Nhà Gươl – Biểu tượng của người Cơ Tu Quảng Nam
Nhà Gươl - nơi diễn ra những sinh hoạt chung của cộng đồng, là nét văn hóa đặc sắc nhất và là biểu tượng văn hóa của đồng bào Cơ Tu tại tỉnh Quảng Nam. Không gian Gươl được bố trí hài hòa, gieo trong lòng du khách cảm giác ấm cúng, nồng hậu và chân tình của người Cơ Tu.
Đồng bào Cơ Tu sinh sống chủ yếu ở phía Tây Bắc của tỉnh Quảng Nam, nhưng tập trung nhiều nhất là ba huyện Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang và một số ít ở tỉnh Thừa Thiên Huế, nước bạn Lào. Giống như bao dân tộc anh em khác cùng chung sống trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, người Cơ Tu có phong tục tập quán lâu đời, phong phú và đa dạng sắc màu….Đồng bào Cơ Tu đã sản sinh và lưu giữ được khối di sản văn hóa vô giá, mang đậm nét đặc trưng của vùng miền không thể pha lẫn. Trong đó nổi bật là Nhà Gươl – là nơi người Cơ Tu khái quát được đời sống văn hóa, cũng như trình độ kiến trúc, điêu khắc của mình.
Khi đến với một ngồi làng Cơ Tu, đón chào du khách vào nhà Gươl là nghi lễ nhập làng, ngoài chào hỏi, theo những già làng của đồng bào Cơ Tu ở đây, việc làm lễ này còn mang ý nghĩa cầu bình an, cầu sức khỏe, cầu cho tình bạn, và tình đoàn kết giữa du khách và người dân trong làng.
Ngay từ tên gọi, “Gươl” theo tiếng Cơ Tu có nghĩa là cộng đồng. Leo lên cầu thang gỗ, bước vào Gươl, là không gian mang đậm màu sắc núi rừng với những bức tượng điêu khắc gỗ hình các con vật, nhạc cụ…Sạp nhà làm bằng gỗ và tre nứa chắc chắn, đủ rộng để đón bà con khắp thôn làng mỗi khi trưởng bản, hay già làng công bố chuyện quan trọng, hội họp hay dịp cả làng chuẩn bị những lễ hội truyền thống.
Nhà Gươl không chỉ là sản phẩm của cá nhân mà là thành quả từ sự chung tay góp sức của tất cả người dân trong làng. Dưới đôi bàn tay khéo léo của những người thợ giỏi nhất, Gươl toát lên vẻ bề thế nhưng tự nhiên, hội tụ được tinh hoa kiến trúc từ bao đời. Để rồi, qua thăng trầm của thời gian, nó trở thành niềm tự hào của người Cơ tu.
Nghệ thuật tạo hình, các phong tục, tập quán lâu đời tại nhà Gươl đang là kho báu của các bản làng người Cơ Tu. Cùng với ẩm thực, âm nhạc, trang phục truyền thống của bà con Cơ Tu, những ngôi nhà độc đáo này tạo nên di sản văn hóa đặc sắc của dân tộc, đồng thời góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thêm đa dạng và lung linh sắc màu.
Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình!
Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/nha-guol-bieu-tuong-cua-nguoi-co-tu-quang-nam-210309.htm