Nhà đầu tư Việt quyên góp tiền số để đòi tự do cho Julian Assange
Một nhà đầu tư tại Việt Nam quyên góp cho AssangeDAO, quỹ kêu gọi trả tự do cho Julian Assange. Nhà đồng sáng lập Ethereum, Vitalik Buterin cũng quyên góp vào dự án này.
AssangeDAO bắt đầu gây quỹ vào ngày 3/2 nhằm đòi tự do cho nhà sáng lập WikiLeaks, Julian Paul Assange. Người này đã bị bắt vì tội danh công bố tài liệu mật của chính phủ Mỹ trên trang WikiLeaks.
Trả lời Zing, ông Nguyễn Bá Vượng, nhà đầu tư, kiêm quản trị viên của một cộng đồng tiền số tại Việt Nam, cho biết bản thân đã quyên góp khoảng 16,8 ETH, tương đương 53.000 USD vào AssangeDAO.
"Mình quyên góp với mục đích chính là lợi nhuận. Trước đây, lĩnh vực tiền số xuất hiện một dự án gây quỹ tương tự là ConstitutionDAO ($PEOPLE). Giá token PEOPLE cũng đã tăng hàng chục lần", ông Vượng chia sẻ.
ConsitutionDAO là một tổ chức tự quản phi tập trung (DAO- Decentralized Autonomous Organization), được sáng lập bởi Austin Cain và Graham Novak thông qua nền tảng Discord. Dự án này từng huy động được khoảng 40 triệu USD tiền quyên góp từ cộng đồng để đấu giá bản sao của Hiến pháp Mỹ.
Theo ông Vượng, dự án AssangeDAO được nhiều kênh thông tin uy tín và nhiều người có tầm ảnh hưởng tham gia. Do đó, có khá ít nguy cơ đây là một dự án lừa đảo.
"Đây là một 'kèo' đầu tư khá mạo hiểm của bản thân. Số tiền bỏ ra mình có thể chấp nhận mất. Chỉ mong dự án này sẽ có lối phát triển giống như ConsitutionDAO", ông Vượng cho biết.
Ra mắt vào ngày 10/12, AssangeDAO do người nhà của Julian Assange thành lập. Quỹ được tạo ra nhằm phản đối việc một tòa án ở Anh yêu cầu dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks về Mỹ.
Hiện Julian Assange bị giam giữ ở Anh. Nếu bị dẫn độ về Mỹ, ông có thể đối mặt với bản án 175 năm tù. Theo trang gây quỹ Juicebox, sau 6 ngày, AssangeDAO đã kêu gọi thành công 17.422 ETH, tương đương 54,2 triệu USD.
Theo mô tả, AssangeDAO sẽ sử dụng số Ethereum mà người dùng đã quyên góp để tham gia đấu giá bộ sưu tập NFT do nghệ sĩ kỹ thuật số nổi tiếng Pak sản xuất.
Người này từng hợp tác với Julian Assange trong các tác phẩm NFT có tên "Censored". CoinDesk cho biết số tiền thu được từ buổi đấu giá sẽ được xung vào quỹ Wau Holland để bảo vệ pháp lý cho Julian Assange.
"Cũng giống như trước đây, nhiều khoản đóng góp cho việc gây quỹ của Assange tuy nhỏ, nhưng tổng lại là rất lớn. Mọi đóng góp đều là yếu tố làm nên thành công của @AssangeDAO", Stella Morris, vợ của Julian Assange chia sẻ trên Twitter.
Tối 9/2, buổi đấu giá hoàn tất, AssangeDAO mua thành công NFT của nghệ sĩ Pak với giá 16.593 ETH, tương đương hơn 53,1 triệu USD. Số tiền này đã được chuyển vào quỹ Wau Holland.
Khi quyên góp ETH vào AssangeDAO, người dùng sẽ được phân phối $JUSTICE. Người nắm giữ token này có thể tham gia bỏ phiếu cho các lần đề xuất của AssangeDAO trong tương lai. Nhà đồng sáng lập nền tảng blockchain Ethereum, Vitalik Buterin cho biết trên Twitter rằng ông cũng đã quyên góp 10 ETH, tương đương 30.080 USD vào AssangeDAO.
Sau buổi đấu giá, nhà phát triển phân phối token JUSTICE cho người quyên góp. Đồng thời, loại tiền số này cũng được niêm yết trên sàn giao dịch phi tập trung Uniswap hôm 9/2, với khối lượng giao dịch đạt gần 19,5 triệu USD.
Trả lời Zing, ông Nguyễn Bá Vượng cho biết bản thân đã lời khoảng 50% vốn ban đầu sau khi nhận được token JUSTICE. "Mình đã bán 50% số tài sản trên và chờ mua lại khi giá đi ngang", Ông Vượng cho biết.
Việc tham gia vào các dự án DAO có thể đi kèm với rủi ro lớn vì không có quy định cụ thể về loại hình đầu tư này. Theo TechCrunch, hầu hết bang của Mỹ chưa có khung pháp chế cho DAO. Do đó, nhà phát triển và người tham gia phải chịu trách nhiệm pháp lý cao hơn với cổ đông của những công ty truyền thống.
Julian Paul Assange là một lập trình viên người Úc và là người sáng lập WikiLeaks. Sau khi công bố thông tin mật của chính phủ Mỹ, nền tảng này thu hút sự chú ý của người dùng.
Hiện ông bị giam giữ tại Anh. Ngay trước khi bị bắt, ông ở trong sứ quán Ecuador với tư cách là người xin tị nạn và đã sống trong Đại sứ quán Ecuador ở London từ năm 2012. Julian Assange đang đấu tranh pháp lý để không bị dẫn độ về Mỹ. Nước này buộc tội ông âm mưu đột nhập máy tính của chính phủ và vi phạm luật gián điệp khi WikiLeaks công bố các bức điện mật vào năm 2010-2011.
Thông tin về loại coin/token trong bài viết không phải là lời khuyên đầu tư từ Zing News. Hoạt động đầu tư tiền số chưa được pháp luật Việt Nam công nhận và bảo vệ. Các loại tiền số luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro tài chính.