Biện pháp đủ mạnh để ngăn đầu cơ nhà đất

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam tiếp tục đề xuất đánh thuế với bất động sản thứ hai hướng tới những đối tượng tích lũy, đầu cơ để giá nhà đất tăng giảm theo đúng thị trường, kiềm chế giá nhà.

Nhà đất 'rơi’ vào tay người giàu, giá liên tục tăng cao

Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho hay, tình trạng nhà hoang, biệt thự hoang, khu đô thị hoang ngày càng xuất hiện nhiều. Ngay tại các thành phố lớn, nơi được cho là đất chật, người đông tình trạng này vẫn nhan nhản cho thấy nghịch cảnh giữa một bên đất, nhà hoang hóa và một bên là cảnh người dân chật vật, làm cả đời cũng chưa chắc mua nổi một mảnh đất, căn nhà.

“Thực trạng này không chỉ gây lãng phí tài nguyên đất đai mà còn tạo ra bất công xã hội, khi phần lớn nguồn cung nhà đất đang ngày một khan hiếm, vẫn tiếp tục 'rơi' vào tay những người dư dả tài chính. Họ sở hữu một vài thậm chí là hàng chục, hàng trăm bất động sản nhưng để hoang, ôm đất chờ thời, dẫn đến tăng giá nhà đất, khiến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân ngày một hạn chế”, VARS đánh giá.

Cũng theo VARS, việc các nhà đầu tư đầu cơ - găm hàng khi hàng hóa khan hiếm, không có để bán rồi để hoang chờ tăng giá hoặc tạo khan hiếm giả để đẩy giá lên nhằm tìm kiếm lợi nhuận cao, đang rất phổ biến, xảy ra từ các khu vực đô thị tới nông thôn. Gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển quỹ đất, quan hệ cung cầu, ảnh hưởng tới nền kinh tế trong dài hạn.

VARS cho rằng, sắc thuế cần áp dụng với ngôi nhà thứ hai trở lên. Việc người có nhiều tài sản, tài sản lại không ngừng sinh lời thì việc nộp thuế nhiều hơn là điều đương nhiên. Thực tế, hầu hết người mua nhà trong thời gian qua là người mua nhà thứ hai, thứ ba.

Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá bất động sản liên tục tăng, chưa có tín hiệu giảm.

Nhan nhản những ngôi nhà tiền tỷ được xây dựng dở dang hoặc đã xong phần thô bị bỏ hoang tại Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo

Nhan nhản những ngôi nhà tiền tỷ được xây dựng dở dang hoặc đã xong phần thô bị bỏ hoang tại Hà Nội. Ảnh: Thạch Thảo

Theo dữ liệu của đơn vị này, chỉ số giá chung cư trong quý II tại Hà Nội, TPHCM tăng lần lượt 58% và 27% so với cùng kỳ năm 2019. Phân khúc trung cấp ngày càng khan hiếm và hơn 80% nguồn cung căn hộ mở bán mới năm nay có giá trên 50 triệu đồng/m2.

Không riêng dự án mới, giá chung cư cũ cũng tăng vọt. Nhiều căn hộ qua sử dụng hàng chục năm vẫn được rao giá gấp 2-3 lần so với lúc mở bán. Phân khúc biệt thự, liền kề hay đất nền vùng ven cũng có dấu hiệu tăng giá, bởi một số nhóm nhà đầu tư tạo cung, cầu giả để trục lợi.

Do đó, để điều tiết thị trường phát triển theo hướng an toàn, lành mạnh, bền vững, để giá đất tăng giảm theo đúng thị trường, theo VARS, việc ban hành chính sách thuế bất động sản là công việc cấp bách, không thể thấy khó mà bỏ qua.

Đánh thuế bất động sản được nhiều hơn mất

VARS đề xuất chính sách thuế bất động sản áp cho hai đối tượng, gồm người mua căn nhà thứ hai trở lênchủ sở hữu bỏ hoang dự án. Mức thuế sẽ tăng dần với giao dịch mà người bán có thời gian sở hữu ngắn.

Như tại Singapore, người mua nhà đều phải trả phí 20% giá trị bất động sản cho căn nhà thứ hai, 30% cho căn nhà thứ ba. Chủ sở hữu bán nhà trong năm đầu sẽ phải đóng thuế 6% giá trị bất động sản, bán vào năm thứ 2 đóng thuế 8%, năm thứ 3 là 4% và sau năm thứ tư không bị áp thuế, phí này.

VARS cũng đề nghị, trường hợp chủ sở hữu không xây dựng dự án sau khi nhận đất cũng phải chịu thuế bỏ hoang bất động sản. Cách này được Hàn Quốc áp dụng, đất bỏ hoang hoặc đang trong quá trình cải tạo đất quá 2 năm bị đánh thuế 5% và thuế suất tăng dần theo số năm bỏ hoang nhà đất, 5 năm đánh thuế 8%, 7 năm đánh thuế 9%, bỏ hoang hơn 10 năm đánh thuế 10%. Tại Mỹ, đất bỏ hoang bị đánh thuế 3%...

Tuy nhiên, hiệp hội này cũng nhìn nhận, việc sử dụng công cụ thuế để điều tiết thị trường gặp không ít thách thức. Trong đó, đòi hỏi đầu tư lớn về công nghệ và nguồn nhân lực, bởi để làm căn cứ xác định đâu là ngôi nhà thứ hai, thứ ba... sử dụng hiệu quả và minh bạch công cụ thuế, cơ quan quản lý Nhà nước cần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản.

VARS cũng khuyến nghị cân nhắc tác động tiêu cực có thể có, như việc đánh thuế có thể khiến người dân bị “kiệt quệ” sức mua, dẫn đến các hệ lụy khác về lâu dài với nền kinh tế hoặc tạo ra các lỗ hổng pháp lý khi người giàu vẫn có thể lách thuế bằng cách chuyển quyền sở hữu tài sản thứ 2, thứ 3,... cho người thân, giá thuê nhà tăng để bù đắp chi phí cấu thành từ việc đóng thuế...

"Chính sách nào khi mới đưa ra cũng có vướng mắc, vấn đề là cân nhắc được - mất. Việc đánh thuế bất động sản cũng vậy và được sẽ nhiều hơn mất", VARS nhận định.

Trong một hội thảo mới đây, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng, nếu cơ chế chỉ dùng mỗi Luật Đất đai thực hiện trên cơ sở bỏ khung giá đất, xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường thì giá nhà đất vẫn có khả năng chỉ tăng không giảm.

Ông Hiếu nhấn mạnh, không chỉ là cần thiết mà rất cấp bách trong việc ban hành chính sách thuế với bất động sản. “Chỉ khi can thiệp về thuế, giá nhà đất sẽ tăng giảm theo đúng thị trường. Khởi động dự án thuế này sẽ tác động ngay đến thị trường bất động sản; nếu không làm sẽ không giải quyết được bài toán trên”, ông Hiếu nói.

Hồng Khanh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/bien-phap-du-manh-de-ngan-dau-co-nha-dat-2322019.html