Nhà đầu tư thủy điện nhỏ muốn phát điện tối đa, ngành điện nói gì?

Chủ đầu tư các nhà máy thủy điện nhỏ ở Kon Tum muốn được phát điện tối đa công suất. Tuy nhiên, EVNCPC nói chưa có quy định, chờ hướng dẫn.

Nhà đầu tư lo bị thiệt hại

Ngày 27/7, Tổng công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) tổ chức buổi chia sẻ thông tin về việc 11 chủ đầu tư nhà máy thủy điện (NMTĐ) vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh Kon Tum đề nghị cho phát vượt công suất so với hợp đồng mua bán điện và giấy phép hoạt động điện lực.

Theo đơn kiến nghị ngày 27/6, các chủ đầu tư này phản ánh: Từ đầu tháng 3/2023 đến nay, các nhà máy thủy điện vừa và nhỏ thường xuyên bị tiết giảm công suất, bị sa thải, không được Công ty Điện lực Kon Tum huy động công suất do phát vượt công suất theo hợp đồng mua bán điện đã ký kết và theo giấy phép hoạt động điện lực cũng như giấy khai thác nước mặt.

Hiện chưa có quy định về việc thanh toán cho sản lượng điện phát vượt.

Hiện chưa có quy định về việc thanh toán cho sản lượng điện phát vượt.

Việc này gây ra nhiều khó khăn cho công tác vận hành và thiệt hại về kinh tế cho các nhà máy thủy điện nhỏ.

"Các nhà máy buộc phải chủ động phát điện thấp hơn công suất thiết kế để đảm bảo không bị sa thải khi công suất tăng đột biến mà không lường trước được”, đại diện các chủ đầu tư nêu.

Ngoài ra, theo phản ánh của các nhà đầu tư, một số nhà máy thủy điện đã phát vượt công suất thiết kế nhưng chưa được thanh toán sản lượng phát vượt, làm ảnh hưởng đến doanh thu của nhà đầu tư, cũng như kế hoạch trả nợ ngân hàng, kéo theo ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động.

Vì thế, các nhà đầu tư đề nghị EVNCPC thanh toán sản lượng phát vượt đã huy động, đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư, cho người lao động trong doanh nghiệp và đồng thời để thực hiện các khoản nghĩa vụ thuế, phí với ngân sách nhà nước theo quy định.

Các doanh nghiệp này cũng kiến nghị EVNCPC xem xét trong trường hợp không xảy ra quá tải lưới điện hoặc không ảnh hưởng đến an ninh hệ thống điện thì cho phép các Nhà máy thủy điện vừa và nhỏ được được phát tối đa công suất theo khả năng nguồn nước cho phép.

Trong bối cảnh ngành điện liên tục cảnh báo thiếu điện khi không còn dự phòng, việc huy động thêm những nguồn điện này ở một số thời điểm được chủ đầu tư kỳ vọng sẽ giúp hệ thống điện bớt căng thẳng.

EVNCPC nói chưa có quy định, chờ hướng dẫn

Tuy nhiên, dẫn các quy định của pháp luật như Thông tư 40/2014/TT-BCT ngày 5/11/2014 của Bộ Công thương, và Luật Điện lực, Phó tổng giám đốc EVNCPC Lê Hoàng Anh Dũng cho rằng: Hiện này, việc phát vượt công suất là chưa phù hợp theo quy định của Hợp đồng mua bán điện và Giấy phép hoạt động điện lực.

EVNCPC đã báo cáo cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn thực hiện huy động công suất phát vượt này.

“Hiện nay chưa có quy định cụ thể về việc thanh toán đối với phần sản lượng tương ứng với công suất phát vượt quy định nên EVNCPC chưa có cơ sở thực hiện. EVNCPC đã báo cáo cấp có thẩm quyền để được hướng dẫn xử lý đối với phần sản lượng này.

Sau khi cơ quan có thẩm quyền có ý kiến về việc cho phép các nhà máy thủy điện nhỏ phát lớn hơn công suất quy định thì sẽ xem xét sau”, ông Lê Hoàng Anh Dũng thông tin.

Đối với sản lượng điện đã phát vượt công suất ghi tại giấy phép hoạt động điện lực, đại diện EVNCPC cũng cho hay đã báo cáo cơ quan có thẩm quyền, đề nghị hướng dẫn xử lý phần công suất các thủy điện đã phát vượt công suất. Khi có hướng dẫn cụ thể thì EVNCPC sẽ xem xét thực hiện hạch toán, thanh toán cho nhà đầu tư.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/nha-dau-tu-thuy-dien-nho-muon-phat-dien-toi-da-nganh-dien-noi-gi-d598701.html