Nhà để ở, không phải để đầu cơ

Suốt thời gian dài, Đài Hà Nội thường xuyên phản ánh những dấu hiệu phát triển không lành mạnh của thị trường bất động sản, đặc biệt là tình trạng mất cân đối cung - cầu; hiện tượng đầu cơ nhà, đất; chiêu trò tạo sốt ảo để tăng giá một cách phi lý.

Để người dân có nhà ở là chính sách xuyên suốt được Đảng và Nhà nước chỉ đạo triển khai thực hiện. Nhưng thực tế, chỉ có các dự án xây nhà để bán, kể cả nhà ở xã hội. Mục tiêu và hành động đang có sự lệch nhau?

Giá nhà bị đẩy cao đến mức phi lý, vượt xa tầm với của phần đông người dân đang gây nhiều hệ lụy đến đời sống xã hội. Năm 2023, thu nhập bình quân của người lao động ở Hà Nội là 135 triệu đồng/năm. Nếu một người dùng toàn bộ số tiền lương để mua nhà thì phải mất 23 năm mới mua được một căn hộ chung cư và 123 năm nếu muốn sở hữu nhà riêng.

Ước mơ có nhà ngày càng trở nên xa vời đối với phần đông người lao động. Anh Lê Khắc Sáu, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, chia sẻ: "Hiện nay giá nhà đang bị thổi phồng lên quá mức. Nó rất là vô lí so với mức thu nhập của người dân Việt Nam. Nếu mà những người làm công ăn lương hoặc là viên chức thông thường thì chắc chắn giấc mơ để sở hữu một ngôi nhà rất là khó khăn".

Sự việc "đất trúng đấu giá cao bất thường" ở Thanh Oai.

Sự việc "đất trúng đấu giá cao bất thường" ở Thanh Oai.

Nhà, đất không để ở mà dành phần lớn để đầu cơ. Một thống kê cho thấy có tới 70% nhà, đất được mua với mục đích đầu cơ.

Một khi nhà, đất được xem là tài sản sinh lời, thì việc sử dụng chiêu trò lợi dụng đấu giá trả giá cao để "kích sóng", "sốt ảo" sẽ xảy ra. Câu chuyện từ đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm, TP. Hồ Chí Minh hay việc đất trúng đấu giá cao bất thường ở Thanh Oai và mới đây là Hoài Đức là một ví dụ.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, đặt câu hỏi: "Liệu giá cả có thực sự phù hợp với thị trường không hay lại được làm giá thông qua các chiêu trò của giới đầu cơ?”.

Thị trường bất động sản đang bị lũng đoạn. Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản được điều chỉnh có hiệu lực sớm từ ngày 1/8 nhằm bịt kín các khoảng trống pháp lý, ngăn chặn đầu cơ, đưa nhà, đất trở lại đúng với giá trị thực. Nhưng điều này vẫn là chưa đủ, nếu Nhà nước không khẩn trương bổ sung chính sách thuế để ngăn chặn đầu cơ bất động sản.

Thị trường bất động sản đang bị lũng đoạn bởi các hành vi đầu cơ.

Thị trường bất động sản đang bị lũng đoạn bởi các hành vi đầu cơ.

Ông Bùi Ngọc Sơn, chuyên gia kinh tế, cho biết: "Điều tiết về mặt tài nguyên là dùng thuế để điều tiết, để làm sao tài nguyên được sử dụng một cách hiệu quả nhất, đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của thuế. Nếu sở hữu số lượng nhiều hoặc giá trị cao thì phải đóng thuế nhiều. Mà thuế đó còn tăng theo thời gian. Nếu như càng bỏ phí lâu thì thuế còn phải tăng lên nữa, thì phải cung ra để bán. Thì dòng hàng hóa đó mới liên tục được. Nếu không sẽ tạo ra lỗ hổng để người ta đầu cơ thoải mái".

Ở Việt Nam, dữ liệu giai đoạn từ 2003 tới nay cũng đủ để nói lên hậu quả của tình trạng sốt giá bất động sản do nạn đầu cơ. Tình trạng này nếu không ngăn chặn sẽ gây tác hại cho cả nền kinh tế, ngay cả các cường quốc cũng gánh chịu hậu quả. Sốt giá bất động sản ở Nhật Bản diễn ra suốt thập kỷ 1980 đã gây ra khủng hoảng ngân hàng suốt thập kỷ 1990. Ở Hoa Kỳ, cũng đã gây ra khủng hoảng tài chính toàn thế giới năm 2008 mà phải 5 năm sau mới tạm yên.

Nhà đất không để ở mà chủ yếu để đầu cơ đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Rõ nhận thấy nhất là tại các đô thị lớn, đất nền, nhà liền kề, biệt thự bị bỏ hoang không ít. Nhiều khu đô thị, khu đấu giá đất đã hoàn thành cả chục năm, nhưng đến nay vẫn thưa thớt người đến ở.

Mỹ Lan

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/nha-de-o-khong-phai-de-dau-co-262227.htm