Nhà lập pháp theo chủ nghĩa cải cách trở thành tân Tổng thống Iran
Cơ quan bầu cử Iran hôm 6/7 cho biết ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách Masoud Pezeshkian đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Iran, đánh bại đối thủ theo đường lối cứng rắn trong một cuộc bỏ phiếu quan trọng trong bối cảnh căng thẳng gia tăng cả trong nước và quốc tế.
Trong số 30,5 triệu phiếu bầu được kiểm trong cuộc bỏ phiếu hôm 5/7, Pezeshkian đã giành được 53,6%, vượt qua Saeed Jalili, người bảo thủ có 44,3% số phiếu, Press TV do nhà nước điều hành đưa tin. Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu là 49,8%.
Pezeshkian đã được bầu ở vòng bỏ phiếu thứ hai sau khi giành được số phiếu bầu cao nhất ở vòng đầu tiên, trước Jalili. Vòng đầu tiên chứng kiến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp nhất trong cuộc bầu cử Tổng thống kể từ khi Cộng hòa Hồi giáo được thành lập vào năm 1979.
Trong bài phát biểu chiến thắng ở Tehran hôm 6/7, Pezeshkian cảm ơn người dân Iran và thề sẽ đóng vai trò là “tiếng nói của những người không có tiếng nói”.
“Tôi là người hầu của người dân Iran. Chúng tôi sẽ phục vụ các bạn, những người dân thân yêu của đất nước chúng tôi” - Pezeshkian nói tại nơi chôn cất Imam Khomeini, nhà lãnh đạo Cách mạng Hồi giáo Iran năm 1979 và là người sáng lập Cộng hòa Hồi giáo Iran.
Tân tổng thống - là bác sĩ phẫu thuật tim và nhà lập pháp 69 tuổi - thừa nhận những thách thức mà đất nước phải đối mặt khi ông kêu gọi sự đoàn kết trong những gì ông mô tả là một chương mới cho Iran.
“Chúng ta hãy đến với nhau, hãy gắn bó với nhau, hãy đoàn kết và làm việc cùng nhau. Chúng ta có thể giải quyết mọi khía cạnh và lĩnh vực của chính phủ: các thách thức kinh tế, tài chính, quân sự và xã hội”.
Lãnh đạo tối cao đất nước, Ayatollah Seyyed Ali Khamenei, cảm ơn các ứng cử viên và chúc mừng Tổng thống đắc cử.
Khamenei ca ngợi đất nước đã nhanh chóng tổ chức “các cuộc bầu cử tự do và minh bạch” sau cái chết của Tổng thống Ebrahim Raisi. Một cuộc bầu cử nhanh chóng đã được tổ chức sau khi Raisi qua đời trong một vụ tai nạn trực thăng hồi tháng 5 ở vùng tây bắc xa xôi của Iran, cùng với Ngoại trưởng Hossein Amir- Abdollahian và các quan chức khác.
Khamenei khuyên Pezeshkian nên hành động “tiếp nối con đường” của Raisi.
Hội đồng Giám hộ, một cơ quan quyền lực gồm 12 thành viên có nhiệm vụ giám sát các cuộc bầu cử và luật pháp, phải chứng nhận kết quả cuộc bỏ phiếu trước khi Pezeshkian có thể nhậm chức.
Pezeshkian sẽ nắm quyền lãnh đạo một quốc gia đang phải đối mặt với sự cô lập quốc tế ngày càng tăng, sự bất mãn trong nước và nguy cơ xung đột trực tiếp với đối thủ 'không đội trời chung' là Israel.
Nhà lập pháp này là ứng cử viên theo chủ nghĩa cải cách duy nhất đang tranh giành chiếc ghế dân cử cao nhất trong nước sau khi hàng chục ứng cử viên khác bị cấm tranh cử.
Ông ủng hộ đối thoại, đặc biệt là về chương trình hạt nhân của nước này và coi đó là phương tiện để giải quyết các vấn đề trong nước của đất nước.
Các nhà lãnh đạo Nga, Ả Rập Saudi, Pakistan và Syria là những nước đầu tiên chúc mừng Pezeshkian.
Theo hãng thông tấn nhà nước Saudi Press Agency, Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed Bin Salman cho biết ông “mong muốn phát triển và làm sâu sắc hơn các mối quan hệ nhằm gắn kết hai đất nước và nhân dân chúng ta lại với nhau, đồng thời phục vụ lợi ích chung của chúng ta”.
Theo một tuyên bố từ Điện Kremlin, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, ông hy vọng sau cuộc bầu cử Pezeshkian sẽ mở rộng hợp tác song phương “trong mọi lĩnh vực” vì lợi ích “đơn giản hóa an ninh và ổn định khu vực”.