Nhà giàu khắp thế giới 'chen hàng', giành suất tiêm vaccine
Nhiều người giàu và chính trị gia lợi dụng mối quan hệ và đặc quyền cá nhân nhằm tiếp cận sớm với nguồn vaccine Covid-19, tiếp tục làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng giàu nghèo.
Vào cuối năm 2020, khi nước Mỹ còn thiếu vaccine trầm trọng và những liều vaccine ban đầu được tiêm cho các đối tượng ưu tiên, bác sĩ Bill Lang gần như không có cơ hội nghỉ ngơi. Là một giám đốc tại cơ sở y tế cao cấp WorldClinic, ông thường xuyên phải nhận những cuộc gọi của khách hàng hỏi khi nào có vaccine Covid-19.
Hai bệnh nhân thậm chí đã nhắn tin cho ông vào lễ Tạ ơn. “Kể từ đó, mỗi ngày tôi có ít nhất ba tin nhắn hoặc cuộc gọi mỗi ngày. Họ chỉ hỏi khi nào có thể được tiêm vaccine”, ông nói.
Vào tháng 1, Washington Post báo cáo rằng tại Florida, các thành viên hội đồng quản trị của một viện dưỡng lão đã đổ xô đến West Palm để tiêm vaccine Covid-19. Những liều vaccine đó đáng lẽ ra phải được dành cho những người già trong viện dưỡng lão.
Tại Philadelphia, CEO 22 tuổi của một công ty khởi nghiệp, chuyên cung cấp dịch vụ ứng phó với đại dịch bị phát hiện khi đang lặng lẽ tuồn những liều vaccine ra ngoài và tiêm cho bạn bè của mình.
Chính sách tạo ra lỗ hổng
Khi Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép khẩn cấp cho vaccine Covid-19 của Pfizer và Moderna, người dân Mỹ vui mừng vì sắp được thoát khỏi đại dịch. Tuy nhiên, họ sớm phát hiện rằng các nhà lập pháp trong quốc hội, các tỷ phú và giám đốc điều hành bệnh viện luôn được tiêm vaccine trước.
“Người giàu không muốn đợi đến lượt mình. Họ xem vaccine và xét nghiệm Covid-19 như một mặt hàng có thể mua”, Couri Hay, một nhà hoạt động tại New York, nói với Business Insider.
Việc triển khai không đồng bộ chương trình vaccine của chính quyền Tổng thống Donald Trump đã tạo ra một số lỗ hổng. Chính phủ liên bang quyết định số liều vaccine mỗi tiểu bang nhận được và gửi tới các địa điểm được ủy quyền trước.
Sau đó, các quan chức y tế tại tiểu bang sẽ chịu trách nhiệm lập kế hoạch tiêm chủng. Họ sẽ sử dụng những khuyến nghị ưu tiên mà chính quyền ông Trump đưa ra.
Nhưng các bệnh viện, viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc sức khỏe thiếu nhân lực trầm trọng. Các nhân viên không thể xử lý dòng bệnh nhân. Các trung tâm và trang web đặt lịch hẹn tiêm chủng bị quá tải.
Những thiếu sót trên, cộng với những quy tắc ưu tiên khó hiểu tại các tiểu bang, đã dẫn đến tình trạng thừa vaccine ở một số nơi nhưng lại thiếu hụt ở một số nơi khác.
Business Insider cho rằng sự hỗn loạn khi triển khai sẽ mang lại lợi ích cho bất kỳ ai đủ khả năng lợi dụng.
Keith Myers, giám đốc điều hành của hệ thống y tế MorseLife có trụ sở tại Palm Beach, Florida đã gọi cho một số thành viên hội đồng quản trị. Ông hỏi họ liệu có muốn tiêm vaccine hay không.
Tại New Jersey, giám đốc điều hành trung tâm y tế Hunterdon, các nhà tài trợ và gia đình của họ đã được tiêm phòng ngay từ tháng 12/2020 và tháng 1/2021. Vào thời điểm đó, chỉ có nhân viên y tế tuyến đầu và người già tại viện dưỡng lão mới đủ điều kiện tiêm vaccine.
Định nghĩa “người lao động thiết yếu” được đưa ra bởi chính quyền cũng là một con đường khác để giới siêu giàu Mỹ lợi dụng.
Vào tháng 4/2020, Florida tuyên bố rằng công ty đấu vật giải trí WWE đáp ứng được định nghĩa và được mở cửa trong thời gian nước Mỹ phong tỏa. Chủ tịch WWE Vince McMahon là bạn của Tổng thống Trump. Trong khi đó, vợ ông Linda McMahon phục vụ trong chính quyền và là chủ tịch của một ủy ban chính trị (PAC) ủng hộ Trump.
Cả WWE và Florida đều không trả lời về câu hỏi liệu WWE có được ưu tiên triển khai vaccine hay không.
“Với hàng nghìn công việc khác nhau, chúng tôi không thể triển khai kế hoạch tiêm vaccine cho từng nghề nghiệp cụ thể. Các nhà cung cấp vaccine sẽ phải phán đoán xem người dân nào có đủ điều kiện tiêm chủng”, cơ quan y tế Colorado thừa nhận khó khăn khi triển khai chương trình tiêm chủng vaccine sớm.
Câu chuyện ở Mỹ tái hiện ở khắp nơi
Hình ảnh nước Mỹ trong những tháng ngày thiếu thốn vaccine đang được tái hiện tại nhiều quốc gia trong bối cảnh các ca nhiễm Covid-19 gia tăng.
Đợt bùng phát mới do biến chủng Delta gây ra đã biến Indonesia trở thành tâm dịch mới của châu Á. Tại Jakarta, nhiều người già phải xếp hàng tại một số cơ sở y tế từ lúc sáng sớm để được tiêm vaccine. Truyền thông địa phương cũng báo cáo nhiều vấn đề liên quan đến hệ thống đăng ký trực tuyến và số lượng vaccine hạn chế.
Sự giận dữ của người Indonesia bùng nổ khi một số người lợi dụng mối quan hệ và tiền bạc để được tiêm vaccine trước.
Vào đầu tháng 2, Helena Lim, người được mệnh danh là “Crazy Rich Jakartan” (tạm dịch: Đại gia Jakarta) và là chủ sở hữu một chuỗi hiệu thuốc, đã được tiêm vacine tại một trung tâm y tế. Cô tự cho mình là một nhân viên hỗ trợ tại hiệu thuốc.
Một video được đăng trên Instagram cho thấy cảnh cô xếp hàng tiêm vaccine khiến công chúng phản đối dữ dội. Vào thời điểm đó, chính quyền Indonesia quy định vaccine chỉ dành cho nhân viên y tế.
Chính quyền Indonesia cũng cho biết 39 trong tổng số 61 nghi phạm tham nhũng bị Ủy ban Chống Tham nhũng (KPK) bắt giữ đã được tiêm vaccine. Thậm chí, gia đình các hạ nghị sĩ tại Hạ viện Indonesia cũng được ưu tiên tiêm phòng, theo Straits Times.
Tại Thái Lan, các bệnh viện tư nhân và nhà sản xuất dược phẩm muốn được độc lập nhập khẩu các loại vaccine Covid-19 để đáp ứng nhu cầu của giới nhà giàu và các doanh nghiệp tại nước này.
Nhiều doanh nghiệp tư nhân không muốn chờ đợi thêm. Họ muốn cung cấp dịch vụ tiêm nhanh chóng cho những ai sẵn sàng chi tiền. Mỗi người dân Thái Lan dự kiến phải trả từ 130 đến 260 USD để được tiêm vaccine do các công ty tư nhân nhập khẩu.
Tầng lớp thượng lưu đầy hào nhoáng của Thái Lan có thể đặt các chuyến du lịch nước ngoài để tiêm những vaccine Covid-19 chưa có sẵn. Những “tour du lịch vaccine” tới Mỹ và Nga trị giá hàng nghìn USD đã được đặt kín.
Tuy nhiên, dân lao động nghèo khó không đủ điều kiện để sử dụng những dịch vụ như vậy. Trên mạng xã hội, một vài cư dân giàu có tại Bangkok khoe khoang việc mua được thẻ tiêm vaccine từ những gia đình nghèo đang cố gắng để tồn tại.
Nhiều công dân đang lo ngại về việc không biết đến khi nào mới được tiêm vaccine Covid-19. Cho đến nay, mới chỉ có 4,9% dân số Thái Lan được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine và 11% được tiêm một liều.