Nhà đầu tư 'thấm đòn' khi đầu tư vào cổ phiếu 'nóng'
Sau chuỗi ngày thăng hoa, cổ phiếu VSF vừa có một phiên bất ngờ lao dốc.
Cổ phiếu của Tổng công ty Lương thực miền Nam - CTCP (Vinafood 2) là một ví dụ tiêu biểu cho sức nóng của ngành gạo xuất khẩu. Trong giai đoạn giá gạo tăng cao, mã cổ phiếu VSF của công ty này có xu hướng tăng mạnh. Tại các phiên giao dịch từ ngày 20.7 đến ngày 8.8, cổ phiếu VSF liên tiếp có 9 phiên tăng trần, giá tăng một mạch từ 8.000 đồng lên 37.400 đồng (tăng hơn 367%).
Tuy nhiên, sau chuỗi ngày thăng hoa, cổ phiếu VSF vừa có một phiên bất ngờ lao dốc. Sáng 9.8, cổ phiếu này mở phiên đầy hưng phấn với giá 43.000 đồng và duy trì đà tăng rất mạnh cho đến đầu phiên chiều. Lực bán gia tăng đột ngột khiến VSF đảo chiều rơi thẳng xuống mức giá 31.800 đồng, với dư bán giá sàn 557.0000 cổ phiếu.
Dù cổ phiếu trên sàn tranh mua kịch trần nhưng việc tăng lợi nhuận của doanh nghiệp là so với chính kết quả kinh doanh trước đó, còn so về doanh thu thì lợi nhuận mang về vẫn còn ít ỏi. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Vinafood 2 đạt 11.337 tỉ đồng, tăng gần 58% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế 9,95 tỉ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái (4,9 tỉ đồng).
Giá cổ phiếu AGM của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) cũng tăng từ mức giá hơn 6.000 đồng lên 14.400 đồng (giá trần trong phiên 9.8). Tuy nhiên, áp lực chốt lời khiến AGM quay đầu lao từ mức kịch trần xuống kịch sàn 12.600 đồng/cổ phiếu khi kết phiên với khối lượng khớp 1.520.000 đơn vị, dư bán sàn 1.290.000 đơn vị.
AGM đang có đà tăng ấn tượng với 7 phiên tăng điểm liên tiếp; trong đó có tới 5 phiên tăng kịch biên độ mặc dù cổ phiếu này đang nằm trong diện hạn chế giao dịch. Tuy nhiên, tổng giá trị vốn hóa thị trường của doanh nghiệp này hiện chỉ đạt 155 tỉ đồng - mức tương đối thấp so với mặt bằng chung toàn thị trường chứng khoán Việt Nam.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần trước, nhóm cổ phiếu ngành gạo ghi nhận đà tăng tích cực. Các mã cổ phiếu gạo như TAR, BLT, NSC, SSC cũng tăng mạnh từ sau ngày 20.7, tuy nhiên mức tăng còn tùy vào từng cổ phiếu cụ thể.
Ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa lớn hơn như LTG, PAN, TAR… ghi nhận giao dịch sôi động trong tuần trước. Dù một số cổ phiếu cũng có phiên điều chỉnh giảm, song xu hướng chung của các cổ phiếu ngành gạo vẫn đang nằm trong kênh tăng giá.
Điểm sáng nổi bật nhất thuộc về Tập đoàn Lộc Trời (mã LTG trên sàn UPCOM). Tập đoàn này ghi nhận doanh thu thuần quý 2/2023 đạt 3.678 tỉ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Khoản lãi trong công ty liên doanh, liên kết gần 327 tỉ đồng giúp LTG lãi sau thuế hơn 424 tỉ đồng. Đây cũng là mức lãi kỷ lục theo quý trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp này.
Từ giá 20.000 đồng/cổ phiếu vào thời điểm 1 năm trước, LTG tăng lên 37.000 - 40.000 đồng/cổ phiếu và dao động ở mức này từ ngày 27.8 tới nay. Việc cổ phiếu này tuy sáng giá nhưng không tăng sốc cũng là điểm đáng lưu ý của LTG.
Một chuyên gia của Chứng khoáng Rồng Việt - chi nhánh tại TP.Cần Thơ cho rằng: “Cổ phiếu ngành gạo nói riêng và lương thực nói chung hiện nay đang nóng. Tuy nhiên, một số mã có giá lên quá nhanh khiến nhiều nhà đầu tư nhát tay, lo sợ trở tay không kịp. Thường cổ phiếu tăng sốc sẽ có lúc giảm sốc, giống như VSF hôm nay”.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/nha-dau-tu-tham-don-khi-dau-tu-vao-co-phieu-nong-203179.html