Nhà hát Opera ven Hồ Tây có gì?
UBND quận Tây Hồ đang lấy ý kiến về Đồ án Quy hoạch chi tiết Trục không gian trung tâm bán đảo Quảng An tỷ lệ 1/500, với điểm nhấn là Nhà hát Opera, dự kiến sẽ trở thành điểm nhấn văn hóa cho người Hà Nội.
Theo ông Nguyễn Lê Hoàng - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ, đồ án được lập ra nhằm cụ thể hóa quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 10/5/2021 của UBND thành phố Hà Nội về việc phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận.
Trong tổng thể quy hoạch bán đảo Quảng An, không gian văn hóa nghệ thuật, du lịch dự kiến bố trí các khu chức năng: Công viên gốm sứ truyền thống; Quảng trường cảnh quan; Khu vực tổ chức các hoạt động ngoài trời; và Nhà hát Opera đang được quan tâm.
Nhà hát Opera ven Hồ Tây có gì?
“Công trình nhà hát Opera sẽ được thiết kế nổi trên mặt hồ Đầm Trị, không ảnh hưởng đến diện tích mặt nước. Nhà hát cũng mang kiến trúc hiện đại, với mái vòm được lấy cảm hứng từ những con sóng Hồ Tây”, lãnh đạo quận Tây Hồ cho biết.
Nhà hát Opera Hà Nội được kỳ vọng sẽ sánh ngang với các nhà hát nổi tiếng thế giới như nhà hát Con Sò tại Sydney (Úc), nhà hát La Scala tại Milan (Ý) hay nhà hát Esplanade (Singapore)…
Công trình được kỳ vọng sẽ góp phần nâng tầm Hà Nội thành điểm đến của những sự kiện văn hóa thế giới, nơi giới nghệ sĩ nổi tiếng thế giới sẽ đến biểu diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa.
Theo tiết lộ của đại diện đơn vị tư vấn kiến trúc, công nghệ thiết kế độc đáo nhất của nhà hát Opera Hà Nội chính là kết cấu vỏ mái cực mỏng, với độ dày chỉ dao động khoảng từ 200mm – 600mm. Ở trong lớp vỏ mái còn được hoàn thiện bởi một lớp bổ sung không chịu lực với khả năng cách âm đặc biệt.
Đây là một kết cấu vô cùng đặc biệt chưa từng có trên thế giới. Thiết kế vỏ mái siêu mỏng này không chỉ làm nên vẻ đẹp thanh thoát, tạo không gian thoáng mát cho nhà hát mà còn giúp cho những trải nghiệm âm thanh trong các buổi trình diễn âm nhạc được lọc âm tốt nhất – một trong những yêu cầu tối cao dành cho những nhà hát tầm cỡ quốc tế.
Đáng chú ý, nhà hát Opera Hà Nội còn được ứng dụng nhiều công nghệ và kỹ thuật thiết kế tân tiến. Toàn bộ tường của khán phòng chính được trang bị hệ thống các tấm acoustic có thể vận hành bằng cơ khí. Từ đó, đảm bảo độ phản xạ âm, hút âm và thời gian âm vang phù hợp với yêu cầu của từng chương trình nghệ thuật. Đây là hệ thống mà không nhiều nhà hát trên thế giới có được.
Hệ thống này sẽ đảm bảo nhà hát có thể là không gian trình diễn hoàn hảo cho tất cả các loại hình nghệ thuật như opera, hòa nhạc, ba-lê, lễ hội âm nhạc, hội thảo… với âm thanh tự nhiên nhất.
Dấu ấn của kiến trúc sư Renzo Piano
“Mỗi mảnh đất đều có một câu chuyện để kể” – đó là triết lý thiết kế của kiến trúc sư huyền thoại Renzo Piano.
Điều mà kiến trúc sư đại tài Renzo Piano mang đến cho nhà hát Opera Hà Nội không chỉ là một công trình đẳng cấp quốc tế với công nghệ đỉnh cao, mà còn là câu chuyện về Hà Nội xanh và đậm sắc màu văn hóa.
Vì vậy, cũng chính Renzo là người chủ trì ý tưởng về thiết kế quy hoạch cảnh quan xung quanh theo mô hình của một công viên xanh. Rất nhiều cây xanh sẽ được trồng thêm quanh khu vực nhà hát để tạo ra một công viên công cộng nơi người thủ đô đến không chỉ để thưởng thức nghệ thuật mà còn thư giãn, ngắm cảnh.
Đặc biệt, nhiều công nghệ cũng được áp dụng để nhà hát trở thành không gian xanh trong lành như hệ thống xử lý khí thải bằng công nghệ lọc sinh học Bioswales. Toàn bộ không gian quanh nhà hát cũng sẽ không có khói xe mà hoàn toàn là một không gian đi bộ trong lành, thảnh thơi.
Điều này phù hợp với định hướng của đồ án quy hoạch bán đảo Quảng An. Theo đó, các hạng mục công trình công cộng như công viên, nhà hát… sẽ phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế và văn hóa của địa phương, góp phần thay đổi diện mạo cho Hồ Tây nói riêng cũng như góp phần phát triển dịch vụ, du lịch một cách bài bản chuyên nghiệp, tạo ra điểm đến mới cho thành phố, nâng tầm trải nghiệm văn hóa du lịch tại Thủ đô.
Toàn bộ không gian di sản văn hóa tại khu vực Hồ Tây sẽ được bảo tồn khi xây dựng nhà hát Opera Hà Nội, như chùa Hoằng Ân, chùa Phổ Linh, Đền Kim Ngưu – Phủ Tây Hồ.
Trên thế giới, rất nhiều công trình văn hóa, nhà hát opera đã trở thành biểu tượng một quốc gia, không chỉ nâng tầm điểm đến, tạo vị thế trên trường quốc tế, mà còn đem về doanh thu khổng lồ cho ngành du lịch.
Nếu được hiện thực hóa, Nhà hát Opera Hà Nội sẽ không chỉ là niềm tự hào của Hà Nội, mà còn đóng góp vào hành trình phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của Việt Nam nói chung.
Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/nha-hat-opera-ven-ho-tay-co-gi-post158761.html