Nhà khoa học nữ: Vượt định kiến thỏa đam mê
Các trường đại học khối STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) có nhiều chương trình thúc đẩy nữ giới dành cho cả sinh viên, giảng viên.
Tôi chọn lối này…
PGS.TS Lê Thị Xuân Thùy - Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) - một trong những nhà khoa học, nữ giảng viên đam mê nghiên cứu vấn đề môi trường với mục đích phục vụ cộng đồng.
Công trình khoa học: “Xử lý... nước thải nhiễm ion kim loại nặng bằng vật liệu từ tính phủ acid gamapolyglutamid (Gama – PGM)” và “Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng” của giảng viên Xuân Thùy được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN cấp bằng bảo hộ năm 2018. Năm 2022, TS Lê Thị Xuân Thùy được phong chức danh PGS.
“Những gì có thể giúp ích cho xã hội tôi luôn nỗ lực làm, vì đó là trách nhiệm, tâm huyết nhà khoa học. Việc được công nhận và cấp bằng sáng chế với tôi là niềm vinh hạnh, khích lệ với người làm nghiên cứu khoa học và giảng dạy vì cộng đồng”, PGS.TS Lê Thị Xuân Thùy cho biết.
Sáng chế “Thiết bị lọc nước ngầm đa tầng” xuất phát từ việc người dân nhiều nơi, nhất là nông thôn, miền núi, vùng sâu, xa phải sống trong môi trường ô nhiễm, nguồn nước ngầm không bảo đảm chất lượng, nhiễm phèn, mặn...
Khi đưa về vùng sâu, xa như xã đảo và các huyện vùng núi Quảng Nam thiết bị được người dân đón nhận, sử dụng với độ hài lòng cao. Từ sáng chế này, TS Lê Thị Xuân Thùy phát triển thành thiết bị lọc nước có cặn bẩn tại các hộ gia đình sử dụng nguồn nước thủy cục. Hiện có gần 40 hộ gia đình sử dụng thiết bị này.
Tương tự, PGS.TS Phan Thị Phương Nhi - Phó Trưởng khoa Nông học, phụ trách Khoa học & Hợp tác Quốc tế, Khoa Nông học, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Huế) là một trong 3 người nhận giải thưởng Nhà khoa học nữ xuất sắc năm 2022 của L’Oreál - UNESCO. Đây cũng là cột mốc đánh dấu hành trình 20 năm dấn thân theo con đường nghiên cứu khoa học của cô Nhi.
67 bài báo khoa học được đăng tải, đồng tác giả của 8 quyển sách, 24 đề tài khoa học của PGS.TS Phan Thị Phương Nhi đều hướng đến mục đích tạo giống cây trồng, bảo vệ nguồn gen, gìn giữ giống cây trồng bản địa.
Cô Nhi đang triển khai đề tài áp dụng phương pháp chỉ thị phân tử trong việc đánh giá đa dạng nguồn gen, qua đó tạo lập nguồn kiến thức quý giá về đặc điểm giống chè trồng tại khu vực miền Trung, đặc biệt là nhận diện chè Truồi. Đây từng là loại chè - nước uống phổ biến trong cung đình Huế. Đề án của cô có ý nghĩa quan trọng trong đánh giá đa dạng di truyền, định danh cấp độ loài chè để có thể đảm bảo chất lượng, từ đó bảo tồn nguồn vật liệu quý, đặc hữu, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa phi vật thể cố đô Huế.
Theo chia sẻ của PGS.TS Phan Thị Phương Nhi, nghiên cứu khoa học đã khó, với phụ nữ làm công việc này càng khó. Nhiều khi họ lao động say sưa quên thời gian dành cho gia đình, bản thân. “Đặc biệt, thời điểm sinh con, tôi nghĩ mình sẽ từ bỏ các ý tưởng nghiên cứu đang theo đuổi. Nhưng rồi với đam mê và sở thích, tôi không ngừng theo đuổi cho đến nay.
Con đường nghiên cứu khoa học nhiều khó khăn, thử thách. Song bản tính phụ nữ là tỉ mỉ, cẩn thận, chịu khó, hay lo lắng lại trở thành ưu điểm. Vì lo lắng nên đôi khi nhà khoa học nữ có thể hình dung hết các trường hợp có thể xảy ra để có sự chuẩn bị và phương án khắc phục”, PGS.TS Phương Nhi nhận xét.
Thúc đẩy đam mê
Từ năm 2016, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) triển khai nhiều hoạt động thúc đẩy phụ nữ trong STEM. Mới đây nhất, cuối năm 2022, nhà trường triển khai Chương trình 21CS (21st Century Skill program) nhằm phát triển năng lực sinh viên trong đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.
“Đặc biệt, 21CS chú trọng vấn đề bình đẳng giới và vì sự tiến bộ, phát triển của nữ giới. Chương trình thiết kế riêng nội dung để phát triển, thúc đẩy nữ giới trong STEM (WiSTEM), dành cho nữ sinh viên và giảng viên nhà trường”, TS Nguyễn Thị Anh Thư - Phó Trưởng khoa Khoa học Công nghệ tiên tiến (FAST) thông tin.
Trong chuỗi các hoạt động thúc đẩy năng lực nghiên cứu, đổi mới sáng tạo khởi nghiệp của nữ sinh viên, nhà trường đã đẩy mạnh Chương trình EPICS (Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng), MEP (Maker To Entrepreneur - Từ sáng chế đến khởi nghiệp). Số lượng nữ giới được yêu cầu trong mỗi dự án là 1/3. Qua đó, sinh viên nữ được thúc đẩy tham gia các dự án kỹ thuật, nghiên cứu và đưa ra giải pháp phục vụ xã hội.
Ngoài hội thảo thúc đẩy nữ giới trong STEM, nhà trường còn tổ chức Câu lạc bộ Nữ sinh Bách khoa (GDUT) để hỗ trợ sinh viên phát triển kỹ năng, toàn diện từ học tập nghiên cứu đến kỹ năng mềm. Các thành viên của câu lạc bộ tham gia chuyên đề về “Giải quyết định kiến và thúc đẩy bình đẳng giới”. Cùng kiến thức, kỹ năng liên quan đến truyền thông bình đẳng giới, hoạt động của dự án đồng thời trang bị cho sinh viên nữ sự thay đổi định kiến về khả năng giới; hình tượng nam tính – nữ tính và khuôn mẫu vai trò giới.
Điển hình như nhóm ANNAM của câu lạc bộ đã đoạt giải Nhất cuộc thi EPICS 2021 với sản phẩm găng tay kháng lực hỗ trợ phục hồi chức năng ứng dụng robot mềm. Găng tay hỗ trợ phục hồi chức năng của nhóm ANNAM có 3 bài tập được tích hợp sẵn trong sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tập luyện cơ bản của bệnh nhân. Chi phí sản xuất khoảng 4,5 - 5 triệu đồng. Đây là mức giá thấp so với các sản phẩm nhập ngoại có mặt trên thị trường.
Nguyễn Thị Hiền, thành viên của nhóm ANNAM, cho biết khi làm việc nhóm, dù là thành viên nữ hay nam cũng phải đề xuất ý tưởng và thuyết phục, bảo vệ quan điểm của mình. Những đề xuất, cải tiến phải dựa trên tư duy khoa học để giải quyết tình huống thực tế, do đó đòi hỏi vận dụng linh hoạt các kiến thức đã học. Đây là một trong những khó khăn mà nữ sinh nghiên cứu khoa học phải vượt qua.
“Không riêng gì Việt Nam, các nước khác cũng tồn tại mặc định nam giỏi hơn nữ giới về ngành kỹ thuật. Vì vậy, phụ nữ muốn theo đuổi ngành này thường phải nỗ lực rất nhiều. Thực tế đó đôi khi làm ảnh hưởng đến các mặt của cuộc sống của nhà khoa học nữ cũng như thời gian dành cho gia đình, con cái, sở thích cá nhân…”. - TS Nguyễn Thị Hồng Yến, giảng viên Khoa Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng)
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nha-khoa-hoc-nu-vuot-dinh-kien-thoa-dam-me-post658385.html