Nhà giáo thúc đẩy đổi mới trải nghiệm sáng tạo để nâng cao chất lượng dạy – học
Đó là nhà giáo Lê Thị Phương Dung - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Khuyến, tỉnh Nam Định. Cô đã chỉ ra kinh nghiệm thúc đẩy hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong trường học sao cho hiệu quả.
Làm thế nào để học sinh có sân chơi riêng do mình làm chủ, các hoạt động trải nghiệm sáng tạo (TNST) chủ thể phải là học sinh, vì học sinh và do học sinh làm chủ. Nhà giáo Lê Thị Phương Dung đã kiên trì theo đuổi nguyên tắc đồng quản lí, đồng kiến tạo với học sinh, tạo điều kiện ở mức cao nhất để học sinh có thể tham gia vào mọi kế hoạch ngay từ khâu lên ý tưởng, lập kế hoạch, vận hành và điều chỉnh.
Theo nhà giáo Lê Thị Phương Dung, khâu lên ý tưởng là khâu quan trọng nhất. Nếu ý tưởng xuất phát từ học sinh phải hết sức trân trọng, vì khi học sinh coi đó là sản phẩm - nhiệm vụ của mình là đã đảm bảo 50% thành công của mọi dự án. Học sinh cũng được phân bổ và đứng ra quản lí các nguồn lực phục vụ cho dự án, giáo viên chỉ là người tư vấn, đồng hành hỗ trợ.
Luồng sinh khí mới
Giờ chào cờ đầu tuần không chỉ là giáo viên và học sinh nhận xét nề nếp và học tập, mà là chuyên mục các khối. Chúng tôi lên kế hoạch dài hơi cho cả năm học, xen kẽ giữa các chủ đề đặt hàng như 20/10, 20/11, 8/3, là các chủ đề tự do mang màu sắc của khối lớp đều được chuẩn bị công phu bởi các khối lớp.
Các hoạt động được dẫn dắt bởi Chi đoàn giáo viên như Lăng kính khoa học, Sắc màu tranh biện, Lăng kính tuổi hoa, Y phục xứng kì đức… khiến giờ chào cờ tạo không khí cạnh tranh hứng khởi bắt đầu một tuần học hiệu quả.
Ra chơi giữa giờ được đổi mới cùng "Lá thư âm nhạc" khi cả trường cùng hò reo theo một bài hát yêu thích cùng những lời chúc giữa các lớp, là sân trường đông đúc náo nhiệt với các màn dân vũ hoặc bắt chước thần tượng độc đáo cùng Gương mặt thân quen.
Sau giờ học, các giải thể thao xuyên suốt năm như đá cầu, bóng đá mini, kéo co luôn được học sinh chờ đợi mỗi giờ tan học. Tinh thần thể thao xua tan mệt mỏi cho các em học sinh trước khi trở về nhà để hoàn thành bài tập căng thẳng và cũng tạo sức hút ganh đua tập luyện giữa các lớp trong suốt năm không kém một một giải chuyên nghiệp nào.
Nhận thấy cần tạo cơ hội duy trì các năng khiếu cá nhân khác bên cạnh các môn học trên lớp, tôi tổ chức thành lập các câu lạc bộ một cách bài bản hơn. Cô Dung đã gợi ý mỗi học sinh nên tham gia từ một đến hai câu lạc bộ (CLB) đã có sẵn hoặc đề xuất tự tập hợp nhóm thành lập những CLB mới.
Kết quả từ chỗ có 2 CLB chính thức của trường là CLB văn học dân gian và CLB tiếng anh vốn được bảo trợ bởi giáo viên, chúng tôi thành lập được tới 22 CLB khác nhau trực tiếp do học sinh điều hành.
Trong đó, có những CLB thật sự mới mẻ với chúng tôi như MUN (mô hình giả lập kiểu liên hợp quốc) hay Tranh biện, Board game, Truyền thông… Không chỉ là cho phép và tạo điều kiện mà chúng tôi còn muốn hoạt động CLB được duy trì một cách bài bản, với việc tổ chức ngày hội Club fair tuyển thành viên mỗi năm học, với kế hoạch hoạt động chi tiết được nộp từ đầu năm.
CLB nào không tuyển đủ thành viên hoặc kế hoạch hoạt động không đảm bảo sẽ không được hoạt động. Các CLB đã góp phần rèn luyện các em nghiêm túc với những đam mê sở thích của mình.
Hưởng ứng tích cực
Cô Dung cho biết: Từ nền tảng hoạt động ngoại khóa, các các kiến thức trên lớp được kết nối với thực tế thành các dự án học tập. Chỉ tính riêng CLB STEM có 5 dự án thu hút hàng trăm học sinh gồm Dự án trồng nấm sạch, dự án trồng rau trên sân thượng, dự án mỹ phẩm an toàn, dự án tủ sách lớp học, dự án xây cầu dân sinh… Trong đó, dự án xây cầu dân sinh được sự hưởng ứng rất lớn của địa phương và tạo ra kết nối trường học với cộng đồng.
Các CLB cũng là nguồn cảm hứng phát triển các dự án học tập thành các sản phẩm dự thi chất lượng cho thi GV sáng tạo trên nền tảng thông tin hay Khoa học kĩ thuật.
Rất vinh dự trong thời gian hỗ trợ hoạt động của học sinh chúng tôi đạt những nhiều giải thưởng trong các cuộc thi này, như năm 2015 có tới 5 dự án của trường vượt qua 20 000 sản phẩm dự thi khác nhau để vào chung kết cùng 14 sản phẩm dự thi GVST trên nền tảng CNTT, là trường áp đảo về số lượng vào chung kết và đạt nhiều giải chính thức nhất.
Tôi đã đưa các GV trẻ phụ trách CLB khiến hoạt động chuyên môn được bổ sung thêm nhiều kinh nghiệm làm việc với học sinh và hình thức học tập trên lớp cũng được làm cho mới mẻ hơn.
Chúng tôi có những giờ dạy STEM đầu tiên trên cả nước trong giờ học chính khóa. Các GV trẻ tích cực tham gia các hoạt động cùng học sinh. Phòng thí nghiệm, CLB, các chuyến đi thực tế có sự xuất hiện và gắn kết thường xuyên giữa thầy trò. Hoạt động ngoài giờ đã góp phần tăng cường sự tỉnh táo, sảng khoái cho học sinh, khiến các em có hứng khởi đến trường lớp. Cô Dung chia sẻ.
Những đổi mới sáng tạo của nhà giáo Lê Thị Phương Dung đã góp phần gắn kết cá nhân tinh thần tập thể trong học tập, cạnh tranh mà đoàn kết, học mà chơi, góp phần giảm áp lực học tập cao thường thấy ở các trường học và bổ sung nhiều kĩ năng mềm như hoạt động nhóm, giải quyết vấn đề, kĩ năng lãnh đạo, tổ chức…
Sự thay đổi từ học sinh đến giáo viên với các hoạt động sáng tạo nêu trên đã đem lại nhiều nguồn năng lượng tích cực cho trường học. Giáo viên trẻ trưởng thành lên nhiều qua các hoạt động, gần gũi hơn với học sinh. Tất cả những điều này đã làm nên một nét rất riêng ở ngôi trường mang tên Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến.