự do ngôn luận và cơ hội cho các doanh nghiệp kỹ thuật số. Nó mang lại hiệu quả thiết thực cho nguyên tắc rằng những gì ngoại tuyến là bất hợp pháp, chứ không phải riêng trực tuyến. Quy mô càng lớn, trách nhiệm của các nền tảng trực tuyến càng lớn”, bà Ursula von der Leyen nói.
Một phần quan trọng của luật sẽ hạn chế cách các gã khổng lồ kỹ thuật số nhắm mục tiêu người dùng bằng các quảng cáo trực tuyến. DSA sẽ ngăn chặn hiệu quả các nền tảng nhắm mục tiêu người dùng bằng các thuật toán sử dụng dữ liệu nhạy cảm dựa trên giới tính, chủng tộc hoặc tôn giáo của họ. Nhắm mục tiêu đến trẻ em bằng quảng cáo cũng sẽ bị cấm.
Các mô hình đen tối, là chiến thuật đánh lừa người dùng cung cấp dữ liệu cá nhân trực tuyến cho các công ty (hay đẩy người dùng đến với một số sản phẩm và dịch vụ nhất định), cũng sẽ bị cấm.
DSA là mũi nhọn thứ hai trong chiến lược chống độc quyền của Margrethe Vestager - Giám đốc phụ trách chống độc quyền của EU nhằm kiềm chế Google, Meta và các gã khổng lồ công nghệ khác.
Tháng trước, bà Margrethe Vestager đã giành được sự ủng hộ từ khối 27 quốc gia châu Âu và các nhà lập pháp với các quy tắc mang tính bước ngoặt được gọi là Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) có thể buộc Google, Amazon, Apple, Meta và Microsoft thay đổi các phương thức kinh doanh cốt lõi của họ ở châu Âu.
"Chúng tôi có một thỏa thuận về DSA: Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số sẽ đảm bảo rằng những gì ngoại tuyến bất hợp pháp cũng được xem và xử lý là bất hợp pháp trực tuyến - không phải như một khẩu hiệu mà thực tế", Margrethe Vestager cho biết trong một tweet.