Nhà giáo, chiến sĩ Bùi Hữu Cải

Trong những năm tháng oanh liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hòa cùng khí thế sục sôi của hàng vạn thanh niên Việt Nam yêu nước, nhà giáo Bùi Hữu Cải, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) tạm xếp bút nghiên, phấn trắng, bảng đen và học trò thân yêu, hăng hái lên đường ra trận. Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ”, thầy giáo Cải cùng đồng đội góp phần viết nên trang sử vàng về truyền thống anh dũng, kiên cường của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đất nước độc lập, thống nhất, thương binh Bùi Hữu Cải đã làm tròn vai của một người lính và trở về quê hương, tiếp tục sự nghiệp “khai tâm - mở trí” cho các thế hệ học trò.

Thương binh, Nhà giáo ưu tú Bùi Hữu Cải cùng người vợ ôn lại những kỷ vật thời chiến

Tháng Tư, trong niềm vui kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cựu chiến binh, nhà giáo ưu tú Bùi Hữu Cải không giấu nổi niềm xúc động xen lẫn tự hào mà rưng rưng nước mắt. Ngồi tựa lưng trên chiếc ghế gỗ, thầy Cải bắt đầu tâm sự về một thời quá khứ hào hùng nơi chiến trận, về những người đồng đội đã từng sát cánh kề vai, về nhiệt huyết, đam mê tuổi trẻ và về những kỷ vật chiến tranh. Sinh ra trong một gia đình nhà nho có truyền thống yêu nước, anh trai là liệt sỹ chống Pháp, em trai đang chiến đấu tại chiến trường miền Nam, thầy giáo Bùi Hữu Cải thuộc diện được miễn nhập ngũ. Năm 1966, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang vào giai đoạn cam go, khốc liệt, đứng trên bục giảng nhưng mỗi ngày khi nghe tin lũ giặc đánh phá điên cuồng, cả nước sục sôi khí thế kháng chiến, thầy giáo Bùi Hữu Cải khi ấy đang là giáo viên của Trường cấp 1 Thủ Sỹ (Tiên Lữ) viết đơn tình nguyện để được vào miền Nam chiến đấu.

Thầy giáo Bùi Hữu Cải nhập ngũ tháng 9/1966 và được biên chế vào Trung đoàn tên lửa phòng không (Quân chủng Phòng không - Không quân) chuyên hoạt động ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Vốn là giáo viên, sẵn có kiến thức văn hóa, tiếp thu nhanh, chiến sĩ Bùi Hữu Cải được chỉ huy giao phụ trách kỹ thuật thông tin của đơn vị. Năm 1968, chiến sĩ Bùi Hữu Cải chuyển đến Trung đoàn pháo phòng không, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân. Với tinh thần “Thà chết không chịu rời mâm pháo”, “Còn một người, một khẩu pháo cũng tiến công”, chiến sĩ Bùi Hữu Cải cùng đồng đội đã cơ động chiến đấu trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Năm 1968, chiến sĩ Bùi Hữu Cải cùng đồng đội bắn rơi máy bay Mỹ. Sau trận đánh này, ông được tặng danh hiệu “Dũng sĩ Trần Minh Nghĩa”. Tháng 9/1972, ông cùng đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ thành cổ Quảng Trị, nơi mà mỗi tấc đất, ngọn cỏ đều thấm đẫm máu của biết bao chiến sĩ. Chiến đấu ở chiến trường khốc liệt, dưới làn mưa bom bão đạn, đã mấy lần bị thương nhưng thầy giáo Bùi Hữu Cải luôn một lòng một dạ sắt son quyết tâm chiến đấu đến cùng với quân thù. Chia sẻ về những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhà giáo Bùi Hữu Cải rưng rưng xúc động: Tôi thấy mình thật sự may mắn vì còn sống và được chia sẻ câu chuyện này cho các thế hệ sau. Bởi rất nhiều đồng đội của tôi ra đi khi chưa biết tình yêu đầu đời, là con trai duy nhất trong gia đình. Và ngày về, chỉ còn là giấy báo tử.

Ngày đất nước thống nhất, Bắc Nam sum họp một nhà, làm tròn vai người lính, Bùi Hữu Cải lại trở về với mái trường xưa tiếp tục nghề dạy học, nghề mà ông đã theo đuổi bấy lâu. Gặp thầy trong bộ quân phục, đám trẻ hồn nhiên: “Chào chú bộ đội - thầy giáo ạ”. Ông cười đáp lại với nét mặt rạng rỡ ngày sum họp. Những năm đầu về công tác tại Trường cấp I, II xã Thiện Phiến (Tiên Lữ), trên cương vị là giáo viên chủ nhiệm, thầy Cải đều bồi dưỡng học sinh thi và đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, trong đó 2 năm 1975, 1976 có học sinh đoạt giải nhì môn Toán toàn miền Bắc. Năm 1979, thầy được phân công làm Hiệu phó, rồi Hiệu trưởng nhà trường. Thành tích của thầy được vun thêm khi không chỉ có học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh, nhiều học sinh giỏi toàn miền Bắc, toàn quốc mà còn bồi dưỡng được nhiều giáo viên giỏi cấp tỉnh. Những công lao đóng góp của thầy Cải với ngành giáo dục được Chủ tịch nước ghi nhận và quyết định phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú năm 1997.

Tháng 1/2005, thầy Bùi Hữu Cải được nghỉ hưu theo chế độ. Dù đã nghỉ hưu nhưng người thầy vẫn lặng lẽ từng đêm chuẩn bị bài vở cho buổi lên lớp. Học trò của thầy là những đứa trẻ nơi đồng ruộng. Các em đến với thầy để được học miễn phí và được học về cách làm người. Dưới sự chỉ bảo của thầy, nhiều học sinh trong xóm, trong xã và các xã xung quanh đã có sự tiến bộ vượt bậc. Trong danh sách học sinh đỗ đại học các năm, đã có sự góp mặt của nhiều em trong lớp học miễn phí của thầy Bùi Hữu Cải; biết bao học sinh đã trưởng thành, rời mái trường, rời lớp học miễn phí đi khắp mọi miền đất nước học tập, công tác vẫn luôn nhắc tới thầy Cải, ơn thầy Cải.

Nhà giáo Bùi Hữu Cải chia sẻ: Từ một người thầy đến một chiến sĩ rồi quay trở lại người thầy - Đến giờ nghĩ lại, tôi thấy cái duyên nghề giáo với tôi quả thật không sai! Đối với tôi, hạnh phúc của người thầy giáo, không nhất thiết phải có nhiều học trò đỗ đạt cao, gặt hái thành tích này, giải thưởng nọ, mà đơn giản chỉ là chứng kiến từng lớp học trò trưởng thành, sống có nghĩa, có tình. Nghề giáo đã mang lại cho tôi những món quà rất bất ngờ. Có học trò đã rời mái trường nơi tôi dạy nhiều năm, đã đi làm, còn tìm đến, nắm tay, ôm tôi đầy xúc động, nói như muốn khóc: Em cảm ơn thầy! Nếu ngày xưa không có sự chỉ bảo của thầy, không có câu nói của thầy, em sẽ không có ngày hôm nay...

Hôm nay đây trên 80 tuổi đời, trên 50 năm tuổi Đảng, thầy Cải vẫn sống giản dị như người lính thuở nào, sống vui, sống khỏe, bình an bên các con, cháu, là tấm gương mẫu mực trong các phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Chính vì khâm phục tài, đức của bố mà 5 người con trong gia đình thầy Cải đều theo nghề giáo, theo sự nghiệp “trồng người”.

Phúc Hưng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/khoa-hoc-cong-nghe/202304/nha-giao-chien-si-bui-huu-cai-01e053a/