Nhà khoa học số 1 Việt Nam: Người thầy phải có tâm và có tầm
Trong gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục và hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo sư Nguyễn Đình Đức đã công bố tới hơn 300 bài báo khoa học, đào tạo nhiều học trò xuất sắc.
Liên tiếp trong ba năm, từ 2019 đến 2021, giáo sư Nguyễn Đình Đức, Đại học Quốc gia Hà Nội được Tạp chí PLoS Biology của Hoa Kỳ xếp hạng trong tốp 100.000 nhà khoa học có chỉ số ảnh hưởng thế giới và đứng đầu trong danh sách các nhà khoa học Việt Nam trong danh sách này các năm 2020, 2021. Trong lĩnh vực kỹ thuật, ông được xếp vị trí thứ 96 thế giới.
Giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng là một trong số ít những nhà khoa học Việt Nam đã được Tạp chí này vinh danh trong danh sách 100.000 nhà khoa học được xếp hạng có trích dẫn khoa học ảnh hưởng thế giới theo thành tựu trọn đời.
Không có học trò kém
Chia sẻ về sự nghiệp “trồng người” trong không khí cả nước đón chào Ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam 20/11, giáo sư Nguyễn Đình Đức cho biết với ông, không có học trò kém. Học trò nào cũng ẩn chứa những tiềm năng và chính niềm tin yêu, sự tận tâm và động viên khích lệ của người thầy là động lực khơi dậy, đánh thức tiềm năng sáng tạo của các học trò. Điều đó đòi hỏi người thầy phải thật sự tâm huyết với nghề, hết lòng với học trò.
Gần 40 năm gắn bó với giáo dục đại học cũng là chừng ấy năm giáo sư Nguyễn Đình Đức thực hiện sứ mệnh “trồng người” cao cả của nhà giáo. Với giáo dục đại học, điều đó lại càng đặc biệt hơn khi người thầy sẽ trực tiếp đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước. Nếu giáo viên phổ thông là những người đặt nền móng tri thức và đạo đức làm người thì giảng viên đại học lại là người đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp cho sinh viên, những người chuẩn bị bước vào thị trường lao động, trực tiếp xây dựng và kiến thiết đất nước. Vì vậy, người thầy chính là một tấm gương cho sinh viên không chỉ trong với tư cách là nhà giáo mà còn với tư cách một người đồng nghiệp lớn.
Là một người say mê nghiên cứu khoa học và hướng dẫn rất nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học, sự tận tụy và tâm huyết, những bài giảng và lòng yêu nghề và khát khao cống hiến của giáo sư Nguyễn Đình Đức đã thắp sáng ngọn lửa đam mê khoa học của lớp lớp học trò. Ông luôn quan niệm người thầy chân chính phải thực sự tâm huyết, không màng danh lợi, khát khao cống hiến.
Từng tốt nghiệp tiến sỹ ở Nga từ khi còn rất trẻ, với ngành nghiên cứu về vật liệu mới composite, có nhiều cơ hội để làm việc ở nước ngoài nhưng ông vẫn quyết định trở về nước. “Nhìn từ tấm gương của các giáo sư lỗi lạc, tôi nhận thấy để thành công được, họ không chỉ có tài năng mà còn có lý tưởng cống hiến cho đất nước. Những điều đó ảnh hưởng sâu sắc đến cá nhân tôi. Vì vậy, tôi mong muốn những kiến thức mà mình tích lũy sẽ đóng góp được cho đất nước, để xây dựng được đội ngũ, xây dựng được ngành của mình,” giáo sư Nguyễn Đình Đức chia sẻ.
Vượt qua rất nhiều khó khăn thiếu thốn, từ những ngày đầu còn chưa có phòng làm việc cho nhóm nghiên cứu, nhưng cả thầy và trò vẫn cùng nhau cố gắng nỗ lực. Dưới sự hướng dẫn của thầy, nhiều sinh viên đã tốt nghiệp đại học loại xuất sắc, nhiều nghiên cứu sinh có kết quả nghiên cứu khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế có uy tín và không hề thua kém các nghiên cứu sinh được đào tạo bài bản hoàn toàn ở nước ngoài.
Nhiều học trò của ông đã tiếp nối con đường trở thành các nhà giáo, nhà khoa học và có chuyên môn giỏi như phó giáo sư Hoàng Văn Tùng (Đại học Kiến trúc Hà Nội), tiến sỹ Trần Quốc Quân (Đại học Phenikaa), tiến sỹ Phạm Hồng Công (Viện Hàn lâm Khoa học công nghệ Việt Nam), tiến sỹ Vũ Thị Thùy Anh (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội)...
Hội nhập và sáng tạo
Không chỉ là người thầy tận tâm, giáo sư Nguyễn Đình Đức còn là nhà khoa học với tư tưởng hội nhập quốc tế sâu rộng. Với quan điểm để trở thành nhà giáo, nhà khoa học giỏi, người thầy bên cạnh chữ “tâm” phải có lý tưởng và có tầm nhìn, ông luôn tâm niệm các nhà khoa học Việt Nam phải vươn lên, tự tin sánh vai với các đồng nghiệp quốc tế. Giáo dục đại học muốn thành công phải luôn bắt nhịp, hội nhập theo các chuẩn mực và trình độ của quốc tế, cả trong đào tạo và nghiên cứu đồng thời gắn với thực tiễn, phục vụ thiết thực sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Điều đó thể hiện rõ trong hướng trọng tâm nghiên cứu chuyên sâu của ông, đó là các lĩnh vực liên quan đến vật liệu và kết cấu tiên tiến như vật liệu cacrbon-cacrbon siêu bền nhiệt; vật liệu nano; vật liệu mới làm tăng hệ số chuyển đổi năng lượng trong các tấm pin mặt trời; các vật liệu composite có tính năng cơ lý cao sử dụng trong các điều kiện khắc nghiệt và các công trình đặc biệt; các vật liệu tiên tiến đáp ứng yêu cầu lưu trữ thông tin lớn của CMCN 4.0; ứng dụng trí tuệ nhân tạo và machine learning trong tối ưu hóa vật liệu và kết cấu...
Kết quả của những năm tháng miệt mài nghiên cứu là ông đã công bố hơn 300 bài báo, báo cáo khoa học, trong đó có gần 200 bài trên các tạp chí quốc tế ISI có uy tín; là tác giả của hai bằng phát minh sáng chế, góp phần quan trọng hình thành nên trường phái khoa học về vật liệu và kết cấu tiên tiến ở Đại học Quốc gia Hà Nội. Giáo sư Đức cũng vinh dự đại diện cho các nhà khoa học Việt Nam được mời tham gia hội đồng biên tập quốc tế của 10 tạp chí ISI có uy tín của thế giới.
Với vai trò là người phụ trách quản lý đào tạo của một trong hai đại học lớn nhất cả nước, Đại học Quốc gia Hà Nội, giáo sư Nguyễn Đình Đức cũng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược trong phát triển đại học gắn với nhu cầu thực tiễn và hội nhập quốc tế với nhiều đề xuất táo bạo. Nhận thấy để các phát triển nghiên cứu khoa học một cách bền vững cần phải hình thành các tổ chức, năm 2015, ông đề xuất thành lập Phòng thí nghiệm Vật liệu và Kết cấu tiên tiến trực thuộc Khoa Cơ kỹ thuật và Tự động hóa (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội.).
Năm 2016, ông đề xuất mở ngành thạc sỹ kỹ thuật hạ tầng ở Đại học Việt Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội) hợp tác với đối tác chính là Đại học Tổng hợp Tokyo và hơn 10 trường đại học khác của Nhật Bản cùng tham gia đào tạo nguồn nhân lực cao cho đất nước trong lĩnh vực Civil Engineering.
Năm 2018, giáo sư Đức kiến nghị thành lập ngành Công nghệ Kỹ thuật Xây dựng-Giao thông ở Đại học Công nghệ. Năm 2021, ông cùng với Khoa Quốc tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) triển khai hợp tác với Học Viện Hàng không Matxcova, mở ngành đào tạo kỹ sư Tự động hóa và Tin học...
Những ngành học mới đã đáp ứng được nhu cầu của người học cũng như yêu cầu nhân lực của xã hội đồng thời mở rộng lĩnh vực đào tạo của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Gần 40 năm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, được vinh danh là nhà khoa học hàng đầu của cả nước, giáo sư Nguyễn Đình Đức cho hay với ông đó là niềm vinh dự, nguồn khích lệ động viên nhưng cũng là trách nhiệm phải xứng đáng với những tôn vinh./.