Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ: Biết ơn những anh hùng hy sinh vì sự bình yên của nhân dân

Tên tuổi của nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ đã vụt sáng tại Triển lãm Điêu khắc toàn quốc năm 2023 với tác phẩm gỗ đạt giải Ba mang tên 'Anh hùng'. Bức tượng có tỉ lệ 1:1, khắc họa hình ảnh 3 người lính cứu hỏa hy sinh khi làm nhiệm vụ dập đám cháy tại quận Cầu Giấy năm 2022.

Giải thưởng lớn nhất

Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ thường sáng tác theo đề tài tự do về tình yêu, phụ nữ… Anh còn thử tài ở đề tài lãnh tụ trong thể hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tuy nhiên, các tác phẩm mới dừng lại ở việc được trưng bày tại Festival Mỹ thuật trẻ năm 2014, 2017, hoặc Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2015 và một số triển lãm nhóm, còn mong ước về một giải thưởng lớn thì anh vẫn chưa chạm tay tới. Bất ngờ đã đến với anh khi lần đầu tiên sáng tác về lực lượng Công an nhân dân nói chung và sự hy sinh của các chiến sĩ PCCC nói riêng. Tác phẩm điêu khắc gỗ mang tên “Anh hùng” đã đạt giải Ba tại Triển lãm Điêu khắc toàn quốc năm 2023 - giải thưởng lớn nhất anh giành được từ trước tới nay.

Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ (bên phải, người thứ 2) bên bức tượng gỗ “Anh hùng” đoạt giải Ba, Triển lãm Điêu khắc toàn quốc năm 2023

Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ (bên phải, người thứ 2) bên bức tượng gỗ “Anh hùng” đoạt giải Ba, Triển lãm Điêu khắc toàn quốc năm 2023

Nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ (SN 1987), tốt nghiệp Khoa Điêu khắc, Cao học, Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Hiện anh là nghệ sĩ tự do, giảng viên thỉnh giảng Khoa Điêu khắc, Đại học Mỹ thuật Việt Nam.

Kể về quá trình sáng tác bức tượng, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ cho biết, năm 2022, cũng như bao người dân Hà Nội, anh bàng hoàng khi hay tin 3 chiến sĩ Cảnh sát PCCC hy sinh trong khi làm nhiệm vụ dập tắt đám cháy tại quận Cầu Giấy. Sự hy sinh quả cảm của những người lính giữa thời bình khiến anh cảm thấy đau đớn, xót xa. Là một nhà điêu khắc, anh bắt tay ngay vào thực hiện tác phẩm “Anh hùng” như sự tôn vinh và tri ân những người lính thầm lặng. “Tôi khắc họa hình ảnh 3 chiến sĩ đã hy sinh, đó là Thượng tá Đặng Anh Quân, Thượng úy Đỗ Đức Việt và Hạ sĩ Nguyễn Đình Phúc. Đây cũng là lời tri ân tới lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn vì có những hành động xả thân vì nhân dân” - nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ tâm sự.

Nhà điêu khăc Nguyễn Văn Tuệ đã dành gần 1 năm để hoàn thành tác phẩm, từ lúc lên ý tưởng, phác thảo trên đất đến chuyển thể lên gỗ. Khó khăn nhất để thực hiện tác phẩm chính là thể hiện được tinh thần của các chiến sĩ. Anh đã chọn thời điểm các chiến sĩ bước ra từ hiện trường khi đã cứu nạn xong, nhưng vẫn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với giặc lửa. Tác phẩm có kích thước theo tỷ lệ thật, giữ được hình ảnh dung dị, bình tĩnh và tinh thần dấn thân của các chiến sĩ. Song song với tác phẩm “Anh hùng” đạt giải Ba và được bày tại Bảo tàng Hà Nội, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ còn làm tác phẩm chân dung 3 liệt sĩ bằng gỗ và tự tay anh mang tới từng gia đình tặng tác phẩm. Anh làm công việc này lặng lẽ bằng tất cả tấm lòng của một người dân cảm ơn thân nhân các gia đình liệt sĩ và hy vọng, các bức tượng chân dung sẽ phần nào an ủi được nỗi đau mất người thân của cha mẹ, vợ con những người lính. Khi nhận tượng, các gia đình đều cho biết, tác phẩm có tạo hình giống người đã khuất. Họ có chút lắng đọng như nhìn thấy người thân của mình ở đó.

Chân dung 3 liệt sĩ PCCC và CNCH được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ tặng gia đình các liệt sĩ

Chân dung 3 liệt sĩ PCCC và CNCH được nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ tặng gia đình các liệt sĩ

Ấp ủ các dự án tiếp theo

Cũng từ 3 lần trao tặng tượng liệt sĩ, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ đã có mối quan hệ thân tình với cả 3 gia đình chiến sĩ PCCC đã hy sinh. Điều đó làm anh rất vui vì đã bày tỏ lòng tri ân tới các bậc làm cha làm mẹ, tới vợ con các đồng chí công an.

Về lý do chọn chất liệu gỗ để thể hiện tác phẩm, nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ cho biết, gỗ có tính tự nhiên, gần gũi. Về tạo hình, người xem sẽ nhìn thấy vân nên khi sơn màu sẽ tạo chiều sâu cho tác phẩm. Sau trưng bày tại Triển lãm Điêu khắc toàn quốc năm 2023, tác phẩm “Anh hùng” đã được Nguyễn Văn Tuệ tặng cho Bảo tàng Công an nhân dân thay vì bán cho các nhà sưu tầm. Cho dù đến nay anh đã nhận được không ít lời ngỏ ý mong muốn sở hữu tác phẩm, nhưng nghệ sĩ cho biết: “Tôi làm tác phẩm này bằng tình cảm và sự tri ân gửi tới gia đình các chiến sĩ đã hy sinh, không vì mục đích thương mại. Vì thế, tôi sẽ tặng tác phẩm cho Bảo tàng Công an nhân dân để thế hệ mai sau được biết tới sự hy sinh anh dũng của những người lính đã chiến đấu với giặc lửa”.

Thành công ngay từ lần sáng tác đầu tiên về các chiến sĩ Cảnh sát PCCC và CNCH đã tạo ra động lực để nhà điêu khắc Nguyễn Văn Tuệ bước tiếp, sáng tạo nên các tác phẩm đẹp, khắc họa những cống hiến của lực lượng Công an nhân dân. Theo chia sẻ của nghệ sĩ, đi sâu vào thực tế anh mới biết, ngay giữa lúc đất nước không còn bom đạn, nhưng máu của những người chiến sĩ Công an vẫn đổ xuống cho màu xanh của ngày hôm nay. Sự hy sinh nào cũng đáng trân trọng, đáng được ghi danh và tạc tượng. Có những hy sinh thầm lặng và có cả những hy sinh được nhân dân biết tới. Hiện anh đang ấp ủ một vài dự án và nếu có điều kiện sẽ thực hiện tác phẩm về những người đã hy sinh vì đất nước như ngành công an hay một số ngành nghề khác như quân đội, y tế, giao thông…

Chị Nguyễn Thu Huyền - vợ Liệt sĩ Công an nhân dân Đặng Anh Quân: Trân quý tình cảm của nhà điêu khắc

Bức tượng đến vào thời điểm những đau thương vẫn đang hiện hữu trong gia đình. Chúng tôi trân quý tình cảm của tác giả đã dành tặng các liệt sĩ cũng như gia đình liệt sĩ. Hàng ngày, ngắm bức tượng tôi cảm giác như chồng tôi vẫn ngồi đó, vẫn lắng nghe những câu chuyện của vợ, vẫn ngắm hoa vợ cắm, vẫn dõi theo cuộc sống thường nhật của gia đình. Cảm ơn tác giả thật nhiều. Đó là một tác phẩm rất có hồn.

Họa sĩ Lê Ngọc Huyền: Ấp ủ vẽ tranh về các chiến sĩ Công an

Trong chiến tranh, dòng họ, gia đình nào cũng có người là liệt sĩ. Khi hòa bình, xương máu của các chiến sĩ công an, quân đội vẫn tiếp tục đổ xuống. Nhà tôi ở phố Khương Đình (quận Thanh Xuân), vừa rồi có xảy ra đám cháy làm mấy chục người tử vong. Lúc hỏa hoạn xảy ra, chân tay tôi bủn rủn vì sợ và bất lực không làm được gì được. Thế mà các chiến sĩ cứu hỏa vẫn lao vào trong đó để cứu người, họ đúng là những con người dũng cảm.

Con ngõ trong phố Khương Đình rất nhỏ, xe cứu hỏa không thể tiếp cận hiện trường. Các chiến sĩ PCCC và CNCH đã thay nhau lấy nước ở nhà dân để chữa cháy. Dưới sức nóng như hỏa ngục, họ gần như kiệt sức. Nhưng chỉ nằm tạm xuống đất để thay nhau nghỉ một chút, họ lại vùng dậy tiếp tục công việc, hình ảnh ấy khiến tôi rất xúc động. Cuộc sống ngày nay khiến con người có phần ích kỷ, sống cho bản thân nhiều hơn, thì ngoài kia vẫn có những chiến sĩ công an sẵn sàng hy sinh tính mạng, hy sinh cuộc sống bản thân để cứu người, để triệt phá một đường dây ma túy hay để điều tra một vụ án… Sự hy sinh của họ rất đáng trân trọng.

Khi còn trẻ, tôi hay tham gia các cuộc thi. Nhưng hiện nay tôi trầm tư hơn và thích vẽ những điều mình quan tâm. Gia đình tôi có nhiều liệt sĩ tham gia các cuộc kháng chiến của dân tộc. Tôi đã từng có bức tranh lụa “Mẹ liệt sĩ” lấy cảm hứng từ hình ảnh người bà trong gia đình luôn đau đáu nhớ về con trai đã hy sinh nhưng chưa tìm thấy mộ. Từ việc tận mắt chứng kiến đám cháy xảy ra trong phố, việc vẽ một bức tranh về các chiến sĩ PCCC và CNCH đang được tôi nung nấu. Tôi nghĩ, khi nào đủ độ chín về tư duy sẽ ra tác phẩm thôi (cười).

Nhà thơ Đặng Vương Hưng: Có rất nhiều những hy sinh thầm lặng

Tôi làm công việc sưu tầm, nghiên cứu tư liệu chiến tranh nhiều năm nay, cũng là người khởi xướng và trực tiếp tham gia Ban tổ chức Cuộc vận động sưu tầm và tuyên truyền kỷ vật lịch sử Công an nhân dân (2012 - 2015), nên nhận ra một điều: Do đặc thù nghề nghiệp đòi hỏi phải bảo mật rất cao, nên nhiều chiến công, nhiều hy sinh, mất mát của lực lượng Công an nhân dân trong kháng chiến ít được nhắc đến. Đó là những sự hy sinh thầm lặng. Những kỷ vật, di vật có nội dung chữ và hình ảnh của các liệt sĩ Công an nhân dân là rất hiếm hoi.

Trong bộ sách “Nhật ký thời chiến Việt Nam” do chúng tôi sưu tầm, biên soạn và giới thiệu (4 tập, mỗi tập dày hơn 1.000 trang, xuất bản năm 2020), thật may mắn có một tác phẩm mang tên “Gửi lại mai sau” (in trong tập đầu tiên) của tác giả Nguyễn Hải Trường (tức Liệt sĩ Công an nhân dân Nguyễn Minh Sơn, 1930 - 1967) quê ở Thanh Hóa. Ông là một cán bộ công an chi viện cho chiến trường miền Nam. Điều thú vị là mặc dù thuộc thể loại nhật ký (người thật, việc thật), nhưng để bảo mật nên ông đã tự đổi tên mình, tên người thân, phiên hiệu đơn vị… Gần đây, Tổ chức Trái tim người lính có ý tưởng phối hợp với Hội Cựu Công an nhân dân các đơn vị, địa phương, sưu tầm và phục dựng di ảnh màu “Mãi mãi tuổi 20” cho các Liệt sĩ Công an nhân dân đã hy sinh trong kháng chiến. Hy vọng việc đó sẽ góp thêm một phần nhỏ, để cộng đồng xã hội biết nhiều hơn đến những cống hiến của lực lượng Công an nhân dân.

NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: Sẽ có một chương trình xiếc tri ân các chiến sĩ Công an nhân dân

Là một nghệ sĩ, đồng thời là nhà quản lý, đạo diễn, tôi có khát khao chuyển hóa hình tượng người chiến sĩ Công an từ thực tế lên sân khấu để lan tỏa đến nhiều đối tượng khán giả, đặc biệt là khán giả nhỏ tuổi. Đây là một hình thức giáo dục đặc biệt hiệu quả để tri ân các chiến sĩ Công an đã hy sinh xương máu và bản thân bảo vệ cuộc sống bình yên của nhân dân. Tôi đã có 6 năm thực hiện chương trình “Đi cùng năm tháng” tri ân các chiến sĩ Quân đội nhân dân, năm sau tôi sẽ thực hiện một chương trình riêng về lực lượng Công an nhân dân. Hiện tôi đã lên kịch bản, ý tưởng để thể hiện chương trình, dự kiến sẽ ra mắt vào dịp Kỷ niệm Ngày thành lập lực lượng Công an nhân dân 19-8. Cái khó của chương trình tri ân các chiến sĩ Công an nhân dân là làm sao không lộ bí mật nghiệp vụ mà vẫn tôn vinh được những người lính. Tôi đã tìm ra chìa khóa để giải quyết được khó khăn này. Còn cụ thể như thế nào, xin được giữ bí mật tới ngày chương trình ra mắt.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nha-dieu-khac-nguyen-van-tue-biet-on-nhung-anh-hung-hy-sinh-vi-su-binh-yen-cua-nhan-dan-post584255.antd