Nhà giáo nhân ái, truyền cảm hứng sống đẹp đến nhiều thế hệ học trò
Gần 30 năm qua, dù ở vị trí giáo viên trực tiếp đứng lớp hay cán bộ quản lý giảng dạy, nhà giáo Nguyễn Thị Thu Huyền - Hiệu trưởng trường Mầm non Xuân Đỉnh B, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội luôn dành hết tâm huyết, trí tuệ và sức sáng tạo cho sự nghiệp trồng người.
Đặc biệt, bằng tấm lòng nhân ái, cô đã giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh khó khăn; đồng thời truyền cảm hứng sống đẹp đến nhiều thế hệ học trò, đồng nghiệp và phụ huynh học sinh. Năm 2023, cô vinh dự được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”.
Nhà giáo tâm huyết, sáng tạo
Năm nay đã bước sang năm thứ 26, cô Huyền gắn bó với môi trường giáo dục mầm non. Chia sẻ với chúng tôi, cô Huyền bảo, đến và gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ là một mối nhân duyên mà cô đã được gieo từ những năm tháng tham gia hỗ trợ mẹ công việc trông trẻ ở nhà mẫu thời bao cấp.
Chứng kiến mẹ một tay vừa trông nom, dạy dỗ, vừa yêu thương chăm sóc cho trẻ từ lúc đất nước ta còn nhiều khó khăn, cô thấu hiểu những hy sinh, nhọc nhằn của nghề. Nhưng cũng có cơ hội cảm nhận rõ niềm hạnh phúc, đáng trân trọng của người làm nghề nuôi dạy trẻ. Vì vậy, ngay từ thời học sinh, cô Huyền đã nuôi mơ ước lớn lên trở thành một nhà giáo.
Hiện thực hóa ước mơ giản dị ấy, cô đã quyết tâm ghi danh vào trường Cao đẳng Sư phạm Nhà trẻ Mẫu giáo Trung ương I Hà Nội. Năm 1997, sau khi tốt nghiệp, ra trường, dù gia đình khuyên cô đầu quân về một ngôi trường mầm non ở phố Hàng Buồm, thuộc một quận nội thành, sầm uất của Thủ đô; nhưng vì điều kiện gia đình đông anh em, mẹ bị ốm nặng, bố công tác xa nhà, nên cô đã chọn công tác tại trường mầm non Minh Khai gần nhà và gắn bó nhiều năm.
Nhớ lại những ngày đầu khó khăn, cô Huyền chia sẻ, lúc đó, trường Mầm non Minh Khai (quận Bắc Từ Liêm) mới chỉ là dãy nhà mái ngói cấp 4 đơn sơ, thiếu thốn về cơ sở vật chất và các trang thiết bị dạy học.
Để có đồ dùng, đồ chơi cho học sinh, cô và các đồng nghiệp phải tự tay sáng tạo từ những vật dụng có sẵn hoặc đi xin lại những đồ dùng, bàn ghế cũ, đã bỏ đi của các trường mầm non trong nội thành rồi sửa sang thành thiết bị, đồ dùng học tập cho các con.
“Ngày đó, giáo viên cũng không có ngày nghỉ thứ 7 hay Chủ nhật, cũng chưa có quy định số học sinh trong một lớp học, nên một cô giáo thường phụ trách lớp khoảng 50 cháu, vừa trông coi, dạy dỗ, vừa chăm cho các con ăn, ngủ, rất vất vả.
Những học sinh ăn bán trú thường mang theo gạo đi đóng góp, mỗi bạn một loại gạo khác nhau, trộn lại nấu thành nồi cơm chung nhưng chỗ dẻo, chỗ ướt, không được đều nhau. Cô giáo vừa nấu cơm, vừa trả những học sinh không ăn bán trú, vừa lo tổ chức cho các học sinh ăn bán trú tại lớp… cứ luôn chân luôn tay” – cô Huyền kể lại.
Dù không ít nhọc nhằn nhưng theo cô Huyền, học sinh ngày ấy ngoan ngoãn và tự giác nên giáo viên cũng không quá áp lực. May mắn hơn, trong quá trình làm việc cô Huyền luôn tìm được những tấm gương đồng nghiệp sáng về đạo đức, truyền động lực yêu và gắn bó với nghề mạnh mẽ đến cô.
Ấn tượng nhất là cô giáo Lê Thị Lan. Dù xuất phát từ một cán bộ hội phụ nữ, chưa từng được đào tạo sư phạm bài bản, nhưng chị làm việc bằng trách nhiệm và trái tim yêu thương con trẻ vô bờ bến.
Để giúp con em của những gia đình không có điều kiện được đến trường, sáng nào trên đường đi làm chị Lan cũng tình nguyện vào tận nhà đón và chở theo từ 3-4 đứa trẻ tới lớp. Chiều đến, chị lại lần lượt trả từng cháu về tận nhà. Chị có năng khiếu hát hay, múa dẻo. Vì vậy, ngày nào những đứa trẻ trong lớp cũng luôn ríu rít bên cạnh, đu đưa, múa hát theo hướng dẫn của chị…
“Ngày nào cũng được chứng kiến chị Lan miệt mài với công việc chăm sóc trẻ như thế, tôi như được truyền thêm động lực; đồng thời nhận thức rõ ràng hơn trách nhiệm của mình - thế hệ những người được đào tạo nghiệp vụ sư phạm bài bản.
Từ đó luôn phát huy tinh thần trách nhiệm cao trong công việc; không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, nghiên cứu hoàn thiện chuyên môn, kỹ năng, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp giáo dục phát triển toàn diện cho trẻ” – cô Huyền chia sẻ.
Sau những năm tháng miệt mài, cống hiến, tháng 1/2009, cô Huyền đã trở thành Phó Hiệu trưởng. Và năm 2015, cô là Hiệu trưởng trường Mầm non Minh Khai. Với vai trò là “nữ thuyền trưởng” của một ngôi trường còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, cô Huyền luôn tranh thủ sự quan tâm của các cấp, ngành, không ngừng sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo tập thể cán bộ giáo viên, nhân viên đoàn kết xây dựng nhà trường phát triển.
Tấm gương nhân ái, sẵn lòng giúp đỡ những mảnh đời éo le
Không chỉ tâm huyết và sáng tạo với nghề, cô Huyền còn là tấm gương nhân ái, sẵn lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, góp phần lan tỏa tinh thần đoàn kết, tương trợ đến toàn thể cha mẹ học sinh, các đồng nghiệp và học sinh trong, ngoài nhà trường.
Đáng nhớ nhất là khoảng thời gian công tác tại trường Mầm non Minh Khai, từ năm học 2019-2020 đến năm học 2021-2022, cô Huyền tình nguyện đỡ đầu cho hai học sinh Bùi Minh Khôi mắc bệnh đông máu và Nguyễn Quỳnh Anh mồ côi mẹ từ khi vào học tại trường Mầm non Minh Khai cho đến khi ra trường.
Cô còn trực tiếp ủng hộ và lan tỏa đến đồng nghiệp, phụ huynh học sinh cùng chia sẻ, giúp đỡ những trường vùng sâu, vùng xa bằng những việc làm thiết thực như tặng bàn ghế, hỗ trợ khoan giếng, đồ chơi.., xã hội hóa đồ dùng, đồ chơi cho trường để trẻ có sân chơi phong phú phát triển thể chất. Cô Huyền quan tâm tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm cho các con học sinh
Năm 2022, cô Huyền được luân chuyển điều động về làm hiệu trưởng tại trường Mầm non Xuân Đỉnh B, cô tiếp tục phát huy tấm lòng nhân ái của mình, đỡ đầu 4 học sinh có bệnh hiểm nghèo hoặc hoàn cảnh gia đình khó khăn, giúp các cháu yên tâm học tập và giảm bớt gánh nặng của gia đình.
Ngoài ra, cô còn tích cực ủng hộ các hoạt động từ thiện do tổ dân phố, trường, phường, phòng giáo dục phát động. Mới đây, biết tin hai bố con anh Ngọc sống tại thôn Cẩm địa xã Lạc Vân, huyện Nho Quan, Ninh Bình bị ung thư gan, qua câu lạc bộ thiện nguyện, cô cũng gửi chút tài chính hỗ trợ anh giảm bớt phần nào kinh phí điều trị bệnh hiểm nghèo; rồi hỗ trợ gia đình em Vũ Thị Yến ở bản Chiềng Ban, xã Chiềng Ban, Mai Sơn, Sơn La không may bị tai nạn giao thông….
Chị Nguyễn Thị Mai Ngọc, là nhân viên y tế trường Mầm non Xuân Đỉnh B, có con nhỏ là Đinh Khôi Vĩ sinh năm 2019 không may mắc bệnh hiểm nghèo, được nhận sự hỗ trợ của cô Huyền đã vô cùng cảm kích.
“Cô Huyền không chỉ là người lãnh đạo có tầm mà còn có tâm vô cùng trong sáng. Tôi nghĩ, có thể sự hỗ trợ về vật chất của cô chưa nhiều nhưng cô luôn sẵn sàng chia sẻ, tạo điều kiện, mang lại cho những hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi những cơ hội tốt nhất có thể. Đó là điều chúng tôi luôn trân trọng ở cô” - chị Ngọc chia sẻ.
Với cô Huyền, bản thân vốn sinh ra và lớn lên trong một gia đình khó khăn, nên sự thấu hiểu và sẻ chia với những hoàn cảnh thiệt thòi luôn là điều cô coi trọng.
“Là một cô giáo mầm non, những người đặt viên gạch đầu tiên xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ, càng cần phải rèn cho mình đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh và giàu lòng nhân ái. Sự chuẩn mực của nhà giáo sẽ là tấm gương sáng cho trẻ noi theo” - cô Huyền tâm niệm.
Liên tiếp từ năm 2015 đến nay, trường Mầm non Minh Khai đều đạt tập thể lao động tiên tiến. Năm học 2021-2022, trường đón kiểm định chất lượng Giáo dục đạt Mức độ 2, giữ vững danh hiệu chuẩn quốc gia Mức độ 1. Trong năm học này, trường có 4 giáo viên dạy giỏi cấp quận. Công đoàn nhà trường được đề nghị xếp loại xuất sắc; chi bộ đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh.
Bản thân cô Huyền đạt 3 sáng kiến kinh nghiệm loại B, C cấp TP; nhiều sáng kiến kinh nghiệm loại A cấp quận; 1 sáng kiến được công nhận cấp Nhà nước; 3 lần đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở; được Liên đoàn lao động quận Bắc Từ Liêm tặng thưởng danh hiệu: “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” giai đoạn năm 2005-2009 và 2010-2025.
Năm 2018, cô Huyền được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND TP vì đã có thành tích trong đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy học ngành Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm năm 2018….