Nhà giáo Phạm Văn Nghi - Một người thầy mẫu mực
Cũng như nhiều cán bộ Công an hoạt động trước cách mạng, cuộc đời ông đã trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau. Song dù ở bất cứ cương vị công tác nào, ông luôn là một cán bộ Công an tận trung với nước, tận hiếu với dân. Giờ đây, ông không còn nữa, nhưng ở đâu đó, ở những nơi ông từng sống và hoạt động, người dân cũng như nhiều cán bộ Công an có dịp sống gần ông vẫn còn lưu giữ những kỷ niệm, ấn tượng tốt đẹp về ông, về một cán bộ Công an kiên trung, một người thầy mẫu mực đã gắn trọn đời mình với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia cũng như sự nghiệp giáo dục, đào tạo những chiến sỹ Công an 'vừa hồng, vừa chuyên'. Ông là nhà giáo, cố Hiệu trưởng Trường Đại học An ninh nhân dân (nay là Học viện An ninh nhân dân) Phạm Văn Nghi.
Vị trưởng ty Công an
Sinh ra ở đất mỏ Quảng Ninh, nhưng cuộc đời hoạt động cách mạng của ông có nhiều năm gắn bó với tỉnh Hải Dương. Tham gia Việt Minh từ trước cách mạng, tháng 2-1946 ông được Đảng điều động về làm Trưởng ty Công an Hải Dương. Tên ông đã được ghi trong cuốn lịch sử của Công an tỉnh với những hàng chữ thật trân trọng. Lần giở từng trang cuốn biên niên sử ấy, thời điểm mà ông đảm nhiệm cương vị người đứng đầu Ty Công an Hải Dương cũng là lúc tình thế cách mạng ở nước ta như "ngàn cân treo sợi tóc".
Nếu như ở Hà Nội, núp bóng quân Tưởng, bọn phản động Việt quốc, Việt cách ráo riết thực hiện mưu đồ lật đổ chính quyền cách mạng, thì tại thị xã Hải Dương, chúng cũng ngang nhiên lập trụ sở, treo cờ, in truyền đơn, phân phát tài liệu tuyên truyền, vận động nhân dân không tham gia các đoàn thể cứu quốc; ly gián giáo dân với chính quyền.
Nguy hiểm hơn, chúng còn bí mật tập hợp lực lượng, tổ chức đào hào, lập cứ điểm để chống phá cách mạng. Một số tên còn dùng súng ngắn đón chặn, bắt cóc, ám sát cán bộ của ta. Tình thế đặt ra nhiệm vụ cấp bách với lực lượng Công an cách mạng non trẻ phải tập trung làm thất bại ý đồ đen tối và thâm độc của kẻ thù; xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng.
Theo sự chỉ đạo của ông, đội "Danh dự trừ gian" được thành lập với nhiệm vụ chủ yếu là theo dõi, nắm tình hình hoạt động và diệt trừ những tên tay sai ngoan cố trong các tổ chức phản động, ngụy quân, ngụy quyền. Các trinh sát đội "Danh dự trừ gian" ngày ấy mặc dù còn thiếu kinh nghiệm, phương tiện hầu như không có gì, song đã lập nhiều chiến công xuất sắc.
Một trong những chiến công thầm lặng của họ ngày ấy là đập tan mưu đồ của thực dân Pháp định dùng một trung đội lính bao vây uy hiếp Ty Công an. Để phá âm mưu này, các đội viên đội "Danh dự trừ gian" đã tiến hành trừng trị, xử lý những tên chỉ huy, cầm đầu; trừ khử tên quan ba Pháp và tên Đội ở Ủy ban liên kiểm.
Tiếp đến là việc bắt giữ vợ chồng tên Li-Men khi y đóng giả là người mua lợn để điều tra nơi giam giữ tù nhân Pháp. Cũng trong những ngày sôi động ấy, để đảm bảo việc trừng trị đúng đối tượng, ngoài việc chỉ đạo các huyện lên danh sách, phân loại đối tượng, đích thân ông và các đồng chí lãnh đạo Ty Công an Hải Dương đã trực tiếp hoặc cử lực lượng xuống kiểm tra, xác minh, sau đó xin ý kiến Tỉnh ủy, Ủy ban để hành động.
Với sự cương quyết và khôn khéo của lãnh đạo Công an tỉnh, mà ông là người đứng đầu, chỉ sau một thời gian ngắn ta đã vô hiệu hóa được 70 tên phản động, góp phần củng cố chính quyền cách mạng non trẻ. Thời điểm ông làm Trưởng ty Công an Hải Dương có một sự kiện mà giờ đây sử sách vẫn còn ghi, diễn ra vào ngày 21-10-1946.
Sau một thời gian đàm phán với Chính phủ Pháp ở Paris về nước, trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội, Bác Hồ dừng lại nói chuyện với nhân dân tại sân ga Hải Dương. Sự kiện ấy lại diễn ra vào lúc tình hình an ninh trật tự ở địa phương còn nhiều phức tạp, đặt ra cho Công an Hải Dương nhiệm vụ rất nặng nề nhưng cũng rất vẻ vang là tổ chức bảo vệ an toàn cho buổi lễ.
Nhận nhiệm vụ, Trưởng ty Phạm Văn Nghi và các đồng nghiệp tiến hành ngay việc triển khai phương án thực hiện. Một kế hoạch chu đáo, tỉ mỉ được vạch ra. Trước hết là phối hợp ngành Đường sắt đảm bảo an toàn chạy tàu, tạm dừng một số đoàn tàu đến ga Hải Dương vào thời điểm diễn ra buổi lễ. Tiến hành các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình địa bàn, rà soát đối tượng. Đồng thời phối hợp với quân đội triển khai lực lượng bảo vệ. Bằng những giải pháp trên, buổi lễ đón đoàn Chính phủ và Bác Hồ được diễn ra rất chu đáo, an toàn. Sân ga Hải Dương như một rừng cờ với hàng vạn người tưng bừng phấn khởi đón chào Hồ Chủ tịch.
Một người thầy mẫu mực
Giờ đây, mỗi lần có dịp nói về ông, người thì bảo rằng trong con người ông, một nửa là cán bộ Công an, còn nửa kia ông mang tố chất của một nhà giáo. Bởi lẽ, gần trọn cuộc đời ông sống và hoạt động trong ngành Công an. Còn bảo ông là nhà giáo cũng không sai, bởi ông sống trong một gia đình mà cả 3 thế hệ đều là nhà giáo. Ông cụ thân sinh cũng là một nhà giáo, đến đời ông và các con ông cũng đều là nhà giáo.
Ông không chỉ là nhà giáo vào những năm sau này mà trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, ông cũng đã từng là một nhà giáo. Có lẽ với những dòng trích ngang như thế mà sau khi kết thúc lớp lý luận dài hạn ở Trường Nguyễn Ái Quốc, tháng 7 - 1959 ông được lãnh đạo Bộ Công an điều về làm Phó Hiệu trưởng Trường Công an Trung ương và gần 3 năm sau, cũng ở mái trường này, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Ông giữ cương vị này cho đến năm 1973, khi được Nhà nước cho nghỉ hưu.
Là Hiệu trưởng trong suốt những năm cả nước sục sôi đánh Mỹ, Trường Công an Trung ương ngày ấy là cái nôi đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ Công an chi viện chiến trường miền Nam. Thấy Hiệu trưởng Phạm Văn Nghi luôn quan tâm sâu sắc và dành tình cảm đặc biệt cho các cán bộ miền Nam. Nhiều người trước khi rời mái trường để hành quân vào miền Nam chiến đấu, ông không chỉ gặp gỡ để động viên, tâm tình mà còn mời ăn bữa cơm thân mật để chia tay. Cử chỉ ấy của ông, đến giờ nhiều người vẫn còn lưu giữ.
Khi Trường Công an Trung ương được lãnh đạo Bộ giao cho mở lớp đào tạo đại học, điều đầu tiên mà ông quan tâm là phải đổi mới toàn diện về phương pháp dạy và học. Ông mong sao các học viên được đào tạo từ mái trường này phải là những cán bộ Công an "vừa hồng vừa chuyên", sát thực tế cuộc sống hơn, năng động và được trau dồi kiến thức toàn diện hơn, đáp ứng yêu cầu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự xã hội.
Do vậy, ngoài số giáo viên hiện có ở trường, ông mời các chuyên gia, giáo sư, tiến sỹ đầu ngành của nhiều bộ môn khoa học vào tham gia giảng dạy. Tại nhiều cuộc hội thảo về đổi mới phương pháp giảng dạy, ông cũng là người đưa ra nhiều luận cứ khoa học nhằm gắn giáo dục đào tạo với thực tiễn. Ngoài việc đổi mới về dạy và học, ông đặc biệt coi trọng giáo dục và rèn luyện phẩm chất đạo đức, tính kỷ luật của học viên.
Để tạo cho học viên duy trì được nếp sống kỷ luật, kỷ cương, ngoài các giờ lên lớp giảng giải, cụ thể hóa thành các quy định, ông thường xuyên kiểm tra việc chấp hành. Trong mắt học trò thân yêu của mình, người thầy hiền lành nhưng nghiêm nghị, chân tình với học trò; hình ảnh thầy Hiệu trưởng thường xuyên có mặt ở thao trường, ở nơi học trò ăn ở sinh hoạt để động viên, khích lệ tinh thần học tập là ấn tượng không thể quên…
Sau này, nhiều học trò của ông đã giữ những cương vị cao của Bộ Công an, nay đã nghỉ hưu nhưng còn nhớ như in những quy định về rèn luyện đạo đức, tác phong của thầy Phạm Văn Nghi. Chính các quy định ngày đó đã giúp họ nhanh chóng trưởng thành.
Đối với học viên thì vậy, còn đối với cán bộ dưới quyền ông cũng thường xuyên quan tâm, kiểm tra, nhắc nhở họ phải luôn biết tự rèn luyện mình, trau dồi kiến thức, củng cố niềm tin, xứng đáng là tấm gương cho học trò noi theo. Chuyện ông mang nải chuối, thẻ hương đến tận nhà một cán bộ cấp dưới thăm hỏi khi gia đình họ có chuyện buồn nay là một kỷ niệm được nhiều người nhắc đến.
Rồi một lần nhà trường đánh cá tăng gia trong hồ, mọi người thống nhất chọn một con cá to để biếu ông, nhưng ông chỉ đồng ý nhận như giá bán cho mọi cán bộ nhà trường. Chuyện ông tự trồng được vườn rau cải, lúc thu hoạch, ông giao cho các con mang biếu hàng xóm mỗi nhà một bó. Trong cuộc sống gia đình, ông thường dạy các con của mình phải sống trung thực, không luồn cúi.
Còn nhớ, hồi chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ở miền Bắc nước ta đang vào thời kỳ ác liệt, nhà trường phải sơ tán về các vùng nông thôn, mặc dù tuổi cao, sức yếu, nhưng ông vẫn bám lớp, bám trường. Đi đến đâu ông cũng để lại tình cảm tốt đẹp với người dân bởi lối sống giản dị, chân thành. Tối tối, ở nơi sơ tán, người dân nơi đây vẫn thấy ông tay xách đèn bão thăm hỏi bà con, kiểm tra học viên học tập. Do vậy, những ngày sống và làm việc tại những địa phương mà trường sơ tán, tình cảm bà con dành cho ông luôn trân trọng như những người thân trong gia đình.
Năm tháng qua đi, giờ đây, nhớ về ông - nhà giáo Phạm Văn Nghi, nhiều người đều có chung một nhận xét: Ông là người thầy mẫu mực, vừa có phẩm chất đạo đức, lại có nhân cách và tầm nhìn của một người thầy.
Đồng chí Phạm Tâm Long, nguyên là Hiệu trưởng, sau này là Thứ trưởng Thường trực Bộ Nội vụ (Bộ Công an) trong cuộc tiếp xúc với chúng tôi đã nói: "Ở đâu, vào bất cứ lúc nào thầy Nghi cũng là người tiêu biểu về các mặt cho mọi người noi theo. Thời gian thầy đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng, thầy không chỉ quan tâm đến việc đổi mới phương pháp dạy và học, mà thầy còn rất quan tâm đến quản lý học viên. Coi việc quản lý học viên là bộ phận rất quan trọng để đào tạo các cán bộ Công an "vừa hồng vừa chuyên". Tôi còn nhớ, thầy Nghi thường nhấn mạnh: "Mỗi một mét vuông của nhà trường phải là một mét vuông giáo dục".
Những câu chuyện về nếp sống, đạo đức, tác phong của nhà giáo Phạm Văn Nghi mãi là ấn tượng không bao giờ phai trong các thế hệ sinh viên Trường Công an Trung ương ngày ấy, Học viện An ninh nhân dân bây giờ.
Nguồn CAND: http://cand.com.vn/cong-an/nha-giao-pham-van-nghi-mot-nguoi-thay-mau-muc-570011/