Nhà hàng, quán cà phê rục rịch trở lại trên phố đi bộ Nguyễn Huệ

Sau thời gian bỏ trống, một số mặt bằng trên đường Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) đã có khách thuê. Sự xuất hiện hay quay trở lại của các hàng quán khiến phố đi bộ sôi động hơn.

Hơn một tháng qua, Lê Hà (28 tuổi) bận rộn với kế hoạch mở quán cà phê trong khu chung cư 42 Nguyễn Huệ. Sau nhiều tháng khảo sát, cân nhắc một số địa điểm, cô quyết định chọn vị trí trên "con phố vàng" của quận 1.

Hà cho rằng phố đi bộ Nguyễn Huệ luôn là điểm đến yêu thích của du khách, giới trẻ và đang sôi động trở lại khi du lịch dần hồi phục.

"Việc những chủ cũ rời đi, trả mặt bằng cũng là cơ hội cho người mới như chúng tôi nhảy vào".

Hà cho biết thêm nhà cũ với diện tích 40-50 m2 trong khu chung cư này có giá thuê khoảng 25-50 triệu đồng/tháng, tùy từng vị trí.

Hàng quán trở lại

Trong giai đoạn khó khăn vì dịch Covid-19, nhiều hàng quán trên phố đi bộ Nguyễn Huệ buộc phải đóng cửa, trả mặt bằng. Giá thuê mặt bằng cao, nhưng tình hình kinh doanh không khả quan như trước là nguyên nhân chính khiến các thương hiệu, kể cả những cái tên lớn, cũng phải rời khỏi vị trí đắc địa.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, một số hàng quán, đặc biệt trong lĩnh vực ăn uống, bắt đầu trở lại trên con phố sầm uất bậc nhất TP.HCM.

Ông Lý Quí Chánh, phó Chủ tịch HĐQT Niso Corporation, chủ sở hữu của CIAO Cafe, cho biết giá thuê mặt bằng trên phố Nguyễn Huệ vẫn ở mức cao. Tuy nhiên, việc kinh doanh trên con đường mang tính biểu tượng của TP.HCM mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp.

"Đó không chỉ là câu chuyện làm hình ảnh, tôi tin rằng nếu làm đúng, làm tốt thì doanh nghiệp vẫn có lãi".

 CIAO Cafe Nguyễn Huệ mở cửa trở lại sau 4 năm.

CIAO Cafe Nguyễn Huệ mở cửa trở lại sau 4 năm.

CIAO Cafe mở cửa chi nhánh đầu tiên trên đường Nguyễn Huệ vào năm 1993. Nhà hàng kết hợp quán cà phê này từng được xem là "biểu tượng" của phố đi bộ với bức tường check-in màu vàng nổi bật.

Tuy nhiên, đến năm 2019, cơ sở kinh doanh này đóng cửa sau khi hết hạn hợp đồng thuê mặt bằng. Cuối tháng 6 vừa qua, nơi này mở cửa trở lại tại đúng vị trí cũ.

Trở lại sau 4 năm, CIAO Cafe vừa muốn giữ những nét đặc trưng, nhưng cũng nhận thấy cần phải thay đổi để phục vụ nhu cầu thưởng thức mới của khách hàng.

"Menu chúng tôi có 60% món cũ và 40% món mới. Về phần trang trí, chúng tôi giữ lại một số nét riêng như bức tường vàng, nhưng cố gắng trẻ trung, hiện đại, bắt kịp xu hướng hơn", ông Chánh nói.

Giá thuê mặt bằng vẫn cao

Theo thống kê của Sở GTVT TP.HCM, lưu lượng người đi bộ trung bình trên đường Nguyễn Huệ là 3.300 người vào ngày thường và 6.600 người vào dịp cuối tuần.

Các sự kiện đặc biệt như Lễ hội Áo dài, Countdown mừng năm mới rất hút khách. Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Quý Mão 2023 đã đạt kỷ lục về lượt khách tham quan trong 20 năm qua, với hơn 1,2 triệu người.

Cùng với đó, mức chi tiêu của người dân và khách du lịch vào ngày thường tại đây cũng lên đến khoảng 2,3 tỷ đồng/ngày và 11,8 tỷ đồng/ngày trong dịp cuối tuần. Phần lớn nguồn thu này đến từ chi phí khách sạn, ăn uống, mua sắm và vui chơi giải trí.

 Nhiều mặt bằng liền kề trên phố Nguyễn Huệ vẫn đóng cửa.

Nhiều mặt bằng liền kề trên phố Nguyễn Huệ vẫn đóng cửa.

Lưu lượng người tiêu dùng tập trung đông đúc đẩy giá mặt bằng trên phố Nguyễn Huệ lên mức cao nhất TP.HCM trong khoảng 5 năm qua.

Hiện tại, nhiều mặt bằng trên phố đi bộ và một số con đường lân cận như Ngô Đức Kế, Mạc Thị Bưởi, Đồng Khởi, Lê Lợi vẫn bỏ trống cùng những tấm biển rao bán bám đầy bụi. Một số nơi đã không có khách thuê trong 1-2 năm qua, nhưng chủ nhà không muốn giảm giá thuê.

"Tôi nghĩ trong giai đoạn hiện tại, chủ mặt bằng nên đưa ra một mức giá mềm hơn, thì mọi thứ sẽ ổn hơn. Hai năm sau lên giá cũng được, nhưng khi bắt đầu trở lại, nên đưa ra một mức giá phù hợp để thu hút các doanh nghiệp", ông Lý Quí Chánh bày tỏ.

Lê Vy

Nguồn Znews: https://lifestyle.zingnews.vn/nha-hang-quan-ca-phe-ruc-rich-tro-lai-tren-pho-di-bo-nguyen-hue-post1445576.html