Nhà khoa học về thần kinh chia sẻ 4 điều để loại bỏ sương mù não và suy giảm trí nhớ
Không có gì tệ hơn sương mù não. Nó có thể dẫn đến các triệu chứng như kém tập trung và giảm trí nhớ, hoặc khó đưa ra quyết định.
Báo thức kêu. Bạn mặc quần áo, lấy cà phê và đi làm. Nhưng đến giờ ăn trưa, bạn bắt đầu cảm thấy vô tổ chức. Bạn đọc lại email vì bạn thiếu tập trung và tinh thần thiếu minh mẫn. Chắc hẳn đọc tới đây ai cũng thấy có bóng dáng mình trong đó. Và những ai đã từng trải qua tình trạng này chắc chắn phải thừa nhận rằng nó rất... tệ hại.
Không có gì tệ hơn sương mù não. Ngoài căng thẳng và thiếu ngủ, nó có thể do hệ thống miễn dịch tạo ra phản ứng viêm trong não. Điều này có thể dẫn đến các triệu chứng như kém tập trung và giảm trí nhớ, hoặc khó đưa ra quyết định.
"Là một nhà thần kinh học, tôi nghiên cứu nguyên nhân của sương mù não và sự suy giảm trí nhớ. Để tránh 2 hệ quả không mong muốn này, đây là 4 điều tôi không bao giờ làm", tiến sĩ Tara Swart Bieber, một nhà khoa học thần kinh, bác sĩ y khoa và giảng viên cao cấp tại MIT Sloan, cho biết. Tiến sĩ Tara Swart Bieber chia sẻ như sau:
1. Tôi không bao giờ để cơ thể căng thẳng quá lâu
Ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình đang thư giãn, thực tế cơ thể bạn có thể bị căng thẳng về thể chất, ví dụ như đau cổ, lưng hoặc vai. Nguyên nhân gây ra tình trạng này có thể do những căng thẳng tích tụ lại trong cuộc sống, do công việc hoặc những áp lực khác.
Vì vậy, khi nhận thấy cơ thể mình đang có dấu hiệu căng thẳng, tôi ngay lập tức thực hiện một bài tập thở.
- Hít vào bằng mũi và từ từ đếm đến 4 giây.
- Nín thở trong bốn giây (đếm từ 1 đến 4).
- Thở ra bằng mũi, giải phóng tất cả không khí từ phổi, từ từ đếm đến 4 giây.
- Lại nín thở đếm 4 giây.
Lặp lại trong ít nhất 4 vòng như vậy.
Bài hít thở này là một cách đơn giản để giúp làm dịu não của bạn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nó có thể làm giảm mức độ cortisol - hóa chất được tạo ra khi cơ thể bị căng thẳng.
2. Tôi không nhìn vào màn hình điện tử một giờ trước khi đi ngủ
Thật hấp dẫn khi lướt mạng xã hội hay xem tivi trước khi đi ngủ nhưng những hoạt động này có thể quá kích thích não bộ.
Thay vào đó, tôi cố gắng đọc một cuốn sách trước khi tắt đèn. Nếu điều đó không giúp tôi ngủ, tôi thực hiện việc "thư giãn cơ thể" bằng cách siết chặt và giải phóng các cơ bắp - bắt đầu từ ngón chân và đến tận đầu.
Lý tưởng nhất là chúng ta cần ngủ khoảng 8 giờ mỗi đêm. Ngủ ít hơn có thể dẫn đến tâm trạng chán nản vì não không đủ thời gian để nghỉ ngơi, thiết lập lại.
3. Tôi không bao giờ nạp nhiều đường
Nếu đường ruột của bạn không khỏe mạnh, trí não của bạn cũng có thể "chùn bước". Tôi tăng cường sức khỏe trục ruột-não của mình bằng cách duy trì chế độ ăn giàu thực phẩm nhiều nước, giàu chất béo lành mạnh và protein dễ tiêu hóa.
Quan trọng nhất trong tất cả, tôi cố gắng tránh tiêu thụ nhiều đường. Bộ não của bạn sử dụng glucose (đường) làm nhiên liệu, nhưng nếu tiêu thụ nhiều quá dễ khiến bộ não của bạn bị "bùng nổ" và dẫn tới sương mù não, khó kiểm soát. Điều này có thể dẫn đến cáu kỉnh, mệt mỏi, rối loạn tinh thần và suy giảm khả năng phán đoán.
Tôi cũng ăn thực phẩm giàu magiê - ngũ cốc nguyên hạt, rau xanh, đậu khô và các loại đậu - để giúp điều chỉnh tâm trạng và chu kỳ giấc ngủ của mình. Thức uống chứa caffein cũng được tiêu thụ trước 10h sáng hàng ngày để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ buổi tối.
4. Tôi không bỏ qua việc thực hành thiền mỗi ngày
Tôi thiền ít nhất 12 phút mỗi ngày. Làm điều này vào ban đêm có thể giúp giảm thiểu sương mù não vào ngày hôm sau. Bạn có thể thực hành thiền như sau:
- Loại bỏ tất cả các yếu tố gây phiền nhiễu khỏi phòng của bạn.
- Ngồi hoặc nằm trong tư thế thoải mái.
- Hít thở sâu.
- Lặng lẽ "quan sát" suy nghĩ của bạn.
- Bất cứ suy nghĩ nào đến, chỉ cần "thừa nhận" chúng và bỏ qua, bạn sẽ lấy lại sự tập trung vào hơi thở của mình.
Nếu không thích thiền, bạn có thể thực hiện một hoạt động chánh niệm như nấu ăn hoặc đi dạo yên tĩnh.
Tôi cũng khuyên bạn nên nghĩ ra một câu thần chú mà bạn có thể nói vào buổi sáng, như: "Sương mù não là một trạng thái của tâm trí. Tối nay tôi sẽ đi ngủ sớm và ngày mai sẽ khỏe lại". Bằng cách nói rõ mục tiêu của bản thân thành tiếng như vậy, bạn có thể bắt đầu có chủ ý hơn trong việc thay đổi thói quen của mình. Và thông qua sự lặp lại đó, bộ não và cơ thể của bạn sẽ bắt đầu làm theo, đồng thời cũng sẽ nhạy bén hơn.
Tiến sĩ Tara Swart Bieber là một nhà khoa học thần kinh, bác sĩ y khoa và giảng viên cao cấp tại MIT Sloan. Cô là tác giả của cuốn "The Source: The Secrets of the Universe, the Science of the Brain", và dẫn chương trình podcast Reinvent Yourself with Dr. Tara. Cô làm việc với các nhà lãnh đạo để giúp họ đạt được khả năng phục hồi tinh thần và hiệu suất não bộ cao nhất, cải thiện khả năng quản lý căng thẳng, điều chỉnh cảm xúc và lưu giữ thông tin.
Nguồn: Cnbc