Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San: Đổi mới hình thức tuyên truyền cổ động
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San linh hoạt chuyển từ hình thức tuyên truyền trực tiếp sang gián tiếp với nhiều cách làm sáng tạo.
Khác với mọi năm, hội thi tuyên truyền lưu động toàn quốc năm 2021 được tổ chức bằng hình thức online. Theo đó, các đơn vị xây dựng kịch bản chương trình, dàn dựng, tập luyện và quay clip hoàn chỉnh gửi về ban tổ chức chấm giải. Mặc dù không biểu diễn trực tiếp như mọi năm song Đội tuyên truyền văn hóa (Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San) vẫn phân công, chia tổ tập luyện hết sức bài bản. Chương trình nghệ thuật tham gia hội thi là tuyên truyền về thành công của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, niềm tin tưởng và kỳ vọng vào một tương lai tươi mới, tốt đẹp trong thời gian tới...
Bà Bùi Thị Thắm-Phó Trưởng phòng Văn hóa-Văn nghệ quần chúng-chia sẻ: “Thời gian tập luyện chương trình diễn ra trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Do đó, chúng tôi chủ động chia thành các đội hình khác nhau để tập luyện. Đội ca có thể tự tập ở nhà, các tốp múa cũng chia ca tập với nhau, tránh tập trung đông người cùng một lúc để phòng-chống dịch. Khi đã nhuần nhuyễn mới tiến hành ráp chương trình tổng thể”. Cũng theo bà Thắm, mặc dù không được trực tiếp biểu diễn phục vụ bà con ở các tỉnh như mọi năm nhưng các thành viên trong đội đã tích cực tham gia tập luyện, đảm bảo tiến độ và chất lượng chương trình nghệ thuật.
Từ tháng 3 đến nay, hoạt động biểu diễn phục vụ cơ sở của Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San tạm ngưng do dịch bệnh diễn biến phức tạp. Ông Nguyễn Ngọc Long-Phó Giám đốc phụ trách Nhà hát cho hay: “Trong điều kiện dịch bệnh hoành hành, với nhiệm vụ tuyên truyền, biểu diễn văn hóa-văn nghệ phục vụ cơ sở, Nhà hát đã chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền gián tiếp. Chúng tôi xây dựng kịch bản chương trình nghệ thuật cho các ngày lễ lớn, sắp xếp cho anh chị em nghệ sĩ tập luyện, sau đó quay clip hoặc in đĩa gửi về các trung tâm văn hóa cấp huyện phát trên sóng truyền thanh đến tận cơ sở. Ngoài ra, các clip này cũng sẽ đăng tải lên website của đơn vị để tuyên truyền. Chúng tôi kết nối với 17 huyện, thị xã, thành phố để đăng tải các clip lên trang thông tin điện tử nhằm tăng hiệu quả tuyên truyền trong thời điểm khó khăn này”.
Sắp tới, Nhà hát cũng chủ trương tổ chức các hoạt động theo hình thức này. Trong đó có cuộc vận động sáng tác ca khúc, múa và kịch thông tin với chủ đề phòng-chống Covid-19; tập huấn nâng cao nghiệp vụ xây dựng chương trình nghệ thuật quần chúng năm 2021. Đội tuyên truyền văn hóa cơ sở thì xây dựng kịch bản chương trình, tập luyện ghi hình nội dung tuyên truyền phòng-chống dịch Covid-19 như: tuyên truyền miệng, các tiết mục văn nghệ cổ động; kịch thông tin “Khi Tổ quốc cần”... “Trước tình hình dịch bệnh khó lường, chúng tôi chủ động chuyển đổi các hoạt động sang hình thức online, trực tuyến. Đối với các hội thi, liên hoan, Nhà hát có hướng dẫn để các đơn vị tham gia dự thi quay clip và gửi về ban tổ chức. Lớp tập huấn cũng sẽ được tổ chức trực tuyến thông qua ứng dụng Google meet”-bà Thắm cho biết.
Trong tình hình hiện nay, việc chuyển đổi hình thức tuyên truyền văn hóa-văn nghệ là yêu cầu tất yếu. “Việc đăng tải clip tuyên truyền qua mạng xã hội, trên trang điện tử hay trên sóng truyền thanh là giải pháp phù hợp trong mùa dịch. Tuyên truyền bằng hình thức gián tiếp đòi hỏi mỗi diễn viên phải tự trau dồi, hoàn thiện kỹ năng, nghiệp vụ, nội dung chương trình phải thật sự chất lượng, hấp dẫn để thu hút đông đảo người dân theo dõi, giúp nâng cao hiệu quả tuyên truyền”-ông Long nhấn mạnh.