Nhà giáo Đàm Lê Đức qua đời
Trên Website Trường THCS -THPT Đức Trí (quận 7, TP HCM) vừa ra thông báo Nhà giáo Đàm Lê Đức, người sáng lập Cơ sở Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và Trường THCS-THPT Đức Trí, vừa qua đời hôm 6-5, hưởng thọ 91 tuổi
Trong thông cáo nêu rõ: Nhà giáo Đàm Lê Đức sinh ngày 9-1-1932, quê quán tại Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh. Năm 13 tuổi cô từng phải nghỉ học do nhà nghèo, đến năm 18 tuổi trở thành chủ cửa hàng may đông khách, nhưng khao khát mãnh liệt được đi học lại. Cuối cùng, ở tuổi 23, cô đã quay lại với sách vở. Hai năm học nhảy hai cấp lớp, đến năm 1956 là sinh viên khoa Toán khóa đầu tiên của Trường Đại học Tổng hợp.
Trở thành cô giáo dạy Toán theo đúng mơ ước từ bé, cô Đàm Lê Đức đã dành cả cuộc đời cho sự nghiệp dạy học. Cô là người sáng lập Cơ sở Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và Trường THCS và THPT Đức Trí. Phương châm của cô là rèn luyện học sinh cả Đức Dục, Trí Dục, chuẩn bị hành trang sẵn sàng cho thế hệ trẻ bước vào đời.
Sinh thời, nhà giáo Đàm Lê Đức nổi tiếng với hình ảnh một nhà giáo dù 85 tuổi vẫn miệt mài đứng trên bục giảng với các bài giảng tại Cơ sở Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng và THCS - THPT Đức Trí. Các bài giảng của bà chủ yếu là các chuyên đề về sự hiếu thảo với cha mẹ, lễ nghĩa với thầy cô, thân ái vời bè bạn; văn hóa ứng xử trong nhà trường và xã hội.
Những bài giảng của bà được nhận xét là không giáo huấn, áp đặt, mà là những bài học được đúc kết từ những điều rất giản dị, đời thường trong cuộc sống. Đặc biệt là về đạo làm con, lòng hiếu thảo, tôn kính cha mẹ, thầy cô. Trong suốt cuộc đời giảng dạy và khi thành lập hai cơ sở giáo dục, nhà giáo Đàm Lê Đức luôn tâm niệm đi theo con đường đức - trí song hành.
Nhiều thế hệ học sinh trưởng thành từ những bài giảng sâu sắc, nhiều ý nghĩa của nhà giáo Đàm Lê Đức.
Năm 2010, khi UBND TP HCM ra quyết định thành lập Trường THCS- THPT Đức Trí, nhà giáo Đàm Lê Đức, bày tỏ: Ngày 15-5-2010 trở thành một trong những ngày đáng nhớ nhất, quan trọng nhất trong cuộc đời tôi, khi ấy tôi vừa tròn 80 tuổi đời với 51 năm đứng trên bục giảng. Đáng nhớ nhất, quan trọng nhất bởi vì tâm nguyện thiêng liêng và sâu nặng của tôi đã được thực hiện, vì mơ ước, hoài bão tha thiết nhất mà tôi hằng ấp ủ đã được toại nguyện. Trường Đức Trí thân yêu của tôi ra đời sau vừa đúng 25 năm thực tế trải nghiệm những vốn liếng sư phạm cùng với các đồng nghiệp gần gũi nhất tại Cơ sở Bồi dưỡng văn hóa 218 Lý Tự Trọng, nơi mà bốn anh chị em chúng tôi là Đàm Thị Lộc, Đàm Quang Mậu, Đàm Lê Đức, Đàm Thị Thái đã dốc lòng xây dựng. Ở đó, chúng tôi đã nhất quán đi theo một con đường là "Đức - Trí song hành" với tâm niệm đức năng sinh tài trí và tài trí hoàn thiện đạo đức con người. Đó cũng là lý do chúng tôi đặt tên cho mái trường này là Đức Trí. Cái tên luôn nhắc cho tất cả thầy trò một phương châm sống và học tập đúng đắn, một cái tên như một tuyên ngôn của chúng tôi trước quý vị phụ huynh học sinh và trước toàn xã hội, nội dung cốt lõi nhất trong hành trình giáo dục của nhà trường".
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/nha-giao-dam-le-duc-qua-doi-20220507111142134.htm