Nhà hát Kịch Việt Nam khởi dựng hai chương trình đặc biệt kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9

Hướng tới kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, sáng 9/7, Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức lễ khởi công hai chương trình nghệ thuật đặc biệt 'Bác Hồ một tình yêu bao la' và vở nhạc kịch 'Café bánh mì'.

Cảnh diễn trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bác Hồ một tình yêu bao la".

Cảnh diễn trong Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Bác Hồ một tình yêu bao la".

- vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc đã đi xa, nhưng tầm vóc trí tuệ và tư tưởng, phong cách đạo đức cùng hình ảnh giản dị của Người luôn sống mãi trong trái tim các thế hệ người Việt Nam và bạn bè quốc tế, để lại dấu ấn đậm nét trong lịch sử dân tộc và nhân loại.

Với mong muốn khắc họa được phần nào hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trên sân khấu bằng ngôn ngữ kịch sâu sắc và giàu cảm xúc, Nhà hát Kịch Việt Nam đã dàn dựng Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bác Hồ một tình yêu bao la” với hai vở kịch ngắn: “Chuyện nhà chị Tín” và “Miền nam trong trái tim Bác” của tác giả Lê Trinh-Lý Nguyên Anh, đạo diễn Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Mai Nguyên.

 Cảnh vở "Chuyện nhà chị Tín" trong Chương trình "Bác Hồ một tình yêu bao la".

Cảnh vở "Chuyện nhà chị Tín" trong Chương trình "Bác Hồ một tình yêu bao la".

Vở “Chuyện nhà chị Tín” là câu chuyện kể về chuyến đi thăm của Bác Hồ tới một gia đình nghèo nhất Hà Nội trong đêm giao thừa năm Nhâm Dần 1962. Dù ở vị trí nào, Người vẫn luôn nghĩ đến nhân dân, luôn mong muốn cho mỗi người dân, mỗi gia đình đón Tết trong mùa xuân ấm no, hạnh phúc. Bác đã từng nói “Tôi chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nhân dân ta ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Câu chuyện Bác Hồ đến thăm gia đình nghèo nhất vào đêm giao thừa năm ấy là một trong những câu chuyện như thế, thể hiện tình yêu bao la của Người và tình cảm yêu quý của nhân dân với Bác.

Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành tình cảm đặc biệt cho đồng bào miền nam như câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: “Bác nhớ miền nam nỗi nhớ nhà / Miền nam mong Bác nỗi mong Cha”. Vở kịch ngắn “Miền nam trong trái tim Bác” dựa trên cảm hứng thơ ca và câu chuyện xúc động khi Bác Hồ gặp gỡ nữ Anh hùng Trần Thị Lý và các chiến sĩ, đồng bào miền nam.

Vở diễn như một bài ca về nỗi đau chia cắt, khát vọng và quyết tâm thống nhất của nhân dân cả nước, tái hiện những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước cùng tình cảm và nỗi nhớ thương đồng bào miền nam luôn đau đáu trong trái tim Bác Hồ như Người từng nói: “Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào miền nam còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên”.

 Đạo diễn chương trình "Bác Hồ một tình yêu bao la"- Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Mai Nguyên (bên trái).

Đạo diễn chương trình "Bác Hồ một tình yêu bao la"- Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Mai Nguyên (bên trái).

Ê-kíp sáng tạo chương trình nghệ thuật đặc biệt “Bác Hồ một tình yêu bao la”: Tác giả Lê Trinh-Lý Nguyên Anh; Đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Trịnh Mai Nguyên; Họa sĩ thiết kế trang trí sân khấu-Hoàng Quốc Thắng; Kỹ xảo đồ họa-Nguyễn Minh Tân; Biên tập nhạc-Hồng Vân; Trợ lý đạo diễn: Nguyễn Hồng Phúc-Lê Quang Đạo; Hóa trang hình tượng Bác Hồ-Nguyễn Thị Phương Nam; Chỉ đạo nghệ thuật-Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu.

Cùng thời gian, để phục vụ công chúng yêu sân khấu nhân các ngày lễ lớn của dân tộc thời gian tới, Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp Công ty Metaforce Việt Nam dàn dựng Vở nhạc kịch “Café bánh mì”.

Vở diễn phản ánh không khí sôi sục trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc Việt Nam. Tái hiện chân thực bối cảnh xã hội Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh đầy đau thương, gian khổ mà rất đỗi hào hùng, ca ngợi những người dân yêu nước trong đó có sự đóng góp rất lớn của giai cấp tiểu tư sản đã cống hiến không chỉ tiền của mà còn hy sinh cả tính mạng để đi theo kháng chiến, đi theo cách mạng.

 Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu-Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật hai chương trình.

Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu-Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật hai chương trình.

Dù phải đối mặt với muôn vàn khó khăn, nhưng người dân Việt Nam vẫn giữ vững niềm tin vào thắng lợi, nhất định không chịu khuất phục trước mọi áp bức của kẻ thù. Tinh thần bất khuất của dân tộc Việt Nam trong cuộc Cách mạng Tháng Tám là biểu hiện cao đẹp của lòng yêu nước và sức mạnh đoàn kết, tạo nên thắng lợi to lớn của cách mạng, giành độc lập tự do, khẳng định ý chí quật cường của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

 Các nghệ sĩ Hàn Quốc tham gia dàn dựng vở nhạc kịch "Café bánh mì".

Các nghệ sĩ Hàn Quốc tham gia dàn dựng vở nhạc kịch "Café bánh mì".

Vở nhạc kịch “Café bánh mì” được thực hiện bởi ê-kíp của Nhà hát Kịch Việt Nam và Công ty METAFORCE của Hàn Quốc, thể hiện mối quan hệ hợp tác nghệ thuật, giao lưu văn hóa, âm nhạc và sân khấu giữa hai nước, đồng thời lan tỏa thông điệp về văn hóa, con người và lịch sử Việt Nam-Hàn Quốc, góp phần mang đến công chúng những vở diễn có chất lượng cao về nghệ thuật với những thông điệp mang nhiều ý nghĩa nhân văn.

 Các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam và Hàn Quốc tại lễ khởi dựng vở nhạc kịch "Café bánh mì".

Các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam và Hàn Quốc tại lễ khởi dựng vở nhạc kịch "Café bánh mì".

Ekip sáng tạo vở nhạc kịch “Café bánh mì”: Tác giả kịch bản gốc-Seo Sang Wan và tác giả phối hợp: Lê Trinh, Đạo diễn-Cho Joon Hui và đạo diễn phối hợp-Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Lâm Tùng, Họa sĩ thiết kế trang trí sân khấu-Lim Chung IL, Giám đốc âm nhạc-Seo Sang Wan, Biên đạo múa-Kim Sung IL, Trợ lý đạo diễn-Nghệ sĩ Ưu tú Nông Dũng Nam, Nhạc sĩ Việt hóa các ca khúc-Tuấn Nghĩa, Huấn luyện thanh nhạc-Đồng Thị Thanh Nhàn, Giám đốc nghệ thuật-Park Hyun Woo, Giám đốc sản xuất-Nguyễn Thị Mai Quyên, Chỉ đạo nghệ thuật-Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam-Nghệ sĩ Ưu tú Kiều Minh Hiếu.

NGUYỄN TIẾN CƯỜNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/nha-hat-kich-viet-nam-khoi-dung-hai-chuong-trinh-dac-biet-ky-niem-80-nam-cach-mang-thang-tam-va-quoc-khanh-29-post892589.html