Nhà làm phim nữ và con đường vượt qua định kiến giới
Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, cuộc tọa đàm thú vị mang tên IN HER VOICE đã được Văn phòng UNESCO phối hợp cùng Đại sứ quán Canada, Đại sứ quán Thụy Sỹ tổ chức với mục đích chia sẻ kinh nghiệm và tạo môi trường giao lưu, phát triển cho các nhà làm phim nữ tại Việt Nam.
IN HER VOICE nằm khuôn khổ dự án E-Motions nhằm thúc đẩy, kết nối và thiết kế môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim do UNESCO và các đối tác thực hiện với sự hỗ trợ từ quỹ tín thác của Nhật Bản.
Trước thực trạng các nhà làm phim nữ còn gặp nhiều rào cản và tiếng nói chưa thực sự được lắng nghe, tọa đàm mong muốn hiểu được nhu cầu và nguyện vọng riêng của họ, tạo ra mạng lưới kết nối và kiến tạo những cơ hội mới cho họ.
Tại đây, các diễn giả Việt Nam và quốc tế đã kể về hành trình đến các liên hoan phim quốc tế, cách tiếp cận quỹ hỗ trợ điện ảnh, các giải thưởng ưu tiên dành cho nhà làm phim nữ. Đó là những góc nhìn sâu sắc và đa dạng về nghề làm phim cùng những khó khăn và thuận lợi mà họ phải đối mặt.
Đối diện với thử thách
Ở Việt Nam, thật hiếm có cặp vợ chồng đạo diễn nào như Thanh Vân và Nhuệ Giang khi hai người đều sinh ra trong gia đình có truyền thống làm phim, luôn đồng hành và hỗ trợ nhau trên con đường nghệ thuật.
Về sự nghiệp của riêng mình, đạo diễn Phạm Nhuệ Giang có nhiều tác phẩm phim truyện xuất sắc như Chú bé Culi (1992) , Bỏ trốn, Thung lũng hoang vắng (2002), Tâm hồn mẹ (2011), Lạc lối (2013)...
Khẳng định luôn có những khó khăn nhất định khi vừa làm đạo diễn và làm người phụ nữ trong gia đình, nhưng nữ đạo diễn vẫn cho rằng khi làm phim không nên quan niệm đạo diễn nam hay nữ. Theo bà, đạo diễn chỉ có một nhiệm vụ chung giống nhau làm cho bộ phim hoàn thiện, chỉn chu.
Đạo diễn Nhuệ Giang kể, thời còn trẻ, lớp học điện ảnh của bà chỉ có hai người là nữ. Khi ra trường đi làm, khả năng được làm phim của nữ giới cũng hạn chế hơn, trong khi cơ hội được giao phim cũng cởi mở hơn với cánh nam giới.
Thế nhưng, hiện nay mọi thứ đã thay đổi. Hiện là giảng viên tại Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, bà thấy tỷ lệ nam và nữ tại các lớp học đạo diễn đã ngang bằng nhau, thậm chí nhiều sinh viên nữ còn đỗ đầu khóa tốt nghiệp ở trường. Các giải thưởng cho đạo diễn nữ giờ cũng đã tăng lên rất nhiều, chứng tỏ nữ đạo diễn đã được tin cậy và trao niềm tin nhiều hơn.
Là một nữ đạo diễn trẻ người Canada, Anne Koizumi đã tốt nghiệp đại học ngành Sản xuất phim tại Đại học British Columbia năm 2004. Đặc biệt, bộ phim từ thời sinh viên của cô là Patricia Grey đã giành giải Phim xuất sắc của năm học thứ 4 và được chiếu tại Liên hoan phim Slamdance, Liên hoan phim thế giới Montreal và nhiều liên hoan phim khác trên khắp Bắc Mỹ.
Chia sẻ về kinh nghiệm của mình, Anne Koizumi cho rằng cần có sự hỗ trợ với các nhà làm phim trẻ, đặc biệt là nữ giới.
Chị nói: “Thách thức lớn nhất của chúng tôi là luôn bị coi là mới vào nghề, chưa có kinh nghiệm và chưa có tài năng, trong khi rất cần sự ủng hộ, khuyến khích và tạo cảm hứng để thể hiện ý tưởng của mình.
Bởi vậy, các nhà làm phim trẻ giống như tôi cần phải thể hiện bản thân để vượt qua định kiến này từ những người xung quanh”.
Theo học tại Học viện Điện ảnh Konrad Wolf ở Potsdam Babelsberg, dù đã viết kịch bản và đạo diễn một số phim ngắn ngày trong quá trình học, nhưng nữ đạo diễn người Thụy Sỹ gốc Italy Petra Volpe vẫn cho rằng việc phụ nữ làm phim còn có rất nhiều rào cản.
Chị chia sẻ: “Ngay ở Hollywood thì sự phân biệt đối xử và kỳ thị giới trong việc làm phim vẫn tồn tại. Sự bất bình đẳng này cần giải quyết ngày trong gia đình vì sự thay đổi diễn ra còn chậm. Tôi cho rằng cần phải có sự trao đổi và lan tỏa thông điệp này ngay từ trong trường học đối với mỗi đứa trẻ”.
Đến từ Hàn Quốc, Yoonhyung Jeon - thành viên nhóm chuyên gia về Công ước 2005 của UNESCO và chuyên gia thẩm định tại Hội đồng Phim Hàn Quốc (KOFIC), cho biết vào năm 2018, Trung tâm bình đẳng giới của điện ảnh Hàn Quốc đã được khai trương, trong đó khẳng định vài trò quan trọng của phụ nữ trong ngành điện ảnh.
Ngoài ra, các số liệu thống kê tại Hàn Quốc cho thấy các dự án phim được chia đều cho nam giới và nữ giới, tiếng nói của nữ giới ngày càng được coi trọng và được ưu tiên trong việc phân bổ ngân sách cho các dự án phim nhằm thúc đẩy bình đẳng giới.
Nắm bắt những cơ hội
Nói về cơ hội làm phim thì đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là gương mặt nổi bật trong những nhà làm phim độc lập tại Việt Nam. Từ năm 2008, chị đã sáng lập VBLOCK Media - một hãng phim độc lập hướng trọng tâm vào các dự án phim nghệ thuật, thể nghiệm, sáng tạo.
Đặc biệt, chị chính là nhà sản xuất phim Bi, đừng sợ (đạo diễn Phan Đăng Di) vào năm 2009, viết kịch bản, đạo diễn, sản xuất, phát hành bộ phim Đập cánh giữa không trung vào năm 2014 - hai bộ phim nổi tiếng đã nhận đề cử và giành các giải thưởng lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế.
Là một nhà phim nữ tài năng, Nguyễn Hoàng Điệp luôn quan tâm đến các cơ hội dành cho đạo diễn nữ, dù cơ hội này còn khiêm tốn tại Việt Nam. Tuy nhiên, chị cũng bày tỏ lạc quan khi ngày càng có nhiều bạn trẻ chủ động tham gia vào các chợ dự án phim quốc tế như Liên hoan phim thường niên Locarno, Liên hoan phim quốc tế Busan...
Chia sẻ từ trải nghiệm cá nhân, chị nói: “Tôi thấy nhiều nữ đạo diễn trẻ rất năng động, biết sắp xếp công việc, thể hiện tiếng nói và xác định mục tiêu của mình. Ngoài việc chủ động hơn trong việc tìm kiếm dự án phim, các bạn có thể lượng sức mình tìm kiếm các nguồn đầu tư, đồng sản xuất, cũng như có thể tiếp cận các quỹ văn hóa lớn từ quốc tế để thực hiện tác phẩm tâm huyết của mình”.
Yoonhyung Jeon trước đây cũng từng đảm nhiệm vị trí Trưởng bộ phận Phát hành, phụ trách chiến lược quốc tế của KOFIC đối với điện ảnh Hàn Quốc cũng như trao đổi liên văn hóa trong lĩnh vực nghe nhìn.
Kinh nghiệm của chị bao gồm việc triển khai chính sách và các chương trình hỗ trợ phát hành, tài trợ và đánh giá liên hoan phim, marketing và xây dựng thương hiệu, các chính sách mới, các chiến dịch tài trợ và công tác nghiên cứu.
Với những trải nghiệm phong phú trong ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, Jeon cho biết luôn có rất nhiều cơ hội cho các nhà làm phim nữ khi họ chủ động giới thiệu dựa án tại các liên hoan phim lớn như Liên hoan phim quốc tế Busan, kết nối với các nhà làm phim độc lập, nhà sản xuất, giám tuyển, nhà phát hành...
Hành trình sự nghiệp của đạo điễn Anne Koizumi cũng có thể truyền cảm hứng cho các nhà làm phim nữ của Việt Nam.
Đầu năm 2006, chị được Ủy ban Điện ảnh Quốc gia Canada mời tham gia một khóa học chuyên sâu dành cho các nhà làm phim hoạt hình mới nổi, cũng là nơi chị hoàn thành bộ phim chuyên nghiệp đầu tiên mang tên A Prairie Story được trình chiếu tại Liên hoan hoạt hình quốc tế Annecy, Animation Nation tại Singapore và Liên hoan phim quốc tế Calgary.
Sau đó, chị tham gia vào dự án hoạt hình dành cho thanh niên của Quickdraw Animation Society - một dự án cộng đồng nhằm hỗ trợ thanh niên vượt qua những khó khăn trong việc phát triển phim hoạt hình và kỹ năng sống.
Thông qua dự án này, Anne đã sản xuất hơn 30 phim hoạt hình ngắn và sử dụng kinh nghiệm của mình - với tư cách một nhà làm phim và nhà sản xuất hoạt hình - để hướng dẫn những người tham gia trong quá trình tạo ra sản phẩm hoạt hình của họ.
Tháng 5/2018, chị được trao giải thưởng của Ủy ban điện ảnh thuộc Liên minh Nghệ thuật Truyền thông Alberta cho kịch bản chuyển thể từ truyện ngắn The Yellow Wallpaper của Charlotte Perkins Gilman và hiện bộ phim đang trong quá trình sản xuất.
Mục tiêu dài hạn của Anne là xây dựng sự nghiệp làm phim và hoạt hình của mình ở Calgary, Alberta thông qua việc sản xuất các bộ phim hoạt hình và phim truyện.
Còn Petra Volpe, với sự nỗ lực vượt bậc, bộ phim điện ảnh đầu tay Traumland của chị được ra rạp tại Thụy Sỹ vào mùa Xuân năm 2014.
Đáng chú ý, The Divine Order - phim truyện mới nhất của Volpe được lựa chọn là tác phẩm của Thụy Sỹ được đề cử ở hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Lễ trao giải Oscar lần thứ 90.
Bộ phim cũng được công chiếu quốc tế tại Liên hoan phim Tribeca 2017 và giành được 3 giải thưởng: Giải Nora Ephron, Giải dành cho nữ diễn viên xuất sắc nhất và Giải khán giả bình chọn.
The Divine Order cũng một thành công phòng vé ở Thụy Sỹ, được đề cử 7 giải thưởng điện ảnh Thụy Sỹ và giành được 3 giải.
Ngoài ra, Petra Volpe còn viết kịch bản cho phim Heidi (2015) - bộ phim Thụy Sỹ thành công nhất mọi thời đại ở tầm quốc tế.
"Chúng tôi thấu hiểu vai trò quan trọng, bản lĩnh tuyệt vời và niềm đam mê kiên cường của các nhà làm phim nữ, dù họ phải đối mặt với nhiều thách thức trong sự nghiệp. Chúng tôi mong rằng việc lắng nghe và chia sẻ những cơ hội phát triển sự nghiệp điện ảnh trong hội thảo này sẽ là lời động viên, khích lệ cho họ.
Chúng ta hãy cùng mong chờ và đón chào thêm nhiều sản phẩm điện ảnh xuất sắc từ những nhà làm phim nữ tràn đầy cảm hứng cũng như những giải thưởng tuyệt vời dành cho họ"
(Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart)
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/nha-lam-phim-nu-va-con-duong-vuot-qua-dinh-kien-gioi-162223.html