Nhà giáo viết báo: Có lẽ đó là 'tiền định' cho tôi...
Nghề báo luôn chứa đựng những câu chuyện thú vị. Người ngoại đạo thì bảo dễ làm, người không ưa thì bảo thế này thế nọ nhưng những người từng dính líu tới nghề mới biết, đó là một nghề 'nguy hiểm nhưng viết là đam mê'.
Câu chuyện về một nhà giáo trong gia đình làm báo phần nào cho ta thấy được một quan niệm, một khía cạnh khác của người đã và đang "dan díu" với việc viết báo, làm báo. Nhân 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2019), chúng tôi đã thực hiện bài phỏng vấn một cựu giáo viên trường THPT Trần Phú (Hà Nội) - một tác giả của nhiều bài báo - một nhà thơ với những bài thơ sâu sắc, giàu nữ tính, đậm tính thời cuộc: Bùi Kim Anh.
Trong gia đình của bà, nhà giáo Bùi Kim Anh là vợ của nhà báo Trần Mai Hạnh, là mẹ của ba người con cũng gắn bó với báo chí Việt Nam, chị Trần Mai Anh, chị Trần Hiền Anh và anh Trần Mai Linh.
- Thưa nhà giáo Bùi Kim Anh, cả một chặng đường bà đã đi qua gồm cả giảng dạy, viết văn, làm báo, trước hết xin bà cho biết con đường đến với bục giảng - nghề chính của bà như thế nào?
Tôi vốn có năng khiếu văn từ nhỏ. Tôi từng nghĩ mình sẽ học tổng hợp văn nhưng trường đó khó vào nên rốt cuộc tôi chọn sư phạm.
Tôi còn gặp may mắn khi cấp hai được học một thầy dạy văn hay lắm, tôi rất thích học văn của thầy, thầy giáo lại làm thơ nữa. Có lẽ đó là người truyền cảm hứng cho tôi làm thơ và trở thành một giáo viên dạy văn sau này.
- Thế còn cơ duyên nào dẫn bà đến với những bài báo?
Tôi vốn là người văn chương, một người làm thơ chăm viết bài. Cái chính là tôi lấy chồng là nhà báo nên tác động thêm vào nghiệp báo của tôi. Tôi viết báo cũng không nằm trong phạm vi nghề nghiệp của mình, không chính trị.
Khi còn giảng dạy, tôi vẫn thường viết về những câu chuyện, những gì xảy ra trong ngành giáo dục, về Hà Nội, về đời sống… nhưng không bao giờ đụng đến các vấn đề thời sự, chính trị… Trong chất làm báo của tôi vẫn đậm chất của một người làm thơ.
Tôi còn nhớ, khi đó nhuận bút chỉ có 20 nghìn một bài, tôi đã viết cho mục Vì tương lai con em chúng ta trên báo Phụ nữ Việt Nam, các bài viết về giáo dục con cái phải như thế nào. Nhưng cũng có lúc tôi thấy không có tác dụng gì vì đứa trẻ hư thì vẫn cứ hư… nên sau đó tôi không làm nữa.
Tôi thường viết bài trên tạp chí Heritage, Lao động cuối tuần, Hà Nội mới, Phụ nữ Việt Nam, Phụ nữ Thủ đô, VOV… Sau này vì sức khỏe không còn nên tôi đăng bài trên Thời Nay, Hà Nội mới cuối tuần, Nhân dân cuối tuần, và cũng chỉ viết thơ xen lẫn tạp văn.
- Bà vừa nhắc đến nhuận bút, mà thu nhập nghề giáo không cao, thu nhập bằng nghề báo (làm báo) thì cũng không cao gì. Nhưng nếu đặt lên bàn cân thì theo bà, nghề nào khá hơn?
Thu nhập nghề giáo trước nay đều thấp nhưng đó là mặt bằng chung của các nghề trong xã hội. Bù vào đó, tôi phải đi dạy thêm.
Còn với tôi, viết báo chỉ là một niềm vui thôi. Sau này khi về hưu tôi thường hay nói đùa rằng, những bài báo, những bài viết cộng tác với báo tôi viết đều để nuôi thơ, vì thơ in ra không biết bán cho ai, phải bỏ tiền ra in nên cứ viết đều đều, tích cóp khoảng hai năm, cho dù mỗi tháng nhuận bút cũng chỉ được khoảng 1 triệu đồng nhưng hai năm là đủ để in một tập thơ rồi (hai năm là 24 triệu đồng-PV).
Cái chính là viết báo để tìm vui cho mình nên có nhiều khi không thể viết được vì sức khỏe không cho phép, những lúc đó tôi cũng buồn lắm vì thời gian không biết để làm gì.
Với tôi, nhiệt huyết với viết báo cũng như trước tôi đi dạy thêm. Nhưng khi con cái đã lớn, không phải lo nhiều kinh tế gia đình tôi mới thôi dạy.
Tôi cho rằng, mình dạy thêm là vì những đứa trẻ cần chữ, mình thì có chữ nên không dạy cũng phí. Thứ nữa là những người lao động, họ đi làm cả ngày được vài chục nghìn trong khi mình dạy thêm được nhiều hơn thế.
Nghề viết báo cũng vậy, nếu không viết thì cảm thấy lãng phí lắm vì mình cũng có cảm hứng, có chữ nên không viết thấy tiếc.
Làm báo được tiếp cận với nhiều thông tin nên giúp con người thức thời hơn, đó cũng là cái được từ việc viết báo.
- Thường thì khi viết báo, người viết phải chọn đề tài, triển khai ra sao, viết cái gì rồi viết như thế nào, với bà, việc viết báo có khó lắm không?
Tôi không viết theo thời sự nên thấy việc viết không khó lắm nhưng cũng phải nghĩ, phải đầu tư cho bài viết. Định viết về cái gì đó cũng phải trăn trở lắm.
Chẳng hạn thời gian tôi cộng tác viết bài hàng tuần, mặc dù bài viết chưa đến 1.000 chữ nhưng tôi thấy 'mệt lắm', cả tuần lúc nào cũng phải nghĩ mình sẽ làm cái gì. Tôi thấy làm báo không giống mình làm thơ, được tự do, tùy hứng. Mà với tôi, làm báo phải có cảm hứng nên kết cục bạn biết rồi đấy, tôi nghỉ.
Cũng vì thế mà tôi thấy nhiều bài báo không thu hút được độc giả vì bản thân bài viết đọc lên không chạm được đến cảm xúc, suy nghĩ của người đọc.
Cũng có thể là vì tôi viết những dạng bài thiên về văn chương nên để viết ra một bài, cảm hứng viết là điều quan trọng.
Nghề tay trái này của tôi cũng giống như làm thơ vậy, phải tự do và có hứng mới làm được.
- Trong xã hội hiện nay có nhiều nhà giáo chọn viết báo, nhất là những giáo viên dạy văn như bà, theo bà thì tại sao lại như vậy?
Tôi cho đó là niềm đam mê của mỗi người, những người đó (giáo viên dạy văn) có năng khiếu về viết, họ ham viết, còn có những nhà giáo chỉ có thể làm nhà giáo mà thôi.
Như tôi, niềm đam mê viết báo được cộng thêm vào bởi cả gia đình (chồng, con) cùng làm nghề báo. Lấy nhau cũng vì đã có đam mê với việc viết lách rồi nên cầm bút thôi.
Có lẽ đó là "tiền định" cho tôi vậy.
- Theo bà thì có thể so sánh về nghề giáo với viết báo được không, và với bà thì điều gì ý nghĩa nhất khi được viết báo?
Theo tôi, nhà giáo phải có khuôn phép, chuẩn mực, giảng dạy trên lớp phải có quy trình, giáo án, dạy văn thì phải thêm cảm hứng và khi dạy sẽ truyền cảm hứng đến cho học sinh - giảng dạy văn cho học sinh cũng là truyền cho các em một chút tâm hồn của người giáo viên.
Nhưng viết báo với tôi là cảm hứng được tự do, không theo khuôn mẫu, giáo trình nào cả, không bị áp đặt, không bị gò bó bởi cái gì cả.
Tôi nghĩ, những người viết báo như tôi là một phần trong đại gia đình nhà báo Việt Nam. Còn trong gia đình, tôi là một thành phần trong một guồng quay của cả gia đinh làm báo.
Sống trong gia đình làm báo, mỗi người làm một mảng nhưng cũng có lúc hỗ trợ cho nhau. Con cái có lúc nói vui rằng nhờ viết báo mà bố mẹ còn có cái để nói với nhau. Đó là những điều quý nhất từ việc viết lách, làm báo.
* Xin cảm ơn bà đã chia sẻ cùng báo điện tử Tổ Quốc trong Ngày thật nhiều kỷ niệm!