Nhà giáo cần có chứng nhận nghề nghiệp | Hà Nội tin mỗi chiều
Nhà giáo cần có chứng nhận nghề nghiệp; 'Phiên chợ 0 đồng' chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn… là những nội dung chính trong chương trình hôm nay.
Nhà giáo cần có chứng nhận nghề nghiệp
Bộ Giáo dục và đào tạo đang lấy ý kiến từ các cơ quan chuyên môn, chuyên gia, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục… để xây dựng dự án Luật Nhà giáo. Trong nhiều nội dung được đưa ra bàn thảo, quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp đang thu hút sự quan tâm.
Theo Bộ GD-ĐT, giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo do cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền của Việt Nam cấp cho người đạt chuẩn nghề nghiệp nhà giáo, đáp ứng yêu cầu để hoạt động nghề nghiệp nhà giáo. Giáo viên đã có quyết định tuyển dụng và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đương nhiên sẽ được cấp, không cần phải trải qua bất kỳ đợt sát hạch nào. Đối với những người đã tốt nghiệp các trường ĐHSP hoặc tốt nghiệp những ngành nghề khác muốn trở thành giáo viên thì sau khi hoàn thành thời gian tập sự, được công nhận đạt kết quả tập sự và đáp ứng các tiêu chuẩn khác thì được cấp giấy chứng nhận. Các nhà giáo nghỉ hưu, nếu có nguyện vọng, cũng sẽ được cấp giấy chứng nhận này như một sự ghi nhận cống hiến đối với sự nghiệp giáo dục.
TS Vũ Minh Đức - Cục trưởng cục Nhà giáo (Bộ GD-ĐT) cho biết, giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ thay thế hai giấy tờ quan trọng: Quyết định công nhận hết thời gian tập sự của giáo viên và giấy chứng nhận hoàn thành bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Nếu giáo viên được cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp thì không cần phải có hai loại giấy này nữa và thủ tục giấy tờ sẽ bớt đi. Theo Cục trưởng cục Nhà giáo, hiện nay chỉ nhà giáo công tác tại khu vực công lập được tham gia bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trong khi giáo viên ở khu vực ngoài công lập lại không có. Do vậy, quy định giấy chứng nhận nghề nghiệp nhằm tạo sự bình đẳng giữa nhà giáo làm việc ở cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập. Với giấy chứng nhận này, nhà giáo có thể chuyển từ đơn vị này sang đơn vị kia một cách dễ dàng.
Hiện nay, nhiều giáo viên được tuyển dụng vẫn phải trải qua thời gian thử việc hay tập sự. Nếu có giấy chứng nhận nghề nghiệp, coi như giáo viên đã đáp ứng được yêu cầu. Khi có chứng nhận nghề nghiệp, giảng viên đại học khi tham gia hoạt động hợp tác quốc tế, giảng dạy ở nước ngoài, nếu nước sở tại có thỏa thuận với Việt Nam về việc công nhận trình độ, nghề nghiệp thì hoạt động liên kết, hợp tác sẽ rất thuận lợi. Hiện nay nhiều nước đã sử dụng chứng nhận nghề nghiệp và Việt Nam cần triển khai để phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nước ta có hơn 1,6 triệu nhà giáo, trong đó có gần 80.000 giảng viên ĐH, CĐ với hơn 48.000 thạc sĩ, hơn 24.000 tiến sĩ, gần 5.000 giáo sư, phó giáo sư. Biên chế sự nghiệp của ngành giáo dục chiếm khoảng 70% tổng biên chế sự nghiệp cả nước. Chuẩn nghề nghiệp với giáo viên hiện theo luật Giáo dục năm 2019 và các hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Ở mỗi bậc học, giáo viên, giảng viên tùy theo năm công tác, có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và đáp ứng các tiêu chí của bộ sẽ được phân hạng, từ hạng I đến hạng III. Đây là cơ sở để xếp lương trong các trường công lập. Những giáo viên, giảng viên trường tư khi chuyển sang khu vực công lập phải thi tuyển viên chức, học và thi chứng chỉ chức danh nghề nghiệp cùng một số quy định khác. Việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp phù hợp với hiện thực giáo dục và chính sách đổi mới giáo dục. Nó tạo sự đồng bộ vì nhiều ngành nghề liên quan đến con người cũng có chứng nhận nghề nghiệp, giấy phép hành nghề.
Đối với một số ngành nghề đặc thù như bác sĩ, luật sư, giáo viên, nhà tâm lý… nhiều quốc gia đã áp dụng quy định phải có chứng nhận nghề nghiệp. Tức là đối với một người đã được đào tạo, để xác định có đủ năng lực, kiến thức để hành nghề đã được đào tạo hay không thì cần có thêm một giấy phép khác. Những quy định liên quan đến cấp giấy chứng nhận sẽ khiến cho những người hành nghề có ý thức, động lực hơn trong việc tuân thủ quy định pháp luật, cũng như có ý thức, động lực để tự cập nhật kiến thức và tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp theo đúng yêu cầu.
"Phiên chợ 0 đồng" chia sẻ với những người có hoàn cảnh khó khăn
Những ngày cận Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hàng loạt phiên “chợ 0 đồng” lại được các cấp Hội Chữ thập đỏ cùng các đoàn thể, đơn vị tổ chức. Tại đây, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn được phát phiếu, sau đó lựa chọn, đổi hàng hóa đang bày bán trên các gian hàng. Hàng hóa do doanh nghiệp cung cấp có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng bảo đảm. Ngoài ra, người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn còn được tặng quà là hiện vật hoặc tiền mặt. Đây là một trong những chương trình nhiều ý nghĩa, nhằm sẻ chia, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn đón Tết cổ truyền thêm ấm áp.
Năm 2023, kinh tế tăng trưởng chậm và thấp hơn mục tiêu đề ra, chủ yếu do tác động từ kinh tế thế giới, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân của người lao động năm 2023 là 7,1 triệu đồng/người/tháng, tăng 6,9%, tương ứng 459.000 đồng so với năm 2022. Số người trong độ tuổi lao động thất nghiệp là hơn 1 triệu người, giảm 14.600 người so với năm 2022. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là hơn 918 ngàn người, giảm gần 80.000 người so với năm trước.
Tuy nhiên, thu nhập trung bình của người lao động vẫn được đánh giá là khá thấp so với mặt bằng thu nhập chung cũng như so với giá cả hàng hóa và mức chi tiêu của xã hội. Dù số người thất nghiệp giảm, song số lao động phi chính thức làm các công việc thiếu tính ổn định, thu nhập bấp bênh vẫn chiếm hơn một nửa số lao động có việc làm.
Tương thân tương ái, “lá lành đùm lá rách” là truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh phiên “chợ 0 đồng” còn có những chuyến hàng Việt đến vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp, khu chế xuất để phục vụ người lao động. Doanh nghiệp xây dựng chương trình khuyến mại, giảm giá để người lao động tiếp cận được hàng hóa chất lượng với giá rẻ. Và cả những chuyến xe miễn phí đưa đón người lao động về quê ăn Tết hay trở lại làm việc... Sự sẻ chia, quan tâm, hỗ trợ không chỉ mang ý nghĩa về vật chất, mà hơn thế là ý nghĩa về tinh thần, nhân lên những điều tốt đẹp.
Không chỉ dịp lễ Tết, việc hỗ trợ người lao động, người có hoàn cảnh khó khăn cần được thực hiện thường xuyên. Đó là hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa để nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động. Đó là sớm hoàn thành chương trình nhà ở cho công nhân khu công nghiệp để họ sớm an cư lạc nghiệp. Đồng thời, các cấp, ngành chức năng thường xuyên rà soát, kịp thời hỗ trợ những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn. Sự trợ giúp không chỉ là hiện vật cụ thể mà còn là cơ chế, chính sách, giải pháp để giảm hộ nghèo, hộ khó khăn, tạo việc làm ổn định, giảm tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ người lao động làm công việc không ổn định, thu nhập bấp bênh./.