Nhà đầu tư Trung Quốc đổ xô vào các ETF theo dõi chứng khoán Nhật Bản và Mỹ
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm ngoái do hoài nghi về triển vọng phục hồi kinh tế nước này. Giờ đây, đến lượt nhà đầu tư cá nhân trong nước tháo chạy.
Chứng chỉ của một quỹ hoán đổi danh mục (ETF), do Công ty China Asset Management Co. (China AMC) phát hành, giao dịch ở mức cao hơn 14-20% so với giá trị tài sản ròng trong ba ngày đầu tuần này.
ETF này thu hút nhà đầu tư đến mức China AMC tạm dừng giao dịch trong một giờ vào ngày 25/1. Công ty đã lưu ý nhà đầu tư về sự chênh lệch lớn giữa giá chứng chỉ quỹ so với giá trị ròng, đồng thời cảnh báo, họ có thể chịu tổn thất nặng nề nếu đầu tư thiếu thận trọng.
Giám đốc đầu tư của bộ phận quản lý tài sản của Công ty môi giới UOB Kay Hian, Qi Wang, nói cơn sốt chứng khoán Mỹ và Nhật Bản hiện nay không khác gì cơn sốt bất động sản, bitcoin và vàng ở Trung Quốc cách đây nhiều năm.
Đầu tuần này, cơ quan chính phủ hàng đầu của Trung Quốc đã hối thúc các biện pháp mạnh nhằm ổn định thị trường và thúc đẩy lòng tin.
Việc nhà đầu tư Trung Quốc đẩy mạnh mua chứng chỉ của các quỹ ETF theo dõi cổ phiếu của Nhật Bản và Mỹ là dấu hiệu cho thấy các cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn ra sao trong việc thay đổi tâm lý nhà đầu tư giữa lúc thị trường chứng khoán trong nước bị cuốn vào giai đoạn lao dốc kéo dài nhiều năm.
Chỉ số bluechip CSI 300 của Trung Quốc mất 11,4% giá trị vào năm ngoái, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp sụt giảm. Chính điều này thúc đẩy nhà đầu tư Trung Quốc rót tiền vào cổ phiếu nước ngoài, bao gồm cả Nhật Bản và Mỹ, nơi chứng khoán bùng nổ vào năm 2023.
Theo Wind, nhà cung cấp dữ liệu tài chính, bốn ETF theo dõi chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản, niêm yết tại Trung Quốc, ghi nhận khối lượng giao dịch khoảng 3,3 tỷ USD trong tuần này tính đến ngày 25/1. Đó là khối lượng giao dịch hàng tuần lớn nhất từ trước đến nay đối với bốn quỹ này.
Nhà đầu tư Trung Quốc cũng đổ xô vào các ETF theo dõi thị trường chứng khoán Mỹ. Theo Wind, chứng chỉ của một ETF của China AMC, theo dõi chỉ số S&P 500 của Mỹ, đóng cửa phiên 24/1 với mức giá cao hơn 18% so với giá trị tài sản ròng. Mức chênh lệch này đã giảm xuống 5,8% vào ngày 25/1 sau khi nhà quản lý quỹ tạm dừng giao dịch trong một giờ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã rút khỏi thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm ngoái do hoài nghi về triển vọng phục hồi kinh tế nước này. Giờ đây, đến lượt nhà đầu tư cá nhân trong nước tháo chạy.
Hàng trăm triệu nhà đầu tư cá nhân của Trung Quốc có khối lượng giao dịch lớn nhất trên thị trường chứng khoán của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Năm ngoái, họ đã chuyển tiền từ cổ phiếu sang các tài sản an toàn hơn, bao gồm cả các quỹ thị trường tiền tệ, sau khi không còn hy vọng thị trường chứng khoán sẽ quay đầu.